Phát triển du lịch: Đừng bỏ quên văn hóa dân tộc thiểu số

Sự đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc từ lâu đã được coi là 'mỏ vàng' cho phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Nhưng việc đưa di sản đó vào du lịch còn là một hành trình dài.

Lãng phí di sản

Lạc Sơn được coi là huyện vùng lõi của người Mường và văn hóa Mường tỉnh Hòa Bình. Dân ca Mường với 3 điệu hát: hát thường rang, bộ mẹng, hát đúm giao duyên có lịch sử hàng trăm năm với những câu chuyện sử thi đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Nhưng những làn điệu này lại chỉ được thể hiện trong sinh hoạt cộng đồng người Mường nói riêng, những người quan tâm đến văn hóa Mường nói chung mà vắng bóng hẳn trong hoạt động du lịch địa phương.

Ông Bùi Văn Nỏm, nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn, Hòa Bình cho biết, hiện nay du lịch ở vùng chưa phát triển nên rất khó đưa dân ca Mường vào. Dân ca, dân vũ cổ cũng chỉ đơn giản được lưu truyền trong cộng đồng người Mường, dù đây vốn là một di sản đã được công nhận. Điều này dân đến sự lãng phí di sản văn hóa vốn đa màu trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS).

Không chỉ văn hóa dân ca Mường, hiện nay rất nhiều DTTS khác có bản sắc văn hóa khá độc đáo và thú vị, song du lịch lại chưa thể khai thác hết tiềm năng. Ngoài những điệu khèn của người Mông, múa xòe của người Thái, văn hóa cồng chiêng của người Ê-Đê… những nghệ thuật khác như lễ Pang A của dân tộc La Ha hay hát dân ca Mường đang ít được cộng đồng du lịch ít biết đến.

Một trong những lý do khiến di sản văn hóa của nhiều dân tộc chưa thể đưa vào du lịch là quá trình vận động phát triển du lịch không dễ dàng, nhất là thu hút vốn đầu tư vào vùng địa lý không thuận lợi, sự phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế.

Ngoài ra, trở ngại nữa cho phát triển các vùng văn hóa du lịch dân tộc là nhận thức về du lịch của người dân còn hạn chế; sự vào cuộc của chính quyền cơ sở chưa quyết liệt; tính kết nối tour tuyến du lịch còn nhiều bất cập...

Các làng văn hóa được coi là mô hình du lịch thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của các đồng bào thiểu số, nhưng cũng còn nhiều bất cập. Đa số các làng văn hóa du lịch đều được hình thành trên cơ sở có một dân tộc đặc trưng lưu giữ được truyền thống văn hóa, có sẵn một lễ hội văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, hiện các làng văn hóa du lịch vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.

Làng văn hóa du lịch An Thịnh, xã Tân An, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, một trong những làng văn hóa có đề án xây dựng “Làng văn hóa du lịch gắn với bảo tồn các làn điệu then, cọi của dân tộc Tày” khá sớm, từ năm 2012. Tại đây mới chỉ dừng lại ở 1 loại hình tín ngưỡng là then, còn lại các loại hình du lịch trải nghiệm vẫn chưa nổi bật. Văn hóa dân tộc vì thế cũng chưa đậm đà trong hoạt động quảng bá du lịch.

Để văn hóa dân tộc lan tỏa trong du lịch

Theo một kết quả nghiên cứu của ngành du lịch, có tới 90% du khách quốc tế thích nghe hướng dẫn viên du lịch là người DTTS; 71% du khách muốn được ăn và ngủ ngay tại cộng đồng các làng người DTTS (đặc biệt là ở các điểm du lịch xa trung tâm huyện lị từ 10-20km thì du khách càng có nhu cầu nghỉ tại cộng đồng thôn bản); 81% du khách muốn được tham gia vào các hoạt động của người dân như dệt vải, làm ẩm thực, chế biến thuốc tắm...; 83% du khách muốn mua sản phẩm đồ lưu niệm ngay tại nơi sản xuất của người dân ở các hộ gia đình.

Từ đó có thể nói, văn hóa DTTS là tài nguyên rất quý giá cho việc phát triển du lịch. Tại nhiều địa phương đã phát triển thành công mô hình du lịch cộng đồng đậm đà bản sắc dân tộc, người dân và địa phương được hưởng lợi, doanh nghiệp thu cũng thu được lợi nhuận và văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn. Một số điểm du lịch thành công vùng đồng bào DTTS như ở bản Lác (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); ở bản Dền (xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai); bản Áng (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); bản Mển, Phiêng Lơi (tỉnh Điện Biên)...

Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương chú trọng phát triển du lịch gắn với khai thác những văn hóa bản sắc DTTS. Điển hình là phong trào đá bóng của phụ nữ Sán Chỉ tại huyện Bình Liêu chính thức được đưa vào các lễ hội, các chương trình tuần văn hóa – thể thao. Chị em dân tộc Sán Chỉ mỗi khi ra sân bóng thi đấu lại mặc váy, chân đeo tất, đầu quấn khăn mấn truyền thống như một cách thể hiện niềm tự hào về bản sắc dân tộc mình và tạo ấn tượng, thu hút du khách bằng chính sự mộc mạc, gần gũi ấy.

Phát triển du lịch đậm đà bản sắc và khai thác hết tiềm năng trong hệ thống di sản dân tộc cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và thu hút thêm nguồn lực đầu tư về các vùng này.

Hà Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/phat-trien-du-lich-dung-bo-quen-van-hoa-dan-toc-thieu-so-587958.html