Phó Thủ tướng yêu cầu EVN không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào

Sáng 21-12, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ ba.

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ ba cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ ba cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương và chúc mừng những thành tích mà các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên, người lao động của ngành Điện lực đã đạt được trong suốt 65 năm qua.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh, khoảng 10%/năm. Do vậy, yêu cầu đặt ra với ngành điện là phải bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của nhân dân, không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Để thực hiện trọng trách này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, EVN tập trung vào 8 vấn đề chính.

Thứ nhất, bám sát định hướng, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện 7 điều chỉnh - sắp tới là Quy hoạch điện 8); quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để có kế hoạch phát triển nguồn điện, mạng lưới truyền tải điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Thứ hai, vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước.

Thứ ba, thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện.

Thứ tư, thực hiện tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm đưa vào hoạt động thị trường bán lẻ điện từ năm 2021.

Thứ năm, tiếp tục rà soát, sắp xếp, đổi mới mô hình quản lý và hoạt động theo hướng tinh gọn bộ máy, đơn giản, minh bạch hóa thủ tục, tạo sự chủ động và nâng cao năng lực điều hành, quản trị doanh nghiệp.

Thứ sáu, thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động; thu hẹp, tiến tới đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực về năng suất lao động.

Thứ bảy, tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Thứ tám, bảo đảm đời sống, việc làm của người lao động ngành điện; xây dựng cơ chế tiền lương và thu nhập, chế độ đãi ngộ nhân tài phù hợp quy định của nhà nước.

Trước đó, tại buổi lễ, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, cách đây tròn 65 năm, ngày 21-12-1954, mặc dù bộn bề công việc sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô nhưng Bác Hồ đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 12-10-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1594/QĐ-TTg lấy ngày 21-12 hằng năm là Ngày truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam.

Trong 65 năm qua, Điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ có 31,5 MW công suất năm 1954, đến nay, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia khoảng 54.850 MW, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới về quy mô nguồn và lưới điện, bảo đảm “điện đi trước một bước”, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Từ chỗ, năm 1954, điện chỉ cung cấp cho các trung tâm thành phố và khu công nghiệp, đến nay, điện đã cung cấp cho 99,52% số hộ dân của cả nước với sản lượng điện thương phẩm năm 2019 đạt 210 tỷ kWh, mức sử dụng điện bình quân trên người dân đạt 2.180 kWh/người/năm. Đặc biệt, EVN đã đầu tư và cung cấp điện cho 11/12 huyện đảo; trong đó, các đảo có vị trí chiến lược trên biển như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải, Lại Sơn, Tiên Hải... đều được đầu tư cấp điện lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển.

Những bước tiến thần kỳ của ngành điện lực cách mạng Việt Nam còn được thể hiện qua việc xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình điện trọng điểm mang tầm quốc tế và khu vực như: Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á...

Thanh Hải

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/953546/pho-thu-tuong-yeu-cau-evn-khong-de-thieu-dien-trong-bat-cu-hoan-canh-nao