Phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực trên không gian mạng: Vấn nạn chưa hồi kết

Xã hội càng hiện đại thì tình trạng bạo lực trên không gian mạng càng trở nên báo động. Đáng chú ý nạn nhân nữ và trẻ em đang dần gia tăng một cách khó kiểm soát.

Phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực trên không gian mạng

Nghiên cứu toàn cầu của Economist Intelligence Unit cho thấy, 38% phụ nữ từng trải qua bạo lực trực tuyến. 85% phụ nữ dành thời gian trực tuyến đã chứng kiến bạo lực kỹ thuật số đối với những phụ nữ khác.

Báo cáo Thực trạng trẻ em gái thế giới năm 2020 do Plan International thực hiện tại 31 quốc gia với hơn 14.000 trẻ em gái và phụ nữ trẻ cho thấy, 58% trẻ em gái được khảo sát đã bị quấy rối và xâm hại trực tuyến. 85% trong số họ đã trải qua nhiều loại bạo lực trên cơ sở giới trên không gian mạng. Con số này cao hơn rất nhiều so với ước tính toàn cầu về bạo lực gây ra bởi bạn tình trong đời là 31%.

Trên toàn cầu, 85% phụ nữ cho biết đã chứng kiến bạo lực trên không gian mạng và gần 40% từng trải qua điều đó. Đáng nói, bạo lực giới trên không gian mạng có tính lan tỏa, không ngừng, ẩn danh và cải biến.

Ảnh minh họa/Nguồn: Báo Người Lao động

Ảnh minh họa/Nguồn: Báo Người Lao động

Những hành động này không chỉ nới rộng khoảng cách giới tính kỹ thuật số, bằng cách ngăn cản phụ nữ và trẻ em gái tham gia trực tuyến mà còn mở rộng phạm vi bạo lực giới từ thế giới vật chất sang thế giới kỹ thuật số. Sự thay đổi này gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sự tham gia chính trị và quyền tự do ngôn luận của phụ nữ. Các bé gái đặc biệt dễ bị tổn thương, thường là mục tiêu của nạn săn mồi trực tuyến nghiêm trọng.

Vì đâu nên nỗi?

Tiến sĩ Hoàng Tú Anh – Giám đốc và thành viên hội đồng sáng lập Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho rằng: “Chúng ta đang sống trong một xã hội có sự mâu thuẫn về giá trị. Hàng ngày chúng ta tiếp cận liên tục với các thông điệp thúc đẩy sự tự do, tự chủ, phát triển bản thân và thể hiện cá nhân của trẻ em gái và phụ nữ. Song bên cạnh đó cũng tiếp cận với số lượng thông điệp tương tự hoặc thậm chí nhiều hơn về duy trì các giá trị truyền thống công dung, ngôn hạnh, tam tòng, tứ đức.

Tiến sĩ Hoàng Tú Anh – Giám đốc sáng lập Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Hoàng Tú Anh – Giám đốc sáng lập Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) Ảnh: NVCC

Nhiều người rất tự tin nói rằng họ ủng hộ tự do, bình đẳng của phụ nữ nhưng có khi cũng chính những người này lại rất dễ dàng chỉ trích, lên án khi thấy những hình ảnh phụ nữ ăn mặc thoải mái, độc lập tài chính, độc lập học thuật, không muốn kết hôn, không muốn sinh con hay muốn làm mẹ đơn thân”.

Ở châu Á, tư tưởng phụ nữ không thể làm việc lớn vẫn còn hiện diện. Nhiều người không đánh giá cao khả năng của phụ nữ, cho rằng thân làm phụ nữ chỉ nên ở trong bếp, làm những việc nhẹ nhàng. Từ tư tưởng này, họ phủ nhận mọi nỗ lực của phụ nữ.

Khi bắt gặp một cô gái trẻ độc lập, thành công và độc thân, họ sẽ khẳng định ngay những điều như “cô này sinh ra ở vạch đích”, “cô này làm sugar baby”,… mà không mảy may quan tâm đến việc cô ấy đã cố gắng thế nào.

“Càng có nhiều phụ nữ thực hiện quyền, sự tự do của mình thì cũng sẽ có càng nhiều người lo lắng về sự thay đổi trật tự truyền thống của gia đình và xã hội. Các ngôn ngữ bạo lực, kì thị do vậy được đưa ra như một phản ứng tự nhiên của bộ phận xã hội này” – Tiến sĩ Hoàng Tú Anh cho biết.

Những kẻ có dụng tâm xấu, đặc biệt khi được tiếp tay bởi mạng xã hội với những tính năng ẩn danh, giấu mặt, thường xuyên nhắm vào đối tượng nữ giới để quấy rối vì cho rằng các cô gái thường yếu đuối, ít phản kháng, hoặc thường chọn im lặng thay vì đối đầu, tìm ra chân tướng kẻ quấy rối mình.

Những cô gái đang là học sinh, sinh viên, “trẻ người non dạ” càng dễ là nạn nhân của bạo lực không gian mạng. Những kẻ biến thái, thường xuyên gửi những hình ảnh tục tĩu qua tin nhắn, email rồi hèn hạ giấu mặt sau tấm màn hình, khoái trá khi nghĩ đến hình ảnh các cô gái tình cờ mở ra, hốt hoảng, rùng mình sợ hãi. Không ít chị em gặp phải tình trạng này nhưng không mấy ai có đủ dũng khí để công khai.

Chị L., sống tại Hà Nội, hiện đang là nhân viên văn phòng chia sẻ quá khứ ám ảnh khi còn là sinh viên của trường Đại học KHXH&NV.

Chị quen anh này qua Facebook, vì chưa gặp mặt bao giờ nên chỉ giữ thái độ xã giao, không suồng sã nhưng trái ngược lại, người đàn ông kia luôn muốn hẹn gặp mặt L. và cho biết anh ta luôn nghĩ đến chị từng giây phút. Thậm chí có lần, L. bị sốc khi thấy anh ta gọi điện video thực hiện động tác thủ dâm. Quá sợ hãi, L. vội “block” ngay người này.

Các ngôn ngữ bạo lực và kỳ thị phụ nữ trên không gian mạng cũng là một dạng bạo lực cực đoan. Bạo lực xảy ra trong không gian ảo nhưng có thể gây ra tác hại hoàn toàn thực sự.

Đã có không ít những hậu quả đáng buồn xảy ra, nhẹ thì bị ảnh hưởng tâm lý, trầm cảm, nặng hơn nữa đôi khi là những hành động nghĩ quẩn, mất đi sự sống. Ngay cả khi những người bị bạo lực mạng mạnh mẽ vượt qua thời điểm này nhưng ẩn sâu đó, hệ quả để lại không hề bị mất đi. Ai sẽ là người giải quyết cho những lời nói xuyên tạc, bôi nhọ đã xuất hiện ảnh hưởng đến danh dự cá nhân? Ai sẽ là người chữa lành những ảnh hưởng về tâm lý, tinh thần? Nặng nề hơn, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những bệnh tật hay mất mát xảy ra?

Theo Tiến sĩ Hoàng Tú Anh, không cứ phụ nữ, trẻ em gái cần ứng phó với hiện tượng này mà việc lên tiếng, không chấp nhận, không đồng lõa với ngôn ngữ này cũng cần là trách nhiệm của mọi người. Trên không gian mạng, cá nhân nào cũng đều xứng đáng được bảo vệ các quyền cơ bản và được tham gia vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống.

“Ai cũng có người thân là phụ nữ, do vậy lên tiếng với các ngôn ngữ không tôn trọng này chính là cách để bảo vệ người thân của mình. Bên cạnh đó nhà nước cần thực hiện giáo dục về bình đẳng giới từ sớm trong trường học và nơi làm việc cũng như thực hiện nghiêm việc phát hiện và xử lý các trường hợp đưa ra các ngôn từ không phù hợp này giống như nhà nước đã kiểm duyệt và xử lý các trường hợp phát ngôn hay có hành xử trên mạng không phù hợp khác” – Tiến sĩ Hoàng Tú Anh nói.

Thùy Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/phu-nu-tre-em-gai-bi-bao-luc-tren-khong-gian-mang-van-nan-chua-hoi-ket-d202279.html