Phát triển kinh tế từ mô hình ươm cây giống
Đến thăm mô hình ươm và bán cây giống của chị Nông Thị Mỹ Liên ở tổ dân phố Giả Dìa, thị trấn Yến Lạc (Na Rì, Bắc Kạn), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước quy mô diện tích vườn hơn 4.000m2 với đủ loại cây giống.
Vườn ươm cây lâm nghiệp của chị Liên được đầu tư hệ thống vòi phun nước tưới tự động, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng cây giống bảo đảm, là địa chỉ tin cậy cung cấp cây giống trồng rừng, cây ăn quả.
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với cây giống, chị Liên cho biết: Năm 2017, chị vừa nhập cây lâm nghiệp về bán tại nhà vừa học hỏi kỹ thuật làm vườn ươm. Từ quy mô nhỏ, chị vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay, mỗi năm chị xuất bán khoảng 30 vạn cây giống lâm nghiệp, chủ yếu các loại như keo, mỡ, quế. Với hơn 10 năm gắn bó với cây giống, chị Liên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cây giống. Theo chị, mỗi loại cây đòi hỏi một kỹ thuật ươm và chế độ chăm sóc khác nhau. Vì vậy, ngay từ khi xây dựng vườn ươm, chị Liên đã đầu tư hệ thống tưới phun tự động, giàn che nắng để phục vụ việc giâm hom.
Từ kinh nghiệm tích lũy được, chị còn tư vấn, hướng dẫn người mua cách trồng và chăm sóc đối với từng loại cây, phù hợp với từng loại đất, sử dụng các loại phân bón, thuốc phòng và trị bệnh theo mùa; đồng thời hỗ trợ vận chuyển cây giống đến tận nơi. Chị còn duy trì nhập bán các loại giống cây ăn quả, hoa, cây cảnh theo mùa. Nhờ phát triển từ mô hình cây giống, gia đình chị Liên có tổng thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập 200.000 đồng/người/ngày.
Anh Chu Văn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Yến Lạc đánh giá: “Không chỉ hăng hái tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, chị Liên còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, canh tác cây trồng cho người dân. Mô hình ươm, kinh doanh sản xuất các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp của chị Nông Thị Mỹ Liên là gương sáng trong việc nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xứng đáng để nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tham khảo, học tập”.