Phát triển kinh tế biển từ những quyết sách mạnh mẽ
Thanh Hóa đang từng bước tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong khai thác thủy hải sản để phát triển kinh tế biển, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân.
Thanh Hóa khai thác thủy sản theo hướng bền vững, trong đó mở rộng các diện tích nuôi trồng thủy hải sản, hình thành những khu bảo tồn về thiên nhiên, để vừa phục vụ quốc phòng - an ninh vừa phát triển kinh tế biển.
Đây là một trong những khâu đột phá của ngành thủy sản mà ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa (ảnh), khẳng định sẽ góp phần đưa tỉnh trở thành cực tăng trưởng mới trong khu vực cùng với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng vào năm 2030.
Kiên quyết xử lý tàu cá vi phạm
. Phóng viên: Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả gì về việc gỡ thẻ vàng IUU, thưa ông?
+ Ông Cao Văn Cường: Trong sáu năm qua, được sự lãnh đạo của Thường trực Ban Bí thư, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của Bộ NN&PTNT, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt những giải pháp cấp bách để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Cụ thể, Tỉnh ủy Thanh Hóa có Công văn 1649-CV/TU ngày 13-4-2020 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU; triển khai đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.
Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo IUU cấp tỉnh và sáu huyện, thị xã, TP ven biển, thành lập Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại ba cảng cá chỉ định cho tàu 15 m cập cảng.
Chúng tôi kiên quyết không cho các tàu cá đi biển khi không đảm bảo trang thiết bị, thủ tục, giấy tờ theo quy định. Trong bốn tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra 108 tàu cá, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 38 trường hợp với tổng số tiền 513 triệu đồng.
Tuân thủ IUU
. Việc quản lý các tàu cá “ba không” được tỉnh thực hiện ra sao, thưa ông?
+ Hiện UBND tỉnh đã giao cho chính quyền địa phương ven biển có tàu cá “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản) phối hợp với các lực lượng biên phòng, ban quản lý cảng cá rà soát, xác định vị trí neo đậu của các tàu cá “ba không”; đồng thời yêu cầu các chủ tàu cá ký cam kết không đưa tàu đi đánh bắt khi chưa đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định. Hiện tỉnh vẫn còn 70 tàu cá “ba không”.
Đối với các tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 10 ngày và trên sáu tháng, lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương làm việc, lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ tàu cá này.
Trong các lần kiểm tra ở các địa phương, khi tiếp xúc với những ngư dân, chủ phương tiện, tôi đã nhấn mạnh lợi ích của việc tuân thủ các quy định về đánh bắt thủy hải sản trên biển. Nhiều ngư dân chia sẻ đều tuân thủ IUU để Việt Nam (VN) sớm được Ủy ban châu Âu (EC) gỡ thẻ vàng.
Tái cơ cấu để phát triển bền vững
. Những quyết sách của tỉnh Thanh Hóa về phát triển kinh tế biển của tỉnh đang quan tâm hiện nay là gì, thưa ông?
+ Tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển nuôi cá lồng; Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, chủ tàu cá bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Trong tương lai, để phát triển kinh tế biển, tỉnh tiếp tục củng cố và mở rộng tổ chức sản xuất trên biển gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tỉnh khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản vào sản xuất; đầu tư nâng cấp các cảng cá, gồm cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn), cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn), cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), những luồng lạch ra vào cảng và khu neo đậu tránh trú bão; nâng cấp các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền để đáp ứng xu thế phát triển tàu cá vùng khơi.
Để phát triển kinh tế biển, khai thác thủy hải sản bền vững, lâu dài, tỉnh đang triển khai định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng.
Ngoài ra, để góp phần phát triển kinh tế biển bền vững, tỉnh đang từng bước hình thành các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
. Xin cảm ơn ông.
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với chống khai thác IUU
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chống khai thác IUU, nhất là ở các xã, phường ven biển; kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao về chống khai thác IUU…
ĐẶNG TRUNG thực hiện
Nguồn PLO: https://plo.vn/phat-trien-kinh-te-bien-tu-nhung-quyet-sach-manh-me-post787513.html