Phụ huynh an tâm, thí sinh vững bước
Năm 2025 mở ra một chương trong hành trình đổi mới giáo dục đại học tại Việt Nam, khi Bộ GĐ&ĐT ban hành quy định mới yêu cầu các trường quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển cho cùng một ngành.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Nhiều năm qua, phụ huynh và học sinh không khỏi lo lắng trước sự chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển - dù cùng ngành học, cùng trường. Điều này khiến không ít em có học lực tốt vẫn bị “rớt đài”, trong khi có em trúng tuyển dễ dàng nhờ lựa chọn tổ hợp “dễ thở” hơn.
Quy định mới của Bộ GD&ĐT chính là lời hồi đáp cho những băn khoăn ấy: Mùa tuyển sinh 2025 không chỉ là cuộc đua điểm số, mà còn là một phép thử cho sự minh bạch và trách nhiệm của các trường đại học, sự trưởng thành của các sĩ tử, và sự đồng hành đầy tin tưởng từ mỗi gia đình.
Tạo sự công bằng và minh bạch
Được ban hành tại Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT ngày 19.3.2025, sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, theo đó, dù thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) hay chứng chỉ quốc tế, các trường đại học đều phải xác định điểm chuẩn tương đương - tạo ra một mặt bằng đánh giá công bằng và minh bạch.
Trong quá khứ, sự chênh lệch điểm chuẩn giữa các phương thức đã trở thành điểm nóng trong mỗi mùa tuyển sinh.
Điển hình như năm 2024, điểm chuẩn ngành Kinh tế tại một trường đại học ở TP.HCM đạt 27,5/30 qua phương thức điểm thi THPT, nhưng lại chỉ 24/30 qua học bạ - một khoảng cách khiến không ít phụ huynh và học sinh hoang mang.
Với quy định mới, cơ hội trúng tuyển không còn phụ thuộc vào “đường đi” mà thí sinh lựa chọn, mà dựa trên mức độ tương đương về năng lực và kiến thức thực chất.
Ví dụ, một trường có thể xác định rằng điểm HSA từ 90-100/150 sẽ tương đương với 24-27/30 điểm tổ hợp A00. Từ đó, điểm chuẩn giữa các phương thức được điều chỉnh đồng bộ, chấm dứt cơ chế phân bổ chỉ tiêu riêng lẻ như trước.
Bộ GD&ĐT khẳng định, đây không phải một quyết định cảm tính. Dựa trên hệ thống dữ liệu lớn tích lũy qua nhiều năm - bao gồm điểm học bạ, điểm thi THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và cả thành tích học tập của sinh viên - Bộ đã huy động tổ tư vấn gồm các nhà khoa học, chuyên gia đo lường và cán bộ tuyển sinh giàu kinh nghiệm để phân tích và xây dựng khung quy đổi minh bạch, chặt chẽ.
Việc quy đổi giữa học bạ (đánh giá quá trình dài hạn) và thi THPT (đánh giá kiến thức cốt lõi tập trung) là một thách thức không nhỏ. Bộ GD&ĐT cho biết sẽ ban hành khung quy đổi chung, nhưng vẫn trao quyền tự chủ cho các trường điều chỉnh theo đặc thù ngành nghề.
Sự linh hoạt này tạo điều kiện cho đổi mới, nhưng đồng thời đòi hỏi cơ chế giám sát nghiêm ngặt để tránh rối loạn hệ thống.
Trước đây, nhiều thí sinh chọn thi THPT bị bất lợi do chỉ tiêu ít, điểm chuẩn cao; trong khi học bạ lại “dễ thở” hơn. Với quy đổi điểm, mọi thí sinh sẽ được đánh giá trên cùng một thước đo, không còn sự “may rủi” từ chiến lược chọn phương thức.
Hệ thống xét tuyển trực tuyến cũng được nâng cấp để tự động chọn phương thức có lợi nhất cho thí sinh, dự kiến xử lý hơn 1,2 triệu nguyện vọng trong năm 2025.
Việc công khai điểm chuẩn quy đổi sẽ giúp thí sinh và phụ huynh dễ dàng so sánh, lựa chọn và lên kế hoạch ứng tuyển. Đồng thời, các trường sẽ buộc phải giải trình quy trình xét tuyển.
Giới chuyên gia nhận định, nhiều trường có thể sẽ tinh giản phương thức xét tuyển, chuyển trọng tâm từ “đua” chỉ tiêu sang nâng cao chất lượng đào tạo.
Hướng tới hệ thống tuyển sinh bền vững
Áp dụng quy đổi điểm xét tuyển từ năm 2025 không chỉ là một điều chỉnh kỹ thuật trong tuyển sinh đại học, mà là bước đi chiến lược trong tiến trình hiện đại hóa và chuẩn hóa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Chính sách này thể hiện xu hướng phát triển toàn cầu - nơi tuyển sinh không đơn thuần là cuộc đua điểm số, mà là quá trình chọn lựa công bằng, hợp lý những cá nhân phù hợp nhất với đặc thù ngành học và năng lực đào tạo của từng trường.
Bằng việc quy định mức điểm chuẩn tương đương giữa các phương thức, quy đổi điểm đã gạt bỏ những bất cập cố hữu trong phân bổ chỉ tiêu trước đây. Chính điều này góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường, đồng thời trao cơ hội công bằng cho tất cả học sinh, bất kể xuất phát điểm.
Tuy nhiên, đây không phải là “cây đũa thần” giải quyết mọi vấn đề. Để chính sách phát huy hiệu quả, các trường đại học phải thực sự nghiêm túc trong việc xây dựng khung quy đổi riêng, dựa trên phân tích dữ liệu đầu vào, đặc thù ngành học và năng lực đào tạo.
Dù Bộ GD&ĐT khẳng định không yêu cầu thay đổi phần mềm xét tuyển, quá trình chuẩn bị vẫn đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, nhân lực và tính chuyên môn cao.
Với khoảng 650.000 thí sinh dự kiến tham gia kỳ thi THPT năm 2025, trong đó 20% chọn phương thức khác, áp lực “hiểu đúng - tính đúng” điểm quy đổi là điều không đơn giản.
Khi mỗi trường có thể áp dụng hệ số và quy tắc khác nhau, việc một em đạt 110/150 điểm HSA nhưng không biết tương đương bao nhiêu điểm thi THPT là hoàn toàn có thể xảy ra.
Dù Bộ cam kết công bố khung quy đổi trước mùa tuyển sinh, sự chuẩn bị tâm lý và kỹ năng tra cứu thông tin từ sớm là yếu tố then chốt để thí sinh và phụ huynh chủ động thích nghi.
Để quy đổi điểm trở thành nền tảng cho một mùa tuyển sinh minh bạch, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo và người học. Bộ đã cam kết cung cấp khung quy đổi và hướng dẫn chi tiết, nhưng điều quan trọng hơn là vai trò giám sát, kiểm định trong quá trình thực thi.
Các trường đại học cũng cần công bố sớm, công khai, minh bạch quy tắc quy đổi, tránh biến quy trình này thành một “hộp đen” gây nhiễu. Về phía thí sinh, cần chủ động học cách sử dụng hệ thống xét tuyển trực tuyến, tra cứu dữ liệu, tìm hiểu quy tắc quy đổi - bởi sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ là chìa khóa thành công trong mùa tuyển sinh mới.
Quy đổi điểm chính là viên gạch nền cho một hệ thống tuyển sinh bền vững, linh hoạt và khoa học - nơi chất lượng đầu vào được đảm bảo không phụ thuộc vào một kỳ thi duy nhất, mà phản ánh toàn diện năng lực thực tế của người học.
Đặc biệt, trong bối cảnh Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 chính thức áp dụng cho kỳ thi THPT 2025, sự thay đổi này không chỉ phù hợp, mà còn mở ra cơ hội “tái định hình” toàn diện cách tiếp cận tuyển sinh đại học tại Việt Nam - theo hướng hiện đại, hội nhập và nhân văn.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/phu-huynh-an-tam-thi-sinh-vung-buoc-127281.html