Phó Chủ tịch IFAD: Trao quyền cho nông dân là chìa khóa khai mở nông nghiệp bền vững

Phó Chủ tịch Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) Donal Brown trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư diễn ra từ ngày 14-17/4 tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) Donal Brown chia sẻ, trọng tâm của tổ chức luôn là trao quyền cho các cộng đồng nông thôn, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: Thành Long)

Phó Chủ tịch Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) Donal Brown chia sẻ, trọng tâm của tổ chức luôn là trao quyền cho các cộng đồng nông thôn, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: Thành Long)

Trong bối cảnh toàn cầu đang thúc đẩy chuyển đổi xanh và xây dựng hệ thống lương thực bền vững, ông đánh giá thế nào về vai trò và ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 đối với IFAD, cũng như kỳ vọng của tổ chức khi tham dự hội nghị quan trọng này?

Việc tham gia Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 ngày hôm nay thể hiện cam kết toàn cầu của IFAD đối với quá trình xây dựng hệ thống lương thực bền vững và bao trùm. Việt Nam, với vai trò là quốc gia đi đầu trong chuyển đổi nông thôn và đổi mới nông nghiệp ở khu vực, là một hình mẫu thành công đáng học hỏi.

Hội nghị là diễn đàn quan trọng để tôn vinh những thành tựu của Việt Nam trong chuyển đổi xanh, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các chính phủ, đối tác khu vực tư nhân và xã hội dân sự nhằm cùng nhau tạo ra các giải pháp bền vững.

Đây cũng là cơ hội để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến nhu cầu và tiềm năng to lớn của các cộng đồng nông thôn, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia đang phát triển trên toàn cầu.

Về IFAD, một trong những sáng kiến trọng điểm của chúng tôi tại đất nước hình chữ S xinh đẹp là Dự án hỗ trợ phát triển kinh tế hộ nhỏ (Commercial Smallholder Support Project - CSSP) tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam.

Dự án này trao quyền cho các hợp tác xã địa phương trong việc áp dụng những phương pháp canh tác đổi mới, không chỉ giúp người nông dân nâng cao năng suất mà còn xây dựng kết nối chặt chẽ hơn với người mua, từ đó tăng thu nhập và khả năng chống chịu trước biến động.

Một sáng kiến quan trọng khác là Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long, với mô hình tiên phong tích hợp nuôi trồng thủy sản với canh tác lúa.

Tôi cho rằng cách tiếp cận hiện đại này đã giúp tăng sản lượng lương thực và nâng thu nhập hộ gia đình lên đến 30%, góp phần nâng cao an ninh lương thực tại một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Chúng tôi cũng đang phát triển nhiều sáng kiến mới tại khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, tập trung vào việc củng cố chuỗi giá trị và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng đang đối mặt với rủi ro môi trường ngày càng tăng.

Đặc biệt, chúng tôi sắp triển khai Dự án giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu chương trình hành động quốc gia (RECAF). Đây là một Dự án mang tính chuyển đổi, được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 100.000 hộ nông dân nhỏ, trao quyền cho các nhóm dân tộc thiểu số, phụ nữ và thanh niên.

RECAF sẽ đồng thời giải quyết các thách thức khí hậu cấp bách cũng như mở ra cơ hội kinh tế cho các nhóm dễ bị tổn thương, qua đó góp phần tăng năng suất nông nghiệp, cải thiện an ninh lương thực, nâng cao sinh kế nông thôn và bảo tồn rừng.

Dự kiến ra mắt chính thức vào tháng 6/2025, RECAF đánh dấu một bước tiến quan trọng trong phát triển nông thôn bền vững. Có thể nói, dự án này hoàn toàn phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, cụ thể:

Mục tiêu 1: (Xóa nghèo) thông qua việc nâng cao thu nhập hộ gia đình;

Mục tiêu 2: (Không còn nạn đói) nhờ áp dụng các phương pháp canh tác bền vững;

Mục tiêu 13: (Hành động vì khí hậu) bằng cách thúc đẩy nông nghiệp thân thiện với môi trường và thích ứng khí hậu.

 Chiều 16/4, tại Hà Nội, Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” đã chính thức khai mạc. (Ảnh: Quang Hòa)

Chiều 16/4, tại Hà Nội, Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” đã chính thức khai mạc. (Ảnh: Quang Hòa)

IFAD nhìn nhận như thế nào về vai trò của quan hệ đối tác công - tư (PPP) trong quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực, đặc biệt là tại các nước đang phát triển như Việt Nam? Bên cạnh đó, tổ chức đã hỗ trợ cộng đồng nông thôn tại Việt Nam như thế nào để đảm bảo người nông dân có thể vững vàng bước vào tương lai với công nghệ, khả năng tiếp cận thị trường và sức chống chịu cao hơn, thưa ông?

Đối với tôi, quan hệ đối tác công - tư đóng vai trò then chốt trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực. Trong khi khu vực công cung cấp nền tảng chính sách và thể chế, khu vực tư nhân mang đến đổi mới, đầu tư và khả năng mở rộng.

Tại Việt Nam, chúng tôi đã và đang chứng kiến nhiều mô hình hợp tác đầy hứa hẹn, nơi các đối tác công - tư hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ tiếp cận tài chính, áp dụng công nghệ mới và tham gia vào chuỗi giá trị. Những mô hình này đang góp phần xây dựng hệ thống lương thực toàn diện, hiệu quả và bền vững - từ nông trại đến bàn ăn - đồng thời giải quyết những vấn đề then chốt như khả năng chống chịu khí hậu, năng suất và tiếp cận thị trường.

Bên cạnh đó, IFAD có mối quan hệ hợp tác lâu dài với Việt Nam và trọng tâm của chúng tôi luôn là trao quyền cho các cộng đồng nông thôn, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, chúng tôi đã hỗ trợ các hợp tác xã để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thị trường, thúc đẩy tài chính toàn diện và giới thiệu nhiều công cụ kỹ thuật số giúp nông dân tiếp cận dữ liệu thời tiết theo thời gian thực, thông tin giá cả và tư vấn canh tác. Tôi tin rằng những công cụ này giúp họ đưa ra quyết định chính xác hơn, giảm rủi ro và tăng lợi nhuận.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo của chúng tôi, thường tổ chức ở cấp tỉnh và địa phương, được thiết kế nhằm thúc đẩy cả kỹ thuật nông nghiệp hiện đại lẫn thực hành môi trường bền vững. Bằng cách trang bị cho người nông dân công cụ, kiến thức và công nghệ phù hợp, chúng tôi đang giúp cộng đồng này nâng cao khả năng chống chịu trước biến động khí hậu, tiếp cận thị trường cũng như tự tin hơn trong việc xây dựng tương lai.

Ông nhìn nhận như thế nào về khái niệm "đổi mới" trong nông nghiệp hiện đại - điều gì khiến một sáng kiến có thể thực sự tạo ra khác biệt bền vững cho người nông dân? Đồng thời, từ kinh nghiệm thực tế, ông có thể chia sẻ một câu chuyện cụ thể nhằm truyền cảm hứng cho nông dân Việt Nam mạnh dạn ứng dụng đổi mới vào sản xuất?

Có thể nói, đổi mới trong nông nghiệp là quá trình đưa các ý tưởng, công cụ hoặc phương pháp mới "bước vào" lĩnh vực này, qua đó hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, bền vững hơn và có lợi nhuận cao hơn. Quá trình này có thể kể đến các giải pháp kỹ thuật số, giống cây trồng chống chịu khí hậu, hệ thống tưới tiêu cải tiến và quy trình chế biến sau thu hoạch.

Ví dụ, nông nghiệp chính xác - dùng dữ liệu vệ tinh hoặc ứng dụng di động để hướng dẫn tưới tiêu và sử dụng phân bón - giúp nông dân tăng năng suất đồng thời tiết kiệm tài nguyên. Hay các nền tảng di động cũng đang giúp người hộ nông dân nhỏ lẻ tiếp cận trực tiếp thị trường và bán sản phẩm với giá tốt hơn.

Trước đó, ngày 15/4, tôi đã đến thăm bà con nông dân ở tỉnh Bắc Kạn trong khuôn khổ CSSP. Tại đây, tôi tận mắt chứng kiến cách người dân đón nhận đổi mới. Với sự hỗ trợ của IFAD, họ đang áp dụng nhiều sáng kiến thực tiễn và tiết kiệm chi phí, giúp nâng cao năng suất, tăng cường kết nối thị trường và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Tôi cho rằng đây là những ví dụ sống động về cách đổi mới đang thực sự thay đổi cuộc sống ở nông thôn Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025, diễn ra từ ngày 14-17/4.

Đây là cơ chế hợp tác đa phương do Đan Mạch khởi xướng từ năm 2017 và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).

P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm nay được xem là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá du lịch xanh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của đất nước.

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/pho-chu-tich-ifad-trao-quyen-cho-nong-dan-la-chia-khoa-khai-mo-nong-nghiep-ben-vung-311381.html