Phát huy vai trò dòng họ trong bảo tồn văn hóa

Cư trú tại các bản làng vùng cao, miền núi, điều kiện đi lại, học hành, phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhiều dòng họ người dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã có ý thức đoàn kết cộng đồng, tương hỗ lẫn nhau, cùng vươn lên phát triển, giữ gìn văn hóa truyền thống, trở thành những mô hình dòng họ điển hình để các dòng họ khác học tập, noi theo.

Ông Giàng Văn Minh tuyên truyền cho con cháu trong dòng họ về việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Trung Hậu

Ông Giàng Văn Minh tuyên truyền cho con cháu trong dòng họ về việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Trung Hậu

Dòng họ Giàng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa

Thôn Khuổi Cuốm, xã Yên Hà, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang là nơi cư trú của dòng họ Giàng, một cộng đồng người Nùng với 16 hộ gia đình và 81 nhân khẩu. Trong nhiều năm qua, dòng họ Giàng đã phát huy tốt vai trò dòng họ trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng. Những làn điệu hát giao duyên, các điệu múa dệt vải, múa nón, múa quạt và múa ngựa giấy của người Nùng được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những hoạt động này không chỉ mang tính giải trí, mà còn thể hiện tâm hồn và bản sắc dân tộc, gắn kết cộng đồng qua các thế hệ.

Ông Giàng Văn Minh, Trưởng dòng họ Giàng cho biết, người Nùng ở huyện Quang Bình có điệu múa dệt vải rất đặc sắc. Điệu múa này tái hiện quá trình dệt vải truyền thống, một nghề thủ công quan trọng của người Nùng. Ngoài ra, người Nùng còn có điệu múa ngựa giấy với những bước nhảy dứt khoát, trang phục rực rỡ mang ý nghĩa tâm linh, gắn liền với các lễ hội truyền thống của dân tộc. Điệu múa nón, múa quạt với những động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển. Những điệu múa này vẫn được bà con trong dòng họ người Nùng gìn giữ và truyền dạy lại cho con cháu. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dòng họ Giàng còn chú trọng bảo tồn các phong tục, tập quán, nghi lễ truyền thống trong đời sống hàng ngày. Các nghi lễ cúng tổ tiên và phong tục cưới hỏi đều được thực hiện trang trọng, đúng với truyền thống xưa, giúp cộng đồng cùng nhau tụ họp, thắt chặt tình cảm gia đình, dòng họ.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Quang Bình đã thành lập Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Nùng tại thôn Khuổi Cuốm. Các buổi sinh hoạt định kỳ, truyền dạy và biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống được câu lạc bộ tổ chức thường xuyên, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng hơn di sản văn hóa của dân tộc mình. “Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng, dòng họ chúng tôi còn đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 27 của Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Đến nay, các hủ tục trong đám cưới, đám tang được xóa bỏ, từ đó tiết kiệm kinh phí cho các hộ gia đình” - ông Giàng Văn Minh thông tin.

Dòng họ Mùa - phát huy truyền thống dòng họ qua lễ Dù su

Tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, dòng họ Mùa luôn tự hào về truyền thống hiếu học, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa và tinh thần đoàn kết phát triển của hơn 200 hộ gia đình và trên 900 nhân khẩu dân tộc Mông trong dòng họ. Hiện nay, con cháu trong dòng họ Mùa sinh sống và làm việc ở nhiều địa bàn khác nhau, tập trung chủ yếu tại Tuần Giáo, thành phố Điện Biên Phủ và một nhóm đi xây dựng kinh tế tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Trong dòng họ có hơn 40 con cháu đang công tác ở nhiều địa phương khác nhau. Nhiều người giữ vị trí lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị Nhà nước các cấp.

Tiết mục múa dệt vải, nhuộm chàm của dân tộc Nùng. Ảnh: Trung Hậu

Tiết mục múa dệt vải, nhuộm chàm của dân tộc Nùng. Ảnh: Trung Hậu

Ông Mùa A Dình, Trưởng dòng họ Mùa chia sẻ: "Mặc dù con cháu trong họ đi làm ăn, sinh sống ở nhiều nơi, có người đảm nhiệm chức vụ cao nhưng vẫn không quên nguồn cội, gốc gác từ mảnh đất Tỏa Tình. Anh em họ Mùa vẫn luôn yêu thương, giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau để gìn giữ văn hóa tốt đẹp và vươn lên trong cuộc sống, xây dựng quê hương".

Hằng năm, vào ngày 27/7 âm lịch, dòng họ Mùa lại tổ chức lễ Dù su (lễ cúng dòng họ). Dịp này, anh em họ Mùa từ khắp mọi nơi lại trở về quê hương Tỏa Tình để tổ chức lễ Dù su nhằm cầu mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với cả dòng họ. Ông Mùa A Dình cho biết: “Lễ Dù su được dòng họ Mùa tổ chức từ năm 1950 và duy trì cho đến nay. Các nghi thức của lễ cúng dòng họ diễn ra tại một gia đình, trước kia thì theo thứ bậc, cha, chú rồi mới đến con cháu được tổ chức, nay thì gia đình nào trong họ có điều kiện đứng ra đăng cai tổ chức. Các hộ còn lại trong họ sẽ đóng góp thêm tiền bạc, công sức cùng giúp gia chủ thực hiện”.

Trước khi bữa cơm thân tình bắt đầu, trưởng dòng họ và gia chủ tổ chức lễ Dù su cùng trao lại mũ, dao của thầy cúng (tượng trưng xua đuổi những điều không hay) và phông tổ chức lễ Dù su cho gia đình đăng ký tổ chức cúng dòng họ năm tới. Sau đó, trưởng dòng họ thông tin tình hình phát triển của dòng họ, căn dặn mọi người chịu khó làm ăn, nuôi dạy con cháu biết giữ gìn truyền thống văn hóa của cha ông. Đồng thời, biểu dương các gia đình tiêu biểu, làm ăn giỏi, có nhiều con cháu học hành cao, đỗ đạt, có tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống... Cứ như vậy, từ năm này qua năm khác, lễ cúng dòng họ Mùa ở Tỏa Tình cũng như văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông nơi đây được truyền nối, gìn giữ và duy trì.

Trên đây chỉ là 2 trong hàng trăm mô hình dòng họ người dân tộc thiểu số đã phát huy tốt vai trò dòng dọ trong bảo tồn, phát huy văn hóa, giúp nhau cùng vươn lên phát triển. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều mô hình dòng họ điển hình về hiếu học như dòng họ Sùng tại xã Pú Nhung, huyện Mường Giáo, tỉnh Điện Biên; dòng họ Giàng, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; dòng họ Tráng, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai... Các dòng họ điển hình trong xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự gắn với xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh như dòng họ Lầu, dòng họ Sùng, dòng họ Giàng ở huyện Mèo Vạc; dòng họ Hoàng (thôn Trung Thành), dòng họ Nguyễn Thảnh (thôn Hạ), xã Bằng Lang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.... Những dòng họ điển hình này đều nêu cao tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, tạo nên một cộng đồng vững mạnh, vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống. Đây là những mô hình cần được phát huy, lan tỏa và nhân rộng.

Ngọc Ánh - Trung Hậu

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-vai-tro-dong-ho-trong-bao-ton-van-hoa-post479629.html