Phát huy giá trị truyền thống trong nông thôn mới

Trong suốt dòng chảy lịch sử 1010 năm của Thăng Long - Hà Nội, vùng nông thôn ngoại thành đã chắt lọc, kết tinh được nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Đặc biệt, thành phố đã và đang tập trung bảo tồn, phát huy những giá trị đó tạo thành nền tảng, động lực để xây dựng nông thôn mới Hà Nội phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Cam Canh là một trong những giống cây trồng quý của Hà Nội được gìn giữ và phát triển thành sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Thủ đô. Ảnh: Thái Hiền

Vùng nông nghiệp có truyền thống lâu đời

“Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”... là những sản vật nổi tiếng của vùng đất Kinh kỳ đã đi vào ca dao, lan tỏa trong tâm thức người Hà Nội. Xứ Đoài cũng nức tiếng với rau muống tiến vua ở làng Linh Chiểu, xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ); mơ rừng, rau sắng xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức)... Có thể nói đất ven đô từ xưa đến nay vẫn là một vùng nông nghiệp trù phú, có truyền thống lâu đời.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại, nhiều giống cây trồng quý của Hà Nội được gìn giữ đến hôm nay như: Cam Canh, bưởi Diễn, hồng xiêm Xuân Đỉnh, rau muống tiến vua ở Linh Chiểu, mơ và rau sắng Hương Sơn… không chỉ có giá trị khoa học về nguồn gen, kinh tế mà còn có giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh.

Bảo tồn, phát triển các loại nông sản - đặc sản trở thành hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang được thành phố quan tâm. Từ năm 2011, Sở NN&PTNT Hà Nội đã lựa chọn được 22 giống cây trồng nhằm bảo tồn và phát triển trở thành sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Thủ đô... Đến nay, Hà Nội đã phát triển được các vùng trồng cây đặc sản cam Canh, bưởi Diễn ở các huyện: Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai; khôi phục và mở rộng diện tích trồng mơ, rau sắng ở xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức)...

Ngoài ra, trải qua những dặm dài lịch sử, các miền quê Hà Nội vẫn lưu giữ những không gian cổ kính đặc trưng của Đồng bằng Bắc Bộ, với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, cũng như các phong tục tập quán tốt đẹp mang nét đặc trưng của mỗi vùng đất. Tuy nhiên, theo năm tháng cùng tiến trình đô thị hóa, nhiều giá trị văn hóa đã bị mai một, cần có giải pháp gìn giữ, khôi phục.

Như chuyện ở làng Thuấn Nội, xã Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ). Để khơi dậy tinh thần Thăng Long, văn hóa người Hà Nội, trong nỗ lực bảo tồn những giá trị truyền thống của quê hương, chính quyền xã Tam Thuấn và người làng Thuấn Nội đã khôi phục được những làn điệu chèo truyền thống. Tháng 7-2020 vừa qua, huyện Phúc Thọ đã hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình “Làng hát chèo”. Nhờ đó, lần đầu tiên, người yêu chèo trong làng được tập huấn kiến thức, bồi đắp cảm xúc nghệ thuật biểu diễn...

Cùng với việc bảo tồn di sản, nhiều mô hình phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch đã được hình thành và lan tỏa trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) với chương trình tham quan làng cổ và mùa lúa chín đã thu hút đông đảo du khách, mở ra hướng phát triển mới cho các làng quê Hà Nội.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng những làng văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu chính là cách để giữ “hồn quê” trong nông thôn thời hiện đại.

Phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại

Tại các hội nghị của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 và quá trình đi kiểm tra thực tế tại các địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy luôn nhấn mạnh vai trò của văn hóa và phát triển văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Đồng chí cho rằng, xây dựng nông thôn mới sẽ không thể thành công nếu đời sống văn hóa, tinh thần của người dân còn thiếu thốn, nông thôn còn những hủ tục lạc hậu và đánh mất bản sắc văn hóa...

Ở thời điểm hiện tại, cùng với việc xây dựng các thiết chế văn hóa nông thôn, nhiều địa phương tích cực triển khai mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết, huyện đã chọn 4 thôn ở các xã, thị trấn: Bình Minh, Tam Hưng, Cao Dương Kim Bài xây dựng điểm mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Nơi đây có kinh tế phát triển, hạ tầng khang trang, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp...

Những sản vật địa phương, những nét đẹp văn hóa làng quê gắn bó chặt chẽ với lịch sử phát triển trong 1010 năm của Thăng Long - Hà Nội và góp phần làm nên nét riêng có của Thủ đô. Phát huy bản sắc văn hóa, phát triển các sản vật Hà Nội trong thời đại hội nhập là hết sức cần thiết. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã tìm cho mình một hướng đi bền vững, phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/980302/phat-huy-gia-tri-truyen-thong-trong-nong-thon-moi