Phát triển cây dược liệu ở Sìn Hồ
Tận dụng lợi thế khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp, những năm qua, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã tập trung phát triển cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Huyện Sìn Hồ nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ quanh năm, rất thuận lợi để phát triển vùng dược liệu. Thông qua những chính sách hỗ trợ nguồn vốn, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, diện tích trồng dược liệu ở các xã vùng cao trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Một số giống cây dược liệu đang được huyện Sìn Hồ chú trọng phát triển như: Sâm đương quy, sâm Lai Châu, atisô... Nhờ thu nhập từ dược liệu, nhiều hộ dân ở các xã vùng cao đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Đinh Danh Phương ở bản Mao Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn có hơn 2ha đất sản xuất, ông đã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây kém hiệu quả sang các loại cây dược liệu cho kinh tế cao. Ông còn nghiên cứu ươm, gieo thành công cây giống sâm đương quy để cung cấp cho người dân trong vùng. Hằng năm, gia đình ông Phương thu lãi hàng trăm triệu đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho 3-4 người, thời vụ cao điểm lên đến 25-30 người, với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. “Tôi là một trong những người đầu tiên trồng dược liệu trong xã, các sản phẩm dược liệu này đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô hay các cây hoa màu khác và được tiêu thụ nhiều trên thị trường trong, ngoài tỉnh, giúp người dân có thu nhập ổn định. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây dược liệu đem lại, nhiều người dân trong xã mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn”, ông Đinh Danh Phương cho biết.
Theo đồng chí Giàng A Tùng, Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn, ngoài việc khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng dược liệu, xã Sà Dề Phìn còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp trồng, kinh doanh cây dược liệu quy mô lớn. Thông qua các hợp tác xã, đồng bào người dân tộc thiểu số đã nắm bắt được kỹ thuật cải tạo đất, nhân giống, chăm sóc dược liệu, những kiến thức, kinh nghiệm về liên kết sản xuất, dược liệu hữu cơ, sản phẩm đặc sản...
Hiện huyện Sìn Hồ có hơn 600ha trồng cây dược liệu các loại. Loại cây này đang thực sự mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Sìn Hồ xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản của địa phương. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Tuấn, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Sìn Hồ cho biết: “Để phát triển cây dược liệu, thời gian qua, huyện Sìn Hồ đã có những cơ chế, chính sách phù hợp về đất đai, nguồn vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ, giúp đỡ các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư triển khai những chương trình, dự án trên địa bàn. Mục tiêu của huyện Sìn Hồ thời gian tới là tiếp tục phát triển diện tích các loại cây dược liệu hiện có; trồng cải tạo, bổ sung, thay thế diện tích cây dược liệu đã khai thác; tích cực thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân để bảo tồn, phát triển một số loại dược liệu quý". Cũng theo đồng chí Bùi Văn Tuấn, giống sâm Lai Châu được đánh giá là có giá trị vượt trội so với nhiều loại sâm khác, tuy nhiên, giống sâm đặc biệt này đòi hỏi các điều kiện phức tạp nên chưa thể nhân rộng cho người dân địa phương. Hiện nay, huyện đang tiếp tục phối hợp với các công ty trên địa bàn để nghiên cứu và phát triển giống cây này nhằm sớm mở rộng diện tích trồng, tạo nguồn thu nhập, phát triển kinh tế cho người dân địa phương.
Cây dược liệu đang từng bước phát huy hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Sìn Hồ. Nhằm xây dựng huyện Sìn Hồ trở thành vùng dược liệu lớn của tỉnh Lai Châu, chính quyền địa phương đã tăng cường liên kết chuỗi phát triển, bao tiêu sản phẩm, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế dược liệu tại xã Sà Dề Phìn. Huyện phấn đấu đến năm 2030 có hơn 700ha trồng các loại cây dược liệu.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/phat-trien-cay-duoc-lieu-o-sin-ho-791843