Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng

Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ Tổ quốc từ thành công của Cách mạng Tháng Tám đã khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên chặng đường mới.

Các tầng lớp nhân dân mít tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu

Tại lễ mừng Quốc khánh vào ngày 2/9/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”.

Lúc thời cơ đã tới khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh (ngày 15/8/1945), Đảng ta và Mặt trận Việt Minh kêu gọi toàn quốc đồng bào đoàn kết chung quanh Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa (ngày 18/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Chỉ trong 15 ngày, khối đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo nên sức mạnh to lớn để tổng khởi nghĩa trong cả nước giành thắng lợi hoàn toàn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Cách mạng Tháng Tám đã thành công một phần quan trọng là do sự “thành lập một mặt trận dân tộc phản đế rộng rãi” và là “thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân”[1]. Tổng Bí thư Trường Chinh cũng nhận định: Cách mạng Tháng Tám thắng lợi một phần là do “toàn dân đoàn kết, quần chúng nổi dậy”[2]. Ngày 25/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam mới.

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần giải quyết ngay là chống giặc đói, giặc dốt, tổ chức tổng tuyển cử, kêu gọi nhân dân thực hiện cần-kiệm-liêm-chính, bãi bỏ các thứ thuế vô nhân đạo của thực dân phong kiến, tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. Đảng cũng đã ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” (ngày 25/11/1945) để tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các lực lượng chống phá cách mạng Việt Nam ra sức tuyên truyền xuyên tạc Chính phủ ta, thực hiện âm mưu chia rẽ các dân tộc Việt Nam. Do đó, Đảng và Chính phủ đã tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam (ngày 3/12/1945). Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”. Trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (ngày 19/4/1946), Người khẳng định: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”.

Mặt trận Việt Minh đã thực hiện việc đại đoàn kết toàn dân tộc bằng cách đóng góp sức của mình để thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời vào ngày 1/1/1946, Chính phủ liên hiệp Kháng chiến vào ngày 2/3/1946, sau đó là Chính phủ liên hiệp Quốc dân vào ngày 3/11/1946. Tại Đại hội hợp nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt (1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Tiếp đó, Mặt trận Dân tộc thống nhất với nhiều tên gọi khác nhau như: Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954); cuộc kháng chiến chống chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đã chỉ rõ: “Củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên CNXH”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN... Năm 2020, Việt Nam đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2021, Việt Nam thuộc top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, GDP bình quân đầu người năm 2022 tương đương 4.110 USD.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia trên thế giới (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc) thuộc tất cả các châu lục, trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt, 17 đối tác chiến lược (4 đối tác chiến lược toàn diện, 13 đối tác toàn diện); có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đang là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong ASEAN và nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc.

Những thành tựu nói trên là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Văn Toàn

------------------------------------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr. 629.

[2] Trường Chinh: Tuyển tập (1937-1954), tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tr. 312.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-suc-manh-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-trong-xay-dung-va-bao-ve-chinh-quyen-cach-mang-post465007.html