Phòng ngừa lừa đảo trên không gian mạng

Ngày 10/12, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 23 (kỳ họp cuối năm 2024), Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang, khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Đại tá Huỳnh Việt Hòa, Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang nêu 4 giải pháp tránh bị lừa đảo trên không gian mạng, đặc biệt phòng ngừa hành vi lừa đảo lợi dụng công nghệ AI.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Ông nêu rõ: Người dân bảo vệ thông tin cá nhân, không công khai thông tin giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình trên các nền tảng mạng xã hội; tìm hiểu kỹ khi kết bạn, giao tiếp với người lạ, nhất là người hứa hẹn lợi ích vật chất, lợi ích bất ngờ hoặc sự cố bất ngờ. Đồng thời phải xác minh thông tin nhận được và chọn lọc trước khi chia sẻ công khai trên không gian mạng; không mở, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.

Người dân bảo vệ an toàn tài sản trên không gian mạng bằng cách không thực hiện giao dịch, chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng lạ dưới bất kỳ lý do gì; không tham gia hoạt động đầu tư tài chính, tiền ảo trên không gian mạng khi chưa tìm hiểu kỹ về đối tác, lĩnh vực kinh doanh; không chuyển tiền cọc khi giao dịch mua bán trên không gian mạng với người lạ.

Cùng với đó, mỗi người phải bảo vệ an toàn tài khoản email, tài khoản đăng nhập và thiết bị khi tham gia môi trường mạng; cẩn trọng khi tải, cài đặt ứng dụng, phần mềm, truy cập vào trang mạng chưa rõ nguồn gốc, đăng ký sử dụng công cụ phòng chống mã độc trên các thiết bị cá nhân; không đăng nhập vào đường link do người lạ chuyển vào điện thoại hoặc máy tính.

Người dân cần kịp thời cung cấp thông tin hành vi, nghi vấn lợi dụng công nghệ cao để vi phạm pháp luật đến cơ quan chức năng. Đặc biệt khi có người nhận là cán bộ cơ quan chức năng liên hệ công việc, người dân phải đến chính quyền cơ sở hoặc Công an cơ sở xác thực thông tin để nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.

“Lực lượng Công an không làm việc qua điện thoại hay mạng xã hội. Người dân không nghe, không tin cũng không nhận bất cứ thông tin gì mà người lạ đưa đến cho chúng ta”, Đại tá Huỳnh Việt Hòa nói.

Cũng theo Đại tá Huỳnh Việt Hòa, hiện nay, tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm sử dụng AI, có khả năng làm giả video, giọng nói người khác.

Các đối tượng chủ yếu lừa nạn nhân tham gia đầu tư tài chính, chơi hụi trên mạng, kêu gọi từ thiện, cho trước kết quả xổ số, yêu cầu làm nhiệm vụ để nhận hoa hồng, đặt tiền cọc mua hàng hóa qua mạng, giả danh Công an, cán bộ nhà nước yêu cầu cập nhật tài khoản định danh điện tử.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động tinh vi, có kịch bản và phân vai cụ thể trong quá trình phạm tội, máy chủ để sử dụng hành vi phạm tội đa phần đặt ở nước ngoài. Việc thu hồi tài bị chiếm đoạt rất khó do các đối tượng phạm tội sau khi nhận được tiền đã liên tiếp chuyển qua nhiều tài khoản, thậm chí chuyển tiền ra nước ngoài tránh sự truy xét của lực lượng Công an.

Thời gian qua, Công an tỉnh rà soát, lập danh sách gửi ngành chức năng tuyên truyền, xác minh, xử lý 141 số điện thoại nghi vấn hoạt động sử dụng công nghệ cao; nắm tình hình 144 hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội; phối hợp đăng tải thông tin tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao.

Năm 2024, Công an tỉnh nhận được nhiều tin báo tố giác tội phạm liên quan tội phạm công nghệ cao, trong đó, có 57 tin báo liên quan đến hành vi lừa đảo, chiếm đoạn tài sản, tăng 24 tin so năm 2023, 4 tin liên quan hành vi đánh bạc trên không gian mạng. Công an tỉnh làm rõ 4 vụ lừa đảo trên không gian mạng, khởi tố 4 đối tượng, thu hồi tài sản trên 87 triệu đồng và làm rõ 100% số tin báo về đánh bạc trên không gian mạng, khởi tố 4 vụ việc, với 8 đối tượng. Tổng thiệt hại theo lời khai ban đầu của các bị hại trên không gian mạng trong năm 2024 tại tỉnh là trên 8,6 tỷ đồng.

Duy Ba (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/mang-xa-hoi/phong-ngua-lua-dao-tren-khong-gian-mang-20241210162718693.htm