Qua sông không còn phải 'lụy đò'
Ngày 30/8/2023, cầu Cần Giuộc (mới) dài 417m, rộng 8m với 2 làn xe chính thức thông xe. Kể từ ngày đó, mỗi bận qua sông, người dân không phải "lụy đò".
Trước đây, người dân hai bên bờ sông Cần Giuộc (tỉnh Long An) nhờ phà Tân Thanh để đi lại. Bến phà này là kỷ niệm của không ít người. Từ khi có cầu, những chiếc phà xem như đã hoàn thành sứ mạng. Đoạn đường từ cây cầu mới đến bến phà cũ dài chừng 2km, càng gần bến càng nhộn nhịp, đông vui. Phà kết thúc hành trình, một số người dân mất phần huê lợi từ việc bán buôn. Nhưng khi nghĩ đến cái chung, nghĩ đến cảnh từ nay qua sông không phải "lụy đò", niềm vui lại thay thế nỗi buồn.
Ông Phan Văn Dữ (ấp Lũy, xã Phước Lại) đang thảnh thơi nhìn dòng xe nhộn nhịp qua lại trên cầu. Ở tuổi 80, ông hiểu rõ những gian khó cũng như sự đổi thay của mảnh đất này trong mấy chục năm qua. Hỏi chuyện xưa, ông bùi ngùi kể lại thời gian khó: "Đất xứ này nước mặn lấn nửa năm, được lửng bụng cũng nhờ tôm, nhờ cá. Mấy chục năm trước, trời mưa thì thôi, hễ hạn là phải “ngóng” ghe nước ngọt".
Nhà nào lúc đó cũng có một chiếc xuồng, cảnh lỉnh kỉnh can, thùng đi đổi nước, ông Dữ không bao giờ quên được. Đó là chưa kể chuyện con đường thời còn thấp, đầy lỗ hang, triều cường lên, xe chết máy, thợ sửa không kịp. Lại còn cảnh nhà xập xệ, lác đác có mấy căn, tối không dám ra đường. Kể tới đây, ông đổi giọng: “Vậy mà giờ vặn vòi là có nước liền”.
Ông Dữ phấn khởi là phải, bởi bây giờ chỗ ông ở khác quá, nhất là từ khi có cầu Cần Giuộc nối đôi bờ, chứ hồi trước muốn qua trung tâm huyện phải chờ phà. Cây cầu giúp người dân bờ bên này xóa đi cảm giác vùng sâu, vùng xa trong tâm thức.
Sáng sáng, chiều chiều, người người qua lại đông vui, nhộn nhịp, nhiều nhất là công nhân. Từ nơi đêm đến trời tối om, nay đèn sáng khắp lối. Ông Dữ kể: “Buổi tối, đèn trên cầu đỏ đỏ, xanh xanh đẹp lắm, đó giờ tui mới thấy!”. Những ngày cầu mới xây xong, ông hay đến tham quan. Lần đầu tiên đứng trên cao nhìn quê hương, nhìn thấy cả những tòa nhà chọc trời tận TP.HCM, ông không giấu nổi niềm vui sướng. Giờ ông Dữ ước mong sống mạnh khỏe thêm vài năm để “coi xứ này ngày càng phát triển”.
Cầu Cần Giuộc hình thành đã kết nối vùng thượng và vùng hạ của huyện; việc giao thương, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, tạo nhiều việc làm cho người dân. Từ chỗ mỗi năm làm 1 vụ lúa, nay người dân có thu nhập đều đều mỗi tháng nhờ làm trong các nhà máy, xí nghiệp,...
Con nước đôi khi dữ dằn của sông bây giờ không còn là nỗi lo trong họ, bởi cây cầu sừng sững đang nối nhịp bờ vui, góp phần đưa quê hương đến những thành công mới./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/qua-song-khong-con-phai-luy-do-a183336.html