Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Việt Nam nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, việc khai thác đất hiếm Chính phủ đã chỉ đạo có một dự án để điều tra, đánh giá toàn bộ trữ lượng và các thành phần các loại đất hiếm; phải đáp ứng được công nghệ để tuyển chọn được trên 99%. Đặc biệt, quan điểm của Chính phủ là nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô.

Việt Nam có gần khoảng 30 triệu tấn đất hiếm

Trong phiên chất vấn về lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT) diễn ra ngày 4/6 trong chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho biết, một trong những giải pháp khắc phục được Bộ TN&MT đề ra trong thời gian tới, đó là duy trì hoạt động hiệu quả các dự án khai thác, chế biến boxit, alumin, nhôm, đất hiếm. Nhất là đất hiếm hiện nay đang được các nước hết sức quan tâm, trong điều kiện nước ta có trữ lượng lớn về đất hiếm, là tiềm năng trong bối cảnh các nước trên thế giới và nước ta đang tập trung đầu tư các ngành công nghệ cao rất cần đến loại khoáng sản này và có thể nói đây là một lợi thế.

"Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn về công tác khai khoáng cũng như sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua", đại biểu Minh đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chúng ta nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô, đó là quan điểm của Chính phủ hiện nay đang làm như vậy.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chúng ta nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô, đó là quan điểm của Chính phủ hiện nay đang làm như vậy.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quang Minh, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản về chiến lược quan trọng và có trữ lượng cũng tương đối lớn, ví dụ bô xít khoảng 5,8 tỷ tấn, Titan khoảng hơn 600 triệu tấn và đất hiếm. "Về đất hiếm, Bộ TN&MT đã đánh giá trữ lượng được 2,7 triệu tấn, trong đó đánh giá tài nguyên đất hiếm của chúng ta khoảng 18 triệu nữa, tức khoảng hơn 20,7 triệu", ông Khánh thông tin.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng cho biết, hiện nay, Thủ tướng đang giao cho Bộ TN&MT 1 đề án điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng tổng thể. Theo số liệu của Bộ TN&MT, Việt Nam có gần khoảng 30 triệu tấn đất hiếm.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ phải có xong đề án báo cáo Thủ tướng và việc khai thác, chế biến các loại khoáng sản quan trọng, thiết yếu; đặc biệt là đất hiếm phải tính đến chế biến sâu, chế biến tinh tại Việt Nam và phục vụ cho các công nghiệp của Việt Nam.

"Ví dụ, chúng ta đang thu hút việc công nghiệp chip và bán giới, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo. Nếu chúng ta chế biến sâu được đất hiếm sẽ phục vụ ngay cho chúng ta, ngoài ra còn nghiên cứu để xuất khẩu. Thực trạng của chúng ta trước đây đất hiếm của chúng ta chưa thực sự được nghiên cứu một cách tổng thể, cho nên việc này chúng ta chưa có chế biến sâu", ông Đặng Quốc Khánh nêu.

 Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Tiếp đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cần thu hút đầu tư hoặc liên doanh hoặc chuyển giao được công nghệ chế biến sâu. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, thứ nhất là đánh giá trữ lượng một cách chính xác về đất hiếm để báo cáo. Thứ hai là trong quá trình thực hiện gắn với những tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và gắn với công nghiệp của Việt Nam; bởi vậy yêu cầu phải chuyển giao công nghệ, cố gắng để chế biến sâu và phục vụ cho đất nước.

"Trong quá trình này Bộ TN&MT, các bộ, ngành và các địa phương, nhất là các địa phương có tiềm năng đất hiếm như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai thì phải tăng cường công tác quản lý về đất hiếm.

Đất hiếm có những thân mỏ ở sâu, nhưng có những mỏ phân tán nhỏ lẻ, có những vùng phân tán ở trên bề mặt, cho nên đề nghị phải quản lý, tránh việc khai thác trái phép, tránh việc buôn bán trái phép đất hiếm này", ông Khánh đề nghị.

 Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Thị trường đất hiếm chủ yếu do các nước lớn đang điều hành

Cuối phiên chất vấn, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm trong đó có vấn đề về đất hiếm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, theo đánh giá của Cục Địa chất Mỹ thì Việt Nam có tổng lượng đất hiếm chiếm 18% trên thế giới. Đất hiếm Việt Nam có 2 loại, gồm đất hiếm nặng và đất hiếm nhẹ hay nói cách khác, phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ để có thể tuyển lựa các nguyên tố, khi đó mới có giá trị.

Theo Phó Thủ tướng, thực tế thị trường đất hiếm hiện nay tăng khoảng 4%/năm, kể từ 2014 đến nay đã tăng trung bình hằng năm do nhu cầu hiện nay sử dụng trong các lĩnh vực về pin, nam châm, các lĩnh vực xe điện,... các lĩnh vực về ứng dụng trong vũ trụ.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, thị trường đất hiếm hiện nay hết sức phức tạp, chủ yếu do các nước lớn đang điều hành thị trường này, đặc biệt các nước như Trung Quốc đang chiếm giữ trên 90%. Bởi vậy, việc khai thác đất hiếm Chính phủ đã chỉ đạo có một dự án để điều tra, đánh giá toàn bộ trữ lượng và các thành phần các loại đất hiếm.

Thứ hai là xác định nguyên tắc phải dựa vào thị trường cung, cầu để khai thác.

Thứ ba là phải đáp ứng được công nghệ để tuyển chọn được trên 99%. "Chúng ta nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô, đó là quan điểm của Chính phủ hiện nay đang làm như vậy", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, điều này là một hướng cần phải thu hút các lĩnh vực công nghiệp liên quan đến nhu cầu sử dụng đối với các nguyên tố đất hiếm sẽ đáp ứng cho cung, cầu đảm bảo bền vững hơn, đặc biệt đây là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-viet-nam-nhat-quyet-khong-xuat-khau-dat-hiem-tho-post298049.html