Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Quy định rõ trách nhiệm giữa thanh tra với kiểm toán
Phát biểu tại Phiên thảo luận ở Tổ 9 về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng cần phải quy định rõ ràng hơn nữa trách nhiệm giữa thanh tra với kiểm toán để tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa hoạt động của hai đơn vị này.

Toàn cảnh Phiên thảo luận ở Tổ 9
Chiều 8/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh dự Phiên thảo luận tại Tổ 9.
Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 9. Đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại tổ 9 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, Tây Ninh, Bến Tre và Hòa Bình.
Xem xét quy định về kết luận thanh tra
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 64 điều, giảm 54 điều (tương đương 45,76%) so với Luật hiện hành, theo đúng tinh thần xây dựng luật khung, trình theo thủ tục rút gọn.
Thảo luận tại Tổ 9 về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đa số ý kiến nhất trí với việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Các đại biểu cho rằng, nội dung dự thảo Luật bảo đảm tính hợp hiến và cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị tiếp tục theo sát, rà soát với nội dung sửa đổi Hiến pháp và các luật khác cùng được Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới tại Kỳ họp thứ 9 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Nhấn mạnh việc sửa đổi dự án Luật lần này cơ bản đã bám sát chủ trương của Đảng, đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị xem xét quy định về kết luận thanh tra từ Luật hiện hành cho đến Luật này. Đại biểu cho rằng, cần có cơ chế về kiến nghị, đối tượng thanh tra được khiếu nại, kiến nghị nội dung trong kết luận thanh tra vì hiện nay vẫn còn khoảng trống pháp luật về nội dung này.
“Vậy phải có một cơ chế kiến nghị như thế nào? Chẳng hạn cần phải có một cơ chế để cho những đối tượng thanh tra sẽ kiến nghị và cơ chế xử lý kiến nghị này như thế nào cũng cần phải đặt ra. Tôi cho rằng, nếu như không quy định ở trong Luật thì phải có những nguyên tắc để sau đó giao các cơ quan quy định chi tiết hơn trong các văn bản dưới Luật”, đại biểu phân tích.
Nhận thấy dự thảo Luật chưa thống nhất quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra và thanh tra viên tại các Điều 38, 39, 40, đại biểu cho rằng, các Điều này vẫn còn quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trong khi đó, Chánh Thanh tra không có quyền xử phạt vi phạm hành chính. Do chưa có sự thống nhất, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị cần phải làm rõ hơn nội dung này và vấn đề đặt ra là có thực hiện nhiệm vụ thanh tra hay không. Đồng thời cần lý giải rõ về việc bỏ hết các thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hay chỉ bỏ một phần.
Góp ý về thời hạn thanh tra quy định tại Điều 20 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị cân nhắc không thay đổi đơn vị tính “ngày” thành “ngày làm việc” như đề xuất trong dự thảo Luật. Cùng với đó, cần rà soát kỹ các quy trình, thủ tục, các khâu trong công tác thanh tra để đáp ứng yêu cầu của chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay, cần cải cách các thủ tục hành chính theo hướng rút gọn.
Quy định rõ ràng hơn nữa trách nhiệm giữa thanh tra với kiểm toán
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh về thời hạn thanh tra tại Điều 20 của dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, với sự thay đổi như dự thảo Luật, thời hạn tiến hành một cuộc thanh tra sẽ kéo dài hơn rất nhiều.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên thảo luận ở Tổ 9
Theo đó, thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành hiện nay là không quá 60 ngày nhưng theo dự thảo Luật thì là không quá 60 ngày “làm việc”, tương đương 84 ngày (12 tuần), tăng 40%. Nếu tính cả 2 lần gia hạn thì thời hạn tối đa của một cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành sẽ là 120 ngày “làm việc”, tương đương 24 tuần (6 tháng) là quá dài. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, chưa phù hợp với chủ trương “trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức” mà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quán triệt trong thời gian qua.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cân nhắc không thay đổi đơn vị tính “ngày” thành “ngày làm việc” như đề xuất trong dự thảo Luật mà giữ nguyên như quy định hiện hành.
Liên quan đến hoạt động thanh tra quy định tại Chương VII về phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, quy định như dự thảo Luật để xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán. Tuy nhiên, cần thiết phải quy định rõ ràng hơn nữa trách nhiệm giữa thanh tra với kiểm toán để tránh chồng chéo giữa hoạt động của hai đơn vị này. “Cái gì đã thanh tra rồi thì thôi kiểm toán, chứ nếu một nội dung vừa bị thanh tra vừa bị kiểm toán thì chắc hết thời gian để hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Băn khoăn về sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa thanh tra nhà nước với kiểm toán nhà nước, thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, để tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cần nghiên cứu quy định việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động này để tạo thuận lợi trong thực hiện, bảo đảm hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Cần có cơ chế tổ chức kế hoạch thanh tra đột xuất
Góp ý về hệ thống cơ quan thanh tra quy định tại Điều 7 của dự thảo, đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre bày tỏ băn khoăn về “các cơ quan thanh tra khác theo quy định của Chính phủ” được nêu trong Điều này, đại biểu cho rằng, không rõ việc thành lập các cơ quan thanh tra khác này được vận hành theo cơ chế nào, hoạt động ra sao theo yêu cầu của Chính phủ. Do đó, đề nghị nên thống nhất các cơ quan thanh tra để khi hoạt động sẽ tổ chức thực hiện đúng, đủ các hoạt động theo luật định.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
“Các cơ quan thanh tra khác này sẽ hoạt động ra sao về vị trí, tiêu chuẩn, phối hợp như thế nào so với các cơ quan thanh tra đã quy định trong dự án Luật. Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại việc bổ sung này theo kết luận tại Phiên họp của UBTVQH”, đại biểu kiến nghị.
Về hình thức thanh tra tại Điều 9, dự thảo Luật quy định có 2 hình thức thanh tra là hoạt động thanh tra tiến hành theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Băn khoăn về hình thức thanh tra đột xuất được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị bổ sung thêm chủ thể phát hiện dấu hiệu vi phạm để tiến hành thanh tra đột xuất; đồng thời bổ sung các tiêu chí, quy định để có cơ chế tổ chức kế hoạch thanh tra đột xuất cho phù hợp để tránh tùy nghi trong tổ chức thực hiện ở các đơn vị được thanh tra.
Cũng tại Phiên họp, các đại biểu góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều các dự án Luật này.
Một số hình tại Phiên thảo luận ở Tổ 9:

Toàn cảnh Phiên họp

Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 9

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận ở Tổ 9
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=93972