Phát huy hiệu quả các mô hình phụ nữ tự quản ở huyện Như Xuân

Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Như Xuân đã tập trung chỉ đạo các cơ sở hội vận động cán bộ, hội viên phụ nữ phát h uy vai trò, sức sáng tạo trong xây dựng các mô hình tự quản, góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư.

Hội viên phụ nữ xã Thượng Ninh (Như Xuân) tham gia phong trào cải tạo vườn tạp, góp phần nâng cao thu nhập.

Định kỳ mỗi tuần 1 lần hoặc mỗi tháng từ 1 - 2 lần, nhiều chi hội phụ nữ tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Như Xuân lại tập trung hội viên để chăm sóc đoạn đường hoa, tổng vệ sinh, quét dọn đường làng, ngõ xóm và khơi thông cống rãnh... Những hình ảnh đẹp và quen thuộc trên những đoạn đường tự quản do chị em phụ nữ đảm nhận đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Mỗi chi hội đề ra quy định chung để giữ gìn vệ sinh môi trường, như: Thực hiện ký cam kết với các gia đình hội viên không vứt rác ra đường, không lấn chiếm lòng, lề đường, giữ cho đường thông thoáng, sạch đẹp... trong đó nhiều đoạn đường được gắn với việc trồng và chăm sóc hoa hằng ngày. Việc làm này không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn mà còn gắn kết tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt. Việc làm này đã được hầu hết hội viên phụ nữ cùng người dân tích cực hưởng ứng, tiêu biểu như các xã: Cát Vân, Yên Lễ, Bãi Trành, Xuân Quỳ, Xuân Bình, Hóa Quỳ, Tân Bình...

Còn tại chi hội phụ nữ thôn Vân Thượng, xã Cát Vân, chị em nhận thức được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có tác động rất lớn đến sức khỏe con người, nên đã xây dựng mô hình điểm “phụ nữ tự quản về VSATTP” hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, với 50 thành viên tham gia, là những người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã. Ngoài nhiệm vụ thực hiện đúng cam kết các nội dung tự quản về VSATTP trong việc sản xuất, bảo quản, chế biến thức ăn tại cơ sở, các thành viên còn là những tuyên truyền viên nòng cốt để tuyên truyền cho gia đình và cộng đồng chung tay nâng cao ý thức, trách nhiệm đảm bảo VSATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống. Thông qua mô hình này, giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ của xã Cát Vân trở thành người tiêu dùng thông thái, người sản xuất, kinh doanh có tâm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội.

Để các mô hình phụ nữ tự quản đi vào chiều sâu, hiệu quả, Hội LHPN huyện Như Xuân đã triển khai, nhân rộng đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường. Đến nay, các cơ sở hội đã cắm 63 biển đoạn đường phụ nữ tự quản; trồng 42,13km đường hoa; vận động 4.147 gia đình hội viên xây, đào hố rác... Ngoài ra, các cấp hội cũng xây dựng 16 CLB gia đình “5 không, 3 sạch”; 1 chi hội kiểu mẫu “5 không, 3 sạch”; 127 tổ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên...

Thành công từ những mô hình phụ nữ tự quản trên địa bàn huyện Như Xuân không chỉ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp mà còn góp phần xây dựng nếp sống văn minh, chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Phạm Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phat-huy-hieu-qua-cac-mo-hinh-phu-nu-tu-quan-o-huyen-nhu-xuan/103539.htm