Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, thống nhất xây dựng huyện Yên Thủy giàu đẹp
Hoàng Xuân Giao Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Thủy Vùng đất Yên Thủy xưa thời nhà Lê - Mạc đến đầu nhà Nguyễn thuộc Tổng Lạng Phong và Tổng An Lạc, huyện Phụng Hóa, Phủ Thiên Quan, Đạo Thanh Bình. Huyện Yên Thủy nằm ở phía Nam tỉnh Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, kinh tế - xã hội. Theo dòng chảy thời gian, các thế hệ người dân Yên Thủy đã khai phá và cải tạo đất đai, dựng lên làng xóm, tạo lập truyền thống lịch sử - văn hóa.
Hoàng Xuân Giao
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Thủy
Vùng đất Yên Thủy xưa thời nhà Lê - Mạc đến đầu nhà Nguyễn thuộc Tổng Lạng Phong và Tổng An Lạc, huyện Phụng Hóa, Phủ Thiên Quan, Đạo Thanh Bình. Huyện Yên Thủy nằm ở phía Nam tỉnh Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, kinh tế - xã hội. Theo dòng chảy thời gian, các thế hệ người dân Yên Thủy đã khai phá và cải tạo đất đai, dựng lên làng xóm, tạo lập truyền thống lịch sử - văn hóa.
Ngày 12/9/1964, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Quyết nghị số 28-QN/TU về việc thành lập Đảng bộ huyện Yên Thủy với 16 chi, đảng bộ trực thuộc (4 đảng bộ, 12 chi bộ). Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, trong một thời gian ngắn tích cực làm công tác chuẩn bị, ngày 11/11/1964, HĐND huyện Yên Thủy đã họp kỳ thứ nhất bầu các thành viên Ủy ban Hành chính. Từ đây, bộ máy chính quyền đầu tiên của huyện ra đời, đi vào hoạt động và chính thức lấy ngày 11/11 hàng năm là ngày thành lập huyện. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; tạo động lực, khí thế mới cho sự phát triển của huyện sau này.
60 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, nhân dân huyện Yên Thủy tự hào là chủ nhân của mảnh đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống cách mạng. Mảnh đất và con người nơi đây kiên cường trước những thách thức của thiên tai, anh hùng trong đấu tranh chống xâm lược, tạo nên một Yên Thủy mang đậm dấu ấn của thời đại.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cán bộ, nhân dân huyện Yên Thủy đã đoàn kết, kiên cường vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ vừa xây dựng, phát triển kinh tế, chiến đấu bảo vệ hậu phương, vừa hoàn thành chi viện ở mức cao nhất về sức người, sức của cho chiến trường. Thực hiện khẩu hiệu "Hậu phương thi đua với tiền phương”, "vững tay cày, chắc tay súng”, "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... Hàng ngàn người con Yên Thủy đã hăng hái lên đượng nhập ngũ, tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; hàng trăm người đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi xuân cho đất nước, góp sức giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào giai đoạn mới, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thủy ra sức thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày một phát triển. Từ nền kinh tế tự cấp, tự túc là chủ yếu, đến nay huyện đã phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế liên tục có bước phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất từ năm 2020 đến nay bình quân đạt 11%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực: giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ tăng nhanh, chiếm 33,1%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 38%; ngành nông, lâm nghiệp giảm dần, còn 28,9%. Thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 202,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 62 triệu đồng/người/năm.
Sản xuất nông nghiệp giữ vai trò trụ đỡ nền kinh tế. Đặc biệt, huyện đã có nhiều mô hình, cách làm mới sáng tạo, hiệu quả, có tính đột phá, từng bước theo hướng hàng hóa gắn với thị trường với nhiều sản phẩm nổi bật như: "Bưởi Yên Thủy”, "Bí xanh Yên Thủy”, "Khoai sọ Yên Thủy”, "Hành Tăm Yên Thủy”, "Lợn bản địa Lạc Sỹ”, "Cà gai leo Yên Thủy”, "Lạc Yên Thủy”… Huyện đã có sản phẩm bưởi suất khẩu sang thị trường Mỹ và EU. Toàn huyện có 9/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 32 khu dân cư kiểu mẫu, 292 vườn mẫu, phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2025.
Lĩnh vực công nghiệp phát triển tích cực, giá trị sản xuất tăng 47% so với năm 2020. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư; diện mạo đô thị, nông thôn đổi mới. Đến nay, 100% đường đến trung tâm xã, đường liên xã, liên xóm được chỉnh trang, mở rộng, thảm nhựa, cứng hóa và bê tông hóa; lưới điện phủ khắp các xã, thị trấn với chất lượng điện ngày càng được cải thiện; 11/11 xã, thị trấn có trường học cao tầng, kiên cố ở 3 cấp học; 100% hộ được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh; mạng lưới viễn thông 4G, 5G đã được phủ kín.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển mạnh, người dân được hưởng thụ thành quả của đổi mới. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nhanh qua các năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện chỉ còn 3,76%, đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên.
Lĩnh vực quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Khu vực phòng thủ huyện được xây dựng vững chắc gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.
Hệ thống chính trị không ngừng được kiện toàn, củng cố vững mạnh. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Số lượng, chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng được nâng lên (từ 700 đảng viên, 16 chi, đảng bộ khi mới thành lập huyện, đến nay có 5.665 đảng viên, 50 tổ chức cơ sở đảng); tỷ lệ đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên đạt 99,66%; 100% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ; không có tổ chức đảng yếu, kém. Huyện thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) và Kết luận Hội nghị T.Ư 4 (khóa XIII) về xây dựng, chính đốn đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Bộ máy chính quyền được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vận hành theo hướng phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Chỉ số cải cách hành chính những năm gần đây luôn duy trì ở tốp đầu của tỉnh. Vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường. Các phong trào thi đua yêu nước trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện được đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, đạt hiệu quả cao.
Với những thành tích đạt được trong 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thủy được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, huyện Yên Thủy vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, ghi nhận những thành quả, sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của nhiều thế hệ. Đó cũng là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục phấn đấu để đạt những thành tựu lớn hơn.
Kế thừa, phát huy truyền thống quê hương, với niềm tin, khát vọng phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thủy xây dựng khối đoàn kết, thống nhất; đổi mới tư duy, cách làm, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; huy động tốt các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và sâu rộng công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, xây dựng quê hương Yên Thủy ngày càng văn minh, giàu đẹp.