Nhờ người khác đứng tên mua đất, làm sao để đòi lại?
Vợ chồng tôi có nhờ bố mẹ vợ tôi đứng tên mua hộ một mảnh đất, giờ chỉ có bản ghi âm nhờ bố mẹ vợ mua nhà đất đứng tên hộ thì tôi có đòi được mảnh đất đó không?

Vợ chồng tôi có nhờ bố mẹ vợ tôi đứng tên mua hộ một mảnh đất. Giờ chỉ có bản ghi âm nhờ bố mẹ vợ mua nhà đất đứng tên hộ thì tôi có đòi được mảnh đất đó không? (Ảnh minh họa: AI)
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng- Trưởng VP Luật Kết Nối trả lời:
Việc nhờ người thân, bạn bè đứng tên sổ đỏ để thuận tiện trong các giao dịch thường được nhiều người lựa chọn. Khi tình cảm hai bên không có vấn đề gì, chuyện nhờ vả này cũng rất bình thường. Tuy nhiên, nhờ người khác đứng tên sổ đỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý nghiêm trọng.
Theo quy định tại khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024, thì việc đứng tên sổ đỏ là sự ghi nhận của Nhà nước về quyền của người sử dụng đất. Theo đó, người được nhờ đứng tên trên sổ đỏ được Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất và được hưởng đầy đủ các quyền lợi liên quan đến quyền sử dụng đất. Điều này đồng nghĩa với việc, mặc dù không phải là chủ sở hữu thực sự, nhưng người đứng tên hộ có thể thực hiện mọi hành vi pháp lý đối với bất động sản đó.
Như vậy, việc vợ chồng bạn nhờ bố mẹ vợ bạn đứng tên sổ đỏ đồng nghĩa với việc trao toàn quyền liên quan đến bất động sản đó cho bố mẹ bạn. Về mặt pháp lý, bố mẹ vợ bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận được Nhà nước thừa nhận quyền sử dụng đất trong khi thực tế họ không phải là chủ của đất.
Khi có tranh chấp đất đai xảy ra, các bên bắt buộc phải hòa giải. Căn cứ khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, khi xảy ra tranh chấp đất đai (tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất) mà các bên không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất để hòa giải. Vì vậy, đối với trường hợp của bạn, cần phải thực hiện thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã trước. Nếu hòa giải không thành, bạn sẽ gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân nơi có bất động sản để được giải quyết.
Trước tiên, bạn cần tiến hành thỏa thuận với bố mẹ vợ bạn về việc chuyển quyền sử dụng đất (sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) sang tên vợ chồng bạn. Nếu bố mẹ vợ bạn đồng ý, hai bên có thể chuyển quyền sử dụng đất thông qua hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng tặng cho có công chứng, chứng thực và thực hiện sang tên tại Phòng tài nguyên môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất.
Trong trường hợp không thể thỏa thuận việc chuyển quyền sử dụng đất, bạn có thể khởi kiện lên tòa án để được giải quyết. Khi đó, bạn cần phải chứng minh được mình là chủ sở hữu nhà đất thật sự. Bạn cần cung cấp các giấy tờ, giao dịch chứng minh về thỏa thuận nhờ người đứng tên sổ đỏ và phải có người làm chứng. Nếu hai bên không có thỏa thuận bằng văn bản thì phải có các chứng cứ khác để chứng minh. Tòa sẽ căn cứ vào kết quả xác minh nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất, chứng cứ, tài liệu các bên đưa ra để quyết định ai là chủ nhân thực sự của bất động sản.
Nếu chỉ với chứng cứ chỉ là bản ghi âm, lịch sử giao dịch chuyển tiền về mặt pháp luật cũng chỉ chứng minh thực tế bạn có chuyển tiền nhờ bố mẹ vợ đứng tên hộ. Đây không phải là giao dịch trực tiếp mua bán giữa bạn và bố mẹ vợ, và cũng không có bất kì hợp đồng mua bán công chứng hợp pháp theo quy định pháp luật. Nếu bạn đi theo hướng kiện đòi đất, thì rất bất lợi cho bạn. Bạn có thể kiện đòi lại tiền đã chuyển, với chứng cứ bạn có hoàn toàn đủ khả năng thuyết phục Tòa án. Thông thường, việc khởi kiện đòi lại nhà đất nhờ người khác đứng tên hộ sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Không ít trường hợp người nhờ người khác đứng tên bị mất trắng tài sản của mình.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nho-nguoi-khac-dung-ten-mua-dat-lam-sao-de-doi-lai-ar942901.html