PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN LÀM VIỆC VỚI THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG DÂN TỘC

Chiều 23/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng Dân tộc trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tham dự cuộc làm việc có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Cao Thị Xuân, Trần Thị Hoa Ry, Quàng Văn Hương, Đinh Thị Phương Lan; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản; các đồng chí là Trợ lý, Thư ký Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và các thành viên trong Thường trực Hội đồng Dân tộc.

Triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, năm 2021 là năm giao thời giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và Quốc hội khóa XV, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, tập thể Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tập trung triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, bảo đảm tiến độ và nâng cao hiệu quả chất lượng công tác, nhiệm vụ được giao; đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra.

Về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện chính sách dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, Hội đồng Dân tộc tổ chức các hoạt động nghiên cứu làm cơ sở nhằm xây dựng dự án Luật điều chỉnh về dân tộc; Xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013”; Nghiên cứu, phối hợp xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam.

Trong đó, việc tiếp tục nghiên cứu làm cơ sở xây dựng dự án Luật Dân tộc trong giai đoạn hiện nay là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, khẳng định vị thế chính trị của nhà nước ta đối với vấn đề dân tộc trong quá trình hội nhập với quốc tế khi mà nhiều quốc gia có luật riêng về liên quan đến dân tộc, vùng dân tộc.

Định hướng nghiên cứu xây dựng dự thảo luật lần này tập trung vào những vấn đề có tính nguyên tắc thể hiện cả vấn đề trong quan hệ dân tộc, vấn đề phát triển trên các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường để bảo đảm tính toàn diện, cụ thể hóa nguyên tắc bao trùm cao nhất theo Điều 5 Hiến pháp 2013 và các định hướng lớn trong các Nghị quyết của Đảng, nhất là văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo việc thực hiện một số nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo việc thực hiện một số nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc

Lỳ giải về một số nội dung nghiên cứu, tham gia xây dựng Đề án tiêu chí phân định và phân định miền núi, vùng cao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, do tiêu chí phân định đơn giản (chỉ dựa trên tiêu chí độ cao tự nhiên, không phân biệt tính chất đặc thù các vùng), việc tổ chức phân định chưa thực sự khoa học (chủ yếu dựa trên đề xuất của các địa phương) nên kết quả phân định hiện nay có nhiều bất cập, không sát thực tế dẫn đến việc áp dụng pháp luật chính sách có nhiều điểm chưa hợp lý, làm giảm hiệu quả chính sách dân tộc nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung. Trước yêu cầu của thực tiễn cũng như đòi hỏi của sự phát triển cần có sự điều chỉnh phù hợp.

Về cách thức tiếp cận, cần xây dựng tiêu chí phân định miền múi phù hợp bảo đảm các yếu tố đặc thù tự nhiên và bảo đảm tính thống nhất với tiêu chí của Bộ Tài nguyên và môi trường. Việc tổ chức phân định sử dụng công cụ công nghệ GPS và kỹ thuật bản đồ để xác định, bảo đảm tính chính xác cũng như hình thành cơ sở dữ liệu về miền núi phân chia theo đơn vị hành chính (tỉnh, huyện, xã, thôn bản). Đánh giá, phân tích về đề xuất việc áp dựng pháp luật, chính sách có liên quan dựa trên kết quả phân định trên.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho biết, cùng với tiến trình đổi mới của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc khóa XIV đã từng bước xây dựng và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức thông qua Quy chế và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của Hội đồng Dân tộc còn tồn tại nhất định, cơ chế phối hợp tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chưa rõ ràng, …. Vì vậy, Đề án đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng Dân tộc, bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp 2013, so sánh đối chiếu, với các điều khoản của luật pháp, chính sách và các Đề án đổi mới của Quốc hội để làm cơ sở xây dựng Đề án. Kết quả đề án nhằm đề ra các giải pháp nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được phân công nhịp nhàng, thông suốt, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Thường trực Hội đồng Dân tộc, khó khăn trong hoạt động của Vụ chuyên môn tham mưu giúp việc về biên chế, cơ sở vật chất;…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại cuộc làm việc

Cho ý kiến tại cuộc làm việc, các thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tập trung phân tích, làm rõ một số nội dung trọng tâm liên quan đến 4 nhiệm vụ Đảng đoàn Quốc hội giao Hội đồng Dân tộc thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trong đó, các ý kiến đều nhấn mạnh về sự cần thiết xây dựng Luật Dân tộc, nghiên cứu đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013; cũng như sự cần thiết phải xây dựng tiêu chí phân định miền núi, vùng cao;… Một số ý kiến nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung tiêu chí và thực hiện phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất, đồng bộ để thực hiện chính sách, pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.

Từ việc phân tích những khó khăn trong thực tiễn hoạt động, nhiều ý kiến trong Thường trực Hội đồng Dân tộc kiến nghị Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội quan tâm chỉ đạo và sớm tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc hiện nay trong triển khai nhiệm vụ như: chưa có quy định cụ thể về sự phối hợp (thường xuyên, có tính bắt buộc) giữa Hội đồng Dân tộc với các địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ….

Chuẩn bị từ sớm, từ xa các nội dung hoạt động

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý thức với công việc của Thường trực Hội đồng Dân tộc. Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực và kết quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc trong năm 2021 vừa qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, dịch COVID-19 đã gây hậu quả nặng nề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Quốc hội đã chủ động, tích cực vào cuộc, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để cùng hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc cũng đã bám sát tình hình thực tiễn, có nhiều ý kiến sát đáng liên quan đến chính sách dân tộc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo

Đối với những nội dung kiến nghị tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, về chính sách dân tộc, thành phần tên gọi các dân tộc Việt Nam, việc phân định miền núi, vùng cao là những vấn đề rất khó, phức tạp. Do đó, Thường trực Hội đồng Dân tộc cần tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, tổ chức xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, già làng, Trưởng bản, các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương. Đồng thời, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định hiện hành, đặc biệt là nắm bắt thực chất tình hình, tâm tư của đồng bào các dân tộc để triển khai thực hiện. Với các nội dung Chính phủ đã giao cho Ủy ban Dân tộc thì theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc để phối hợp, triển khai thực hiện; …

Về kinh phí, tại phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc sửa đổi Nghị quyết chi tiêu nội bộ; Về biên chế, cơ sở vât chất, phòng làm việc, Thường trực Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội để thực hiện.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm khác, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Hội đồng Dân tộc tiếp tục nắm bắt, tổng hợp, đánh giá những tác động của dịch COVID-19 tới đồng bào, trên cơ sở đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 để vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tiếp tục phối hợp, theo dõi, giám sát chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Kịp thời phát hiện, chỉ ra những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật… để đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp.

Về hoạt động giám sát năm 2022 cũng Chương trình hoạt động giám sát toàn khóa, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc cần tập trung vào: Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Nông thôn mới triển khai, thực hiện trên địa bàn vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng các thành viên Hội đồng Dân tộc tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, dân chủ, chân thành, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chuẩn bị từ sớm, từ xa các nội dung hoạt động trong Kế hoạch của Đảng đoàn và Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội khóa XV./.

Lê Anh - Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/pho-chu-tich/pages/pct-tran-thanh-man.aspx?itemid=61433