Tập kết ra Bắc-Tình sâu nghĩa nặng, 70 năm khắc ghi
Tối 16/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình Cầu truyền hình 'Tập kết ra Bắc-Tình sâu nghĩa nặng' tại 3 điểm cầu: Cà Mau, Hải Phòng và Thanh Hóa. Đây là chương trình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc, một cuộc dịch chuyển lực lượng lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi dấu giai đoạn quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã tới dự tại điểm chính Cầu truyền hình ở khu vực Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc, Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Cùng dự tại điểm cầu Cà Mau có các đồng chí: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, dự tại điểm cầu Hải Phòng (địa điểm Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng). Đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, dự tại điểm cầu Thanh Hóa (địa điểm Tượng đài "Con tàu Tập kết ra Bắc", cảng Lạch Hới, thành phố Sầm Sơn).
Cùng dự tại các điểm cầu, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các nhân chứng lịch sử, nghệ sĩ, diễn viên và đông đảo nhân dân các tỉnh, thành phố tại các điểm cầu.
Cách đây 70 năm, theo Quy định của Hiệp định Geneve năm 1954, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam đã tập kết ra Bắc, mang theo bao khắc khoải nhớ nhung về quê nhà và niềm khát khao cháy bỏng về một ngày thống nhất, đoàn tụ. Quyết định đưa cán bộ, chiến sĩ, con em đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc tạo nền tảng cho công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, củng cố lực lượng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Sự kiện tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm, thống nhất đất nước của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng cao cả. Những giá trị thiêng liêng của sự kiện ấy vẫn còn hiện hữu trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước ngày hôm nay.
Cầu truyền hình “Tập kết ra Bắc-Tình sâu nghĩa nặng” là chương trình nghệ thuật chính luận đặc sắc được dàn dựng công phu, tái hiện rất xúc động cuộc dịch chuyển lực lượng lịch sử với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước, để có được nền hòa bình, độc lập. Với kết cấu 3 chương, ứng dụng công nghệ tiên tiến, âm thanh, ánh sáng hiện đại, tái hiện các hoạt cảnh sinh động, kết hợp trình chiếu phóng sự, phim tư liệu, chương trình đã đưa người xem ngược thời gian, tự hào ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc.
Đặc biệt, chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đã khai thác nguồn thi ca, âm nhạc do các học sinh miền Nam sáng tác trong thực tiễn cuộc sống, học tập, công tác, chiến đấu, những tác phẩm mãi trường tồn theo năm tháng, thời gian; cùng với đó là kết nối tư liệu, câu chuyện của các nhân vật lịch sử với thế hệ đương đại, khơi dậy lòng tự hào, nhân lên truyền thống yêu nước, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chương 1 là “Khát vọng thống nhất”, thể hiện bối cảnh lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc, những quyết sách đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc chuyển quân. Theo Hiệp định Geneve, lực lượng 2 bên lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời và tập kết về 2 miền nam bắc. Hàng vạn cán bộ chiến sĩ, đồng bào miền Nam đã tình nguyện lên những chuyến tàu để ra Bắc. Lòng yêu nước, tinh thần tự nguyện, hiến dâng "khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau'' ngập tràn trong trái tim mỗi người. Họ sẵn sàng rời xa gia đình, quê hương, gác lại nỗi nhớ nhà để lên đường với khát vọng về ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Chương 2 là “Một dải sắt son”, thể hiện tình đoàn kết, cùng chung một tấm lòng son sắt, quyết tâm thực hiện bằng cả trái tim, nhiệt huyết của lực lượng quân và dân cả nước trước quyết định tập kết ra Bắc, để chuẩn bị lực lượng cách mạng cho đấu tranh giải phóng dân tộc và tầm nhìn xa trong việc phát triển và đào tạo cán bộ khi đất nước hoàn toàn thống nhất.
Chương 3 với tên gọi “Rạng danh Việt Nam”, nêu bật ý nghĩa của sự kiện Tập kết ra Bắc và bài học lịch sử cho việc xây dựng một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Với ký ức không bao giờ phai nhạt, các nhân chứng lịch sử đã kể những câu chuyện xúc động về đồng bào miền Bắc dù còn khó khăn, thiếu thốn nhưng luôn dành những gì tốt nhất cho những người con miền Nam với phương châm "Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt". Những cán bộ, chiến sĩ, học sinh tập kết đã coi đất Bắc là nhà, là quê hương, hăng hái xung phong đến các nông trường để xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội. Những nông lâm trường Lam Sơn, Thống Nhất, Sông Âm ghi đậm những dấu chân và bàn tay của những người con miền Nam ra tập kết.
Các nhân chứng chia sẻ hồi ức sâu đậm của những đứa trẻ miền Nam trên đất Bắc, nhớ nhà da diết mà không thể trở về quê hương vì đất nước chưa thống nhất. Từ năm 1954-1975, có hơn 32.000 học sinh đã học tập trong hệ thống hàng chục trường miền Nam nội trú trên nhiều tỉnh, thành phố của miền Bắc. Những mái trường đã trở thành mái nhà của học sinh miền Nam, nơi những người thầy vừa là bạn, vừa là cha, là mẹ.
Đó là còn là kỷ niệm của người thầy kể về những học trò nén lại nỗi nhớ quê hương, vượt qua những khó khăn của cảnh sống xa nhà, nỗ lực học tập, rèn luyện, nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng, nung nấu ý nguyện trở lại quê hương chiến đấu, thống nhất non sông, xây dựng quê hương, đất nước. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, thầy giáo Lê Ngọc Lập được lựa chọn trở thành giáo viên của các trường học sinh miền Nam. Thầy được phân công về Hà Đông, sau đó được phân công về trường học sinh miền Nam số 20 ở Hải Phòng. Thầy gắn bó với các em học sinh suốt từ năm 1956 đến năm 1976. 20 năm gắn bó, với học sinh miền Nam, đến tận bây giờ, thầy vẫn giữ nguyên từng kỷ vật về những năm tháng tập kết: cuốn sổ ghi đầu bài đầy đủ tên học sinh, những bài kiểm tra, những lá thư tay của các em học sinh...
21 năm sau sự kiện tập kết ra Bắc, đất nước hoàn toàn thống nhất, mỗi người con miền Nam đã trở về theo những cách khác nhau. Có người xung phong đi B trở về miền Nam để chiến đấu cho Tổ quốc; có người theo đoàn tàu 0 số tiếp tục chi viện cho miền Nam; có những người trở về trên những chuyến tàu đoàn tụ, dùng tri thức trong những năm tháng được học tập ở miền Bắc để kiến thiết đất nước, "xây dựng lại đất nước ta, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Tất cả cùng đồng lòng, đoàn kết tạo nên sức mạnh làm nên cơ đồ, tiềm lực và vị thế Việt Nam.
Cuộc tập kết đã tạo ra một sức mạnh đoàn kết vượt thế kỷ - là cầu nối của nhiều thế hệ để chung sức, chung lòng xây dựng cơ đồ Việt Nam. Thực tiễn đã cho thấy, trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, đoàn kết luôn là nền tảng bền vững tạo nên sức mạnh to lớn để giành được những thắng lợi vẻ vang. Càng trong khó khăn, gian khổ, sức mạnh đoàn kết càng phát huy giá trị. Những thời điểm khó khăn của đất nước như dịch bệnh, bão lũ, thiên tai, tinh thần đoàn kết càng hiển hiện rõ rệt.
Trong phóng sự tổng hợp phát tại Cầu truyền hình “Đoàn kết- Sức mạnh xây dựng một Việt Nam vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là kỷ nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện thành công mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết và ưu tiên hàng đầu là củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một trong những giải pháp then chốt, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Thực tiễn lịch sử cho thấy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nên sức mạnh to lớn và là cội nguồn mọi thành công của cách mạng Việt Nam. Chỉ có đại đoàn kết mới có thắng lợi.
Chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc khắc họa đậm nét tinh thần đoàn kết của nhân dân ta thời kỳ đấu tranh cách mạng đã khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào dân tộc, đồng thời giáo dục sâu sắc lời Bác Hồ đã căn dặn: Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta.
* Trước khi tới tham dự cầu truyền hình, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã đến thăm Di tích lịch sử quốc gia - Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954, đầu năm 1955, tại bờ nam sông Đốc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.