'Qua ứng phó dịch bệnh cho thấy cán bộ nào chần chừ, không trách nhiệm với dân'
Không ít cán bộ bị xử lý kỷ luật vì vi phạm phòng, chống dịch. Qua công tác ứng phó Covid-19, người dân biết rõ cán bộ nào vì dân, cán bộ nào chần chừ hay không dám chịu trách nhiệm.
Xử lý cán bộ vi phạm để làm gương
Theo ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cuộc chiến chống Covid-19 đầy cam go, thử thách, nên khi triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống thì mỗi xã phường, thị trấn phải thực sự là “pháo đài”, mỗi người dân phải thật sự là “chiến sĩ”. Chính vì vậy cần phải đề cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác của mỗi cá nhân đối với xã hội.
Cuộc chiến này vô cùng khốc liệt nhưng lại là cuộc chiến vô hình, nên nhiều người chưa cảm thấy hết tính nghiêm trọng của nó. Đó cũng là lý do khiến một số cán bộ thiếu trách nhiệm, không thể hiện tính nêu gương của mình, gây nguy hại đến kết quả phòng, chống dịch.
Do đó, việc xử lý kỷ luật những cán bộ vi phạm, không thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch là cần thiết, đúng quy định, không chỉ nhằm mục đích giáo dục, răn đe mà còn làm gương cho các cán bộ khác nếu có những việc làm cản trở nỗ lực chung trong quá trình thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của người dân.
“Cán bộ có chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng lớn, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương trước nhân dân, xã hội. Chính vì vậy, các hình thức xử phạt cán bộ vừa qua là phù hợp, đúng quy định; cho thấy sự nghiêm túc, quyết tâm trong phòng, chống dịch bệnh, trong đó luôn đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” – ông Bùi Hoài Sơn nói.
Thực tế thời gian qua, không ít cán bộ thiếu trách nhiệm, lơ là, vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh đã bị xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức như cảnh cáo, miễn nhiệm, tạm đình chỉ công tác.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định miễn nhiệm chức danh Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định đối với ông Nguyễn Công Thành do vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trước đó, ông Nguyễn Công Thành, cùng ông Nguyễn Văn Dũng (thời điểm làm Giám đốc Sở Du lịch Bình Định) cùng 2 chủ doanh nghiệp đi chơi golf ở Quy Nhơn trong thời gian tỉnh Bình Định đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 để phòng, chống dịch Covid-19 bùng phát. Liên quan sự việc này, bà Huỳnh Thị Kim Bình - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Định bì kỷ luật cảnh cáo, miễn nhiệm chức vụ.
Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa- Giáo dục Bùi Hoài Sơn, trong mọi hoàn cảnh, mỗi cá nhân dù ở cương vị nào cũng phải tự thấy và làm tròn trách nhiệm của mình. Nhất là trong những lúc khó khăn, cần phải thực hiện nguyên tắc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, đồng thời cá nhân hóa nhiệm vụ cụ thể để đánh giá đúng thực chất năng lực của cán bộ.
Ứng phó Covid-19 cho thấy năng lực, trách nhiệm của cán bộ
Từ đợt thứ 4 dịch bệnh bùng đến nay, không ít cán bộ, người đứng đầu ở địa phương nhận các hình thức xử lý kỷ luật do lơ là, thiếu sót, khiến công tác phòng chống dịch kém hiệu quả. Mới đây, ngày 21/9, UBND thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận cho biết đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Trần Huỳnh Vũ - Chủ tịch UBND phường Tân An, để làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch.
Đầu tháng 9, UBND huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Trần Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân, do ông Thạch đã ký xác nhận để công dân ở vùng dịch, đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đi về địa phương...
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt về mọi mặt thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch”. Bởi thực tế cho thấy, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân là một mắt xích xung yếu trong mặt trận phòng, chống dịch. Trong trận chiến ấy, nếu một mắt xích nào lơ là, mất cảnh giác thì có thể để lại hậu quả rất phức tạp. Vì vậy, rất cần xác định rõ trách nhiệm trực tiếp làm lây lan dịch và truy trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
“Cán bộ là công bộc, là đầy tớ của nhân dân. Khi cán bộ, đảng viên nêu cao trách nhiệm nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ thì sẽ là nguồn động viên lớn, là nguồn cảm hứng tốt cho xã hội sớm chiến thắng dịch bệnh” - Ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Nhắc về những chuyến “vi hành” của người đứng đầu Chính phủ khi kiểm tra đột xuất tình hình dịch bệnh ở các điểm nóng, PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng chính là tấm gương phản chiếu mọi mặt, trong đó có công tác cán bộ. Những cuộc kiểm tra đó đã giúp lãnh đạo Chính phủ thấy được năng lực thực tế của cán bộ cơ sở, nhìn thấy những khó khăn cần tháo gỡ, những chậm trễ cần chấn chỉnh.
“Lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Có chủ trương, chính sách rồi thì phải kiểm tra, vì nếu không kiểm tra thì sẽ không thấy được những bất cập, khó khăn trong thực tiễn cuộc sống. Như trong các cuộc kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch ở cơ sở của Thủ tướng, có lãnh đạo địa phương còn không nắm được những vấn đề cơ bản trong phòng chống dịch hiện nay. Không chỉ Trung ương, Thủ tướng kiểm tra mà cấp tỉnh, huyện cũng cần thường xuyên “vi hành” kiểm tra cấp xã, phường – nơi gần dân, sát dân nhất để sâu sát thực tế hơn, lắng nghe dân nhiều hơn và cũng thấy được năng lực của cán bộ đến đâu” - ông Bùi Đình Phong nói như vậy và nhấn mạnh, cán bộ phường, xã có vấn đề thì cũng cần xem lại cấp quận, huyện, tỉnh, thành phố.
“Ứng phó với dịch bệnh Covid-19 là dịp sàng lọc cán bộ. Qua công tác phòng, chống dịch, người dân biết rõ cán bộ nào vì dân, cán bộ nào chần chừ, cán bộ nào không dám chịu trách nhiệm trước dân” – ông Bùi Đình Phong nhấn mạnh./.