Phát huy giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch
Phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống đang được các địa phương trong toàn tỉnh Khánh Hòa thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả nhằm giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục độc đáo. Từ đó, góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới trải nghiệm.
![Các em nhỏ chơi các trò chơi dân gian cùng nhân viên của Nha Trang Xưa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_14_435_51480109/bed1549f66d18f8fd6c0.jpg)
Các em nhỏ chơi các trò chơi dân gian cùng nhân viên của Nha Trang Xưa.
Du khách thích thú khám phá văn hóa xứ Trầm Hương
Trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, Khu du lịch Nha Trang Xưa (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) trở thành một điểm tham quan thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Không quá rộng lớn nhưng Nha Trang Xưa phần nào tái hiện được những nét đẹp văn hóa truyền thống của xứ Trầm Hương. Bước qua cổng gỗ, khách như chạm vào bức tranh quê hồn hậu với ngôi nhà cổ mái ngói thâm nâu, vườn rau được trồng lộn xộn, đúng kiểu chất phác của người dân thôn quê Việt Nam thuở xưa. Đặc biệt, ở Nha Trang Xưa có một bộ sưu tập những vật dụng quen thuộc một thời. Đó là những chiếc cối đá mòn vẹt theo thời gian, những bình gốm Lư Cấm thô ráp, bàn máy may con bướm… và cả những khuôn đúc đồng của làng nghề Phú Lộc (huyện Diên Khánh). Văn hóa truyền thống còn rất sống động với người phụ nữ chân quê bên bếp bánh xèo đỏ lửa, những người đàn ông gói bánh chưng xanh… Khách đến đây không thể cầm lòng, chỉ muốn chụp ảnh để lưu giữ những sắc màu thời gian!
![Du khách quốc tế khám phá văn hóa truyền thống Việt Nam ở Nha Trang Xưa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_14_435_51480109/97f97cb74ef9a7a7fee8.jpg)
Du khách quốc tế khám phá văn hóa truyền thống Việt Nam ở Nha Trang Xưa.
Ngoài Khu du lịch Nha Trang Xưa, nhiều khu du lịch, khách sạn rất chú trọng đến việc đưa văn hóa truyền thống của người Việt để tăng thêm sức hút đối với du khách như: Tổ chức cho du khách gói bánh chưng, bánh tét, tặng chữ thư pháp đầu xuân. Có thể kể đến Làng nghề Trường Sơn như một bảo tàng giới thiệu đến du khách những ngành nghề truyền thống của người dân xứ Trầm Hương, hay Khu du lịch Champa Island Nha Trang có một khu làng nghề thu nhỏ với các nghề như: Chằm nón, thêu tranh, làm gốm Chăm… Trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, bên cạnh hoạt động “Nấu bánh tét, trở về Tết xưa”, Khu du lịch Champa Island Nha Trang còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: Đi cà kheo, bịt mắt đập niêu, đi cầu khỉ… cho du khách trải nghiệm. Nhiều gia đình khách quốc tế đã rất thích thú với nét văn hóa truyền thống của người Việt, để các em nhỏ trải nghiệm các trò chơi dân gian. “Gia đình tôi đã lưu trú ở Champa Island Nha Trang 5 đêm. Chúng tôi thích nghỉ dưỡng ở đây vì khung cảnh rất yên bình, lại ngay trung tâm thành phố. Bên cạnh cơ sở vật chất tiện nghi, chúng tôi đặc biệt thích thú khi được xem nghệ nhân trình diễn các nghề thủ công truyền thống, trải nghiệm các trò chơi dân gian và cả xem gói bánh”, bà Hwang Ga In (du khách đến từ Seoul, Hàn Quốc) bày tỏ.
Theo bà Christina Nguyễn - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Zazen Travel, bên cạnh nhu cầu nghỉ dưỡng, khách du lịch đến Khánh Hòa, đặc biệt là khách quốc tế, rất thích khám phá văn hóa truyền thống của địa phương. Công ty thường xuyên được khách du lịch Châu Âu, Úc, Mỹ… đặt hàng các tour tham quan các chùa, di tích văn hóa và những nghề thủ công truyền thống của Khánh Hòa. Nhiều khách còn khám phá văn hóa Việt Nam thông qua việc đi chợ, học làm các món ăn truyền thống người Việt như: Bánh xèo, gỏi cuốn…
Tiếp tục gìn giữ, phát huy
Theo các chuyên gia du lịch, văn hóa là trụ cột để phát triển du lịch bền vững. Với sự đa dạng về văn hóa của 32 dân tộc sinh sống từ miền biển lên vùng cao, Khánh Hòa rất có lợi thế để phát triển du lịch văn hóa. Bên cạnh việc đưa khách đến tham quan các di tích văn hóa, lịch sử, các đơn vị lữ hành có thể xây dựng các tour tham quan, tìm hiểu về di sản văn hóa phi vật thể thông qua thưởng thức âm nhạc, lễ hội truyền thống… Trên thực tế, việc phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống để phục vụ du lịch không chỉ được thực hiện ở Nha Trang mà đang được khuyến khích mở rộng trên toàn tỉnh, nhất là ở khu vực miền núi. Hiện nay, các địa phương như: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa… đều có những đề án bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
![Hai nữ du khách Hàn Quốc trải nghiệm làm gốm cùng nghệ nhân người Chăm ở Champa Island Nha Trang.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_14_435_51480109/2863c02df2631b3d4272.jpg)
Hai nữ du khách Hàn Quốc trải nghiệm làm gốm cùng nghệ nhân người Chăm ở Champa Island Nha Trang.
Theo bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, từ đầu tháng 4-2024, huyện đã triển khai kế hoạch thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Theo kế hoạch, huyện xây dựng 3 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian của các dân tộc: Ê đê (tại thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp), T’rin (tại thôn Gia Lố, xã Giang Ly), Raglai (thôn Suối Cá, xã Khánh Trung). Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ hoạt động của 6 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng ĐBDTTS và miền núi…; tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể. Tương tự, huyện Khánh Sơn đã tổ chức 6 lớp truyền dạy đánh mã la, 3 lớp truyền dạy đánh đàn đá, 3 lớp dạy hát sử thi cho thanh thiếu niên trên địa bàn huyện; thành lập các đội văn nghệ, đội mã la, đàn đá, đàn chapi và thổi kèn bầu… để sẵn sàng phục vụ du khách khi có nhu cầu. Hiện nay, huyện xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp) gắn với phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán tốt đẹp của ĐBDTTS trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ: Việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong hoạt động du lịch đang được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quan tâm. Trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều mô hình về tham quan, trải nghiệm văn hóa truyền thống, từ những ngành nghề thủ công mỹ nghệ cho đến ẩm thực. Trong đó, Làng nghề Trường Sơn và Nha Trang Xưa là 2 điểm đến đang được du khách ưa thích. Trong kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã đặt mục tiêu: Đến năm 2025, tại các điểm du lịch cộng đồng được công nhận trên địa bàn tỉnh, cơ bản những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; 20% điểm du lịch cộng đồng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 20% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, trong đó văn hóa truyền thống là một thành tố trụ cột để các điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách, nhất là ở các huyện miền núi. Du khách đến Khánh Hòa không chỉ được tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên, thời tiết ấm áp mà còn có thể khám phá nhiều nét đẹp văn hóa của xứ Trầm Hương từ đồng bằng đến miền núi!