Phát triển du lịch cộng đồng trên nền tảng giá trị văn hóa truyền thống
Việc phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam không chỉ giúp tạo sinh kế, cải thiện thu nhập cho bà con bản địa ngoài công việc chính từ sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Một trong những địa phương triển khai phát triển DLCĐ rất tốt ở Quảng Nam là huyện miền núi Đông Giang.
Tại huyện Đông Giang, nơi có khoảng 85% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào Cơ Tu hiện có 2 làng DLCĐ nổi tiếng, là địa chỉ quen thuộc của du khách mỗi khi đến với huyện miền núi này. Đó là làng DLCĐ thôn Đhrôồng, xã Tà Lu và làng DLCĐ thôn Bhơhôồng, xã Sông Kôn. 2 làng DLCĐ này chính thức khai trương hoạt động du lịch từ năm 2013. Các hoạt động của Làng DLCĐ do Ban quản lý Làng DLCĐ từng địa phương trực tiếp quản lý, điều hành các tổ, nhóm dịch vụ.
Khi chúng tôi đến làng DLCĐ thôn Đhrôồng, xã Tà Lu, trong những căn nhà cấp bốn khá khang trang, nhiều người phụ nữ Cơ Tu đang mải miết với việc dệt thổ cẩm để làm sản phẩm bán cho du khách. Bà Pơ Loong Thị Mai (trú thôn Đhrôồng, xã Tà Lu) chia sẻ, bà tham gia làm DLCĐ được vài năm nay. “Việc tham gia làm du lịch không chỉ giúp gia đình tôi có thêm thu nhập mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu như dệt thổ cẩm, nấu các món ăn truyền thống… Đến nay, trong làng có 36 hộ đã tham gia làm du lịch”, bà Mai bộc bạch và cho biết thêm, du khách đến với Đhrôồng không chỉ cảm nhận được nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu như chế biến được món ăn, nước uống truyền thống mà còn được xem trình diễn múa tân tung da dá, dệt thổ cẩm, đan lát, trải nghiệm câu cá, tham gia làm ruộng với người dân trong thôn…
Cách thôn Đhrôồng, xã Tà Lu chừng vài cây số là làng DLCĐ thôn Bhơhôồng, xã Sông Kôn. Làng DLCĐ Bhơhôồng hiện có 2 cơ sở lưu trú gồm 4 moong (nhà truyền thống của đồng bào Cơ Tu, được lợp bằng lá) và 2 homestay (lưu trú tại nhà dân) với 10 phòng. DLCĐ Bhơhôồng gồm các nhóm dịch vụ chính như ẩm thực truyền thống; múa tân tung da dá; biểu diễn nhạc cụ - hát giao duyên; hướng dẫn tham quan, biểu diễn và dạy bắn nỏ; trình diễn nghề đan lát; lưu trú homestay. Ngoài các dịch vụ trên, làng còn có các nhóm tổ dịch vụ khác: tổ dệt thổ cẩm, nấu rượu truyền thống... Theo lãnh đạo UBND huyện Đông Giang, những năm qua, làng DLCĐ Bhơhôồng được UBND các cấp, Sở, ngành của tỉnh Quảng Nam, huyện quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.
Thông qua dự án của các tổ chức quốc tế, cộng đồng làng Bhơhôồng được trang bị kiến thức chung về làm du lịch, nghiệp vụ đón tiếp khách, nghiệp vụ buồng phòng, thành lập và vận hành Tổ hợp tác du lịch, Ban quản lý làng DLCĐ. Về lực lượng lao động, đặc biệt trong những năm gần đây, huyện Đông Giang đã tập trung đào tạo nhiều lớp nghề cho người dân lao động các làng nghề. Trong đó có nhiều lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động thôn Bhơhôồng ở sản phẩm nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát,…
Bên cạnh đó, công tác quảng bá hình ảnh con người, văn hóa truyền thống Cơ Tu và các sản vật nông thổ sản đặc trưng của địa phương tiếp tục được đẩy mạnh qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội,… Huyện Đông Giang thường xuyên phát động, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai vận động nhân dân hưởng ứng giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp gắn với bảo vệ môi trường du lịch lồng ghép với các hoạt động của phong trào xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa ở cơ sở. Nhờ đó, làng DLCĐ Bhơhôồng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Trung bình mỗi năm làng DLCĐ Bhơhôồng đón hơn 1.000 lượt khách, doanh thu từ 300-400 triệu đồng.
Lãnh đạo UBND huyện Đông Giang cho biết, trong thời gian tới, sẽ nghiên cứu các hoạt động phát triển DLCĐ của làng DLCĐ Bhơhôồng kết hợp điểm du lịch suối khoáng nóng A Păng; rà soát, triển khai áp dụng các tiêu chí du lịch xanh, định hướng phát triển làng DLCĐ Bhơhôồng, Đhrôồng theo hướng du lịch xanh, bền vững. Đông Giang cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá hình ảnh và con người Đông Giang nói chung và các làng DLCĐ nói riêng; đổi mới các loại hình, sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch, trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP. Phát triển du lịch đồng thời với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Cơ Tu theo hướng du lịch xanh và bền vững. Gắn phát triển DLCĐ với phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn, sản phẩm OCOP, gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông - lâm nghiệp của địa phương.