Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Tiếp tục làm rõ 12 nhóm chính sách để vận hành Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Chiều 17/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp tục làm rõ 12 nhóm chính sách để vận hành Trung tâm tài chính quốc tế; làm rõ các chính sách đột phá, vượt trội, riêng có của Việt Nam.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Tiếp tục làm rõ 12 nhóm chính sách để vận hành Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Trước khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ thời gian qua đã quyết tâm xây dựng thể chế, pháp luật hình thành, phát triển Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam; đánh giá cao Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng xây dựng báo cáo thẩm tra toàn diện, sâu sắc, thuyết phục. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc hình thành TTTCQT tại Việt Nam; tán thành trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 9 tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, do đây là nội dung phức tạp, khó, mới, vì vậy để tăng tính thuyết phục khi trình Quốc hội tại Kỳ họp tới, cơ quan soạn thảo phối hợp cơ quan liên quan tiếp tục làm rõ 12 nhóm chính sách, cụ thể: Đủ tiền đề, cơ sở pháp lý để vận hành TTTCQT chưa; các quy định đã đủ tính cạnh tranh chưa; làm rõ các chính sách đột phá, vượt trội, riêng có của Việt Nam kết nối liên thông toàn cầu; bổ sung thông tin về thực trạng thị trường vốn hiện nay; bổ sung thông tin về các nhà đầu tư chiến lược…

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát dự thảo Nghị quyết đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; phù hợp với quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các chính sách đề xuất trong dự thảo cần đột phá, không dập khuôn, có chọn lọc, tận dụng, vận dụng tốt kinh nghiệm quốc tế, khắc phục hạn chế, tạo được sức cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, đánh giá tác động tích cực và tiêu cực; có cơ chế quản lý, cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính, ổn định chính trị, an toàn trật tự xã hội, quốc phòng an ninh và hoạt động đối ngoại.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và các đại biểu tham gia Phiên họp

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và các đại biểu tham gia Phiên họp

Về nguyên tắc xây dựng và áp dụng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, nghị quyết này chỉ nên quy định những vấn đề khung, nguyên tắc chung và những nội dung đã rõ và giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời. Đồng thời, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cho 2 thành phố các nội dung thuộc thẩm quyền, quyền hạn của 2 địa phương theo đúng quy định của pháp luật.

Về thẩm quyền ban hành nghị định xử lý các vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị; trường hợp cơ quan có thẩm quyền cho phép, đề nghị Thường vụ Quốc hội cho giữ lại như dự thảo nghị định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị quy định rõ hơn thẩm quyền thành lập TTTCQT, Quốc hội chỉ quyết định về chủ trương, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định thành lập TTTCQT tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.

Đại biểu tham gia Phiên họp

Đại biểu tham gia Phiên họp

Về việc thành lập TTTCQT đặt tại 2 nơi, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ mô hình, mối quan hệ, tính độc lập giữa cơ quan quản lý nhà nước đối với 2 cơ sở này. Làm rõ mối quan hệ của TTTCQT với cơ quan giám sát của Trung ương, với các cơ quan có chức năng giám sát khác, để đảm bảo an toàn tài chính, an toàn hệ thống ngân hàng, tránh lợi dụng pháp luật để thực hiện các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận tài chính trong các chính sách về ngoại hối, về ngân hàng, về tài chính, phát triển thị trường vốn.

Đối với chính sách thuế, cần có ưu đãi vượt trội để hấp dẫn, thu hút đầu tư, bảo đảm tính cạnh tranh; mặt khác cũng cần phải bảo đảm các chính sách thuế khả thi, có cơ chế kiểm soát, tránh lợi dụng gây thất thoát ngân sách, không vi phạm các cam kết quốc tế.

Về việc thực hiện chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị tuân thủ Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương để bảo đảm ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo; đánh giá cụ thể tác động của chính sách này tới nguồn thu ngân sách Trung ương trong thời gian tới.

Đối với chính sách khung thử nghiệm Fintech và đổi mới sáng tạo, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý nghiên cứu các tiêu chí, điều kiện lựa chọn và trình tự thủ tục đăng ký, thẩm định cấp phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát; quy định gia hạn thời gian và miễn trừ trách nhiệm; có hướng dẫn kiểm soát trong quá trình thử nghiệm…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu về những vấn đề đại biểu nêu

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu về những vấn đề đại biểu nêu

Đánh giá kỹ tác động của từng chính sách, nhất là vấn đề đảm bảo an ninh tài chính quốc gia

Trước đó, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết; việc áp dụng pháp luật đối với trung tâm tài chính quốc tế; các chính sách ngoại hối, tín dụng, thuế, tài chính, phát triển thị trường vốn; chính sách về tiền lương, thu nhập và lao động việc làm; chính sách về đất đai, trong đó có việc thế chấp; vấn đề thu hồi đất; chính sách khung thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ tài chính Fintech và đổi mới sáng tạo; việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Nghị quyết nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo đột phá trong phát triển thị trường tài chính, thu hút vốn đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, đây là nghị quyết có nội dung rất phức tạp và cũng chưa có tiền lệ nên cần đánh giá kỹ tác động đến kinh tế, an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội; đánh giá cả mặt tích cực và những mặt rủi ro của từng chính sách, nhất là vấn đề đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Bổ sung thêm kinh nghiệm quốc tế ở những nước thành công và cả những nước không thành công khi thành lập TTTCQT, từ đó rút kinh nghiệm cho Việt Nam.

Tán thành ưu đãi về thuế nhằm thu hút các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động của TTTCQT, có ý kiến cho rằng, các chính sách ưu đãi thuế khá cao. Nếu không kèm theo những điều kiện ràng buộc cụ thể, có thể tạo ra nguy cơ bất bình đẳng giữa các nhóm doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát thận trọng, bảo đảm nguyên tắc áp dụng luật, tránh trùng lắp, tuân thủ các điều ước quốc tế và tránh xung đột pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Về cơ quan giám sát Trung tâm tài chính quốc tế, đại biểu đề nghị quy định rõ địa vị pháp lý, mối quan hệ giữa cơ quan giám sát này với các cơ quan có chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra của Nhà nước hiện hành.

Cho ý kiến về chính sách công nghệ môi trường đối với dự án đầu tư tại TTTCQT, một số đại biểu cơ bản nhất trí với quy định tại khoản 1 Điều 24 của dự thảo nghị quyết là dự án đầu tư tại TTTCQT không phải thực hiện thủ tục thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án tại các trung tâm. Tuy nhiên, cần quy định tăng cường công tác hậu kiểm đối với các dự án này nhằm loại bỏ các công nghệ lạc hậu, công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

 Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận

Lan Anh - Lan Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=93580