Phát triển công nghiệp xanh, bền vững hướng đến mục tiêu Net Zero

Phát triển công nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam. Các cụm công nghiệp đang đẩy mạnh mô hình phát triển hực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển tuần hoàn.

Xu thế Net Zero trong lĩnh vực công nghiệp

Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 (2021), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Tại COP28 (2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã một lần nữa cam kết với toàn thế giới: Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2016 khoảng 317 triệu tấn CO2 tương đương, ước tính 513 triệu tấn vào năm 2020. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã đề ra lộ trình đạt Net Zero, theo đó sẽ đạt phát thải đỉnh với khoảng 539 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2035; sau đó sẽ tiếp tục giảm, đến năm 2050 tổng lượng phát thải khí nhà kính ước đạt 185 triệu tấn CO2 tương đương và sẽ được hấp thụ hoàn toàn bởi các hệ sinh thái tự nhiên.

Công nghiệp là ngành có lượng phát thải khí nhà kính (GHG) cao thứ hai ở Việt Nam và trên thế giới. Theo Bộ Công Thương, năm 2019, ngành công nghiệp chiếm 33,3% tổng lượng phát thải GHG của Việt Nam, trong đó phần lớn đến từ các ngành sản xuất thép, xi măng, hóa chất, giấy…. Trên thế giới, ngành công nghiệp chiếm khoảng 24% tổng lượng phát thải GHG, trong đó 40% đến từ các ngành sản xuất thép, xi măng, hóa chất, nhôm… Nguyên nhân chính là sự sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch làm nhiên liệu và nguyên liệu, cũng như các quá trình sản xuất có tác động lớn đến môi trường.

 Công nghiệp là ngành có lượng phát thải khí nhà kính cao thứ hai ở Việt Nam. (Nguồn: Internet).

Công nghiệp là ngành có lượng phát thải khí nhà kính cao thứ hai ở Việt Nam. (Nguồn: Internet).

Một báo cáo tại Hội thảo Chuyển đổi xanh ngành Công nghieệp năm 2023 cho thấy, ngành sản xuất công nghiệp phải chịu trách nhiệm một phần lớn lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và đang chịu áp lực nặng nề trong việc giảm tác động tiêu cực đến môi trường: thải ra 6,3 tỷ tấn CO2, chiếm 12,7% lượng khí thải toàn cầu.

Đối với quá trình công nghiệp, các loại hình sản xuất chính sinh ra khí nhà kính là: sản xuất xi măng, sản xuất vôi, sản xuất amoni và sản xuất sắt thép. Tổng lượng KNK phát thải trong sản xuất công nghiệp năm 2013 là 31,8 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, ngành sản xuất xi măng có lượng phát thải nhiều nhất, chiếm khoảng 88,8% tổng phát thải của sản xuất công nghiệp. Đây là ngành sử dụng rất nhiều năng lượng và tạo ra nhiều khí thải do đòi hỏi nhiệt độ cực cao.

TS.Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng Ban biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, đến năm 2030, mục tiêu tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia sẽ giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Trong đó, các quá trình công nghiệp sẽ giảm 38,3% lượng phát thải, các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hàng năm từ 2.000 tấn CO2 trở lên phải thực hiện giảm phát thải. Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh.

Trước đó, tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2024, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho hay, tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt 16,5%. Tín dụng xanh tăng trưởng 20%/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Cam kết Net Zero cũng là chìa khóa để các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững, đây cũng là tiền đề để mỗi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

 Cam kết Net Zero cũng là chìa khóa để các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững. (Nguồn: Internet).

Cam kết Net Zero cũng là chìa khóa để các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững. (Nguồn: Internet).

Phát triển công nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero

Trước đó, Việt Nam đã đề ra mục tiêu hướng tới Net Zero phân bổ theo các ngành, lĩnh vực và định hướng chính sách phát triển.

Trong lĩnh vực các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp, cần cải tiến, phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển và sử dụng các loại vật liệu xanh; ứng công nghệ mới để giảm phát thải N2O trong công nghiệp hóa chất. Từng bước ứng dụng công nghệ thu giữ carbon; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để thúc đẩy phát triển tòa nhà xanh, khu đô thị xanh; giảm dần sử dụng các môi chất lạnh trong các hệ thống làm mát; thu hồi, tái sử dụng, tiêu hủy, tái chế môi chất lạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có các nghị quyết, chủ trương chung về phát triển nhanh, bền vững, về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021- 2030 thông qua tại Đại hội XIII cũng như đề cập rất rõ trong các nghị quyết của Đảng. Chính phủ cũng ban hành các chiến lược như Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược Biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; triển khai hàng loạt các kế hoạch, đặc biệt trong đó là Quy hoạch điện VIII về năng lượng.

Theo Bộ Công Thương, quý I/2024 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 6,2 tỷ USD, tăng hơn 13%. Trong đó, các dự án đầu tư theo tiêu chí xanh như dùng năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ máy móc đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Hiện nay, các nhà đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình phát triển, thu hút đầu tư theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050 vừa là tham vọng nhưng cũng là một thách thức đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Do đó, việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái, chuỗi sản xuất tuần hoàn khép kín được coi là giải pháp giúp hiện thực hóa mục tiêu này dù đây không phải điều dễ dàng.

Khu công nghiệp sinh thái được hiểu là cộng đồng các doanh nghiệp cùng sản xuất, dịch vụ hướng đến mục tiêu vừa phát triển vừa bảo vệ môi trường. Tiêu chuẩn của một khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi sự đầu tư lớn mới có thể đáp ứng quy định về kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, lao động và dịch vụ cơ bản. Trong khu công nghiệp sinh thái có ít nhất 1 liên kết cộng sinh công nghiệp với ít nhất 10% tổng số doanh nghiệp thành viên tham gia. Ngoài ra, khu công nghiệp sinh thái phải có cơ chế giám sát, quản lý đầu vào, đầu ra, hoạt động hiệu quả tài nguyên, phát thải.

 Việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái là một trong những mục tiêu hướng tới Net Zero của lĩnh vực này. (Nguồn: Internet).

Việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái là một trong những mục tiêu hướng tới Net Zero của lĩnh vực này. (Nguồn: Internet).

Để thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái, tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở tiền đề, tạo động lực để mô hình khu công nghiệp sinh thái thực sự phát huy được vai trò tích cực trong tăng trưởng xanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Chia sẻ tại Hội nghị "Kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp Tam Lập", ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho rằng, trong nỗ lực từng bước giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, hướng tới môi trường xanh, sạch, tuần hoàn và chống biến đổi khí hậu trên thế giới, sự phát triển của cụm công nghiệp trung hòa carbon không chỉ giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu mà còn mở ra cơ hội hợp tác kinh tế với tất cả các nhà đầu tư, chính phủ Việt Nam.

Trong chiến lược phát triển công nghiệp bền vững, hướng đến mục tiêu Net Zero, Omdia và Schneider Electric đã đưa ra 5 khuyến nghị cho ngành công nghiệp nhằm thúc đẩy bước tiến đột phá trong bền vững trong đó có cam kết phát triển bền vững của các doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số, đẩy nhanh phát triển bền vững là hai tiền đề quan trọng nhất.

Ngày 5/6/2024 tới đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Kinh môi trường phối hợp cùng Tạp chí Việt – Đức; Công ty cổ phần Nature World; Công ty CP Công nghệ và truyền thông Push Media; Công ty CP Life Media Global sẽ tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế xanh và bền vững - Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero" tại Khách sạn JM Marriot (số 8 Đỗ Đức Dục, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Hội thảo sẽ có sự góp mặt của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; Đại diện các tổ chức quốc tế; Đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước (Hiệp hội BĐS, Hiệp hội Công Nghiệp và các Hội ngành nghề liên quan, Ban quản lý các KCN, Các doanh nghiệp sản xuất Công nghiệp, Doanh nghiệp công nghiệp FDI, các Công ty Năng lượng)...

Hà My

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/phat-trien-cong-nghiep-xanh-ben-vung-huong-den-muc-tieu-net-zero-88038.html