Phát huy giá trị của quốc gia - dân tộc
Diễn biến mới nhất cho đến ngày 13/2 về hoạt động của Đoàn Cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ là việc Đại sứ quán Việt Nam tại quốc gia này cho biết vào đêm 11/2, đoàn phối hợp với các lực lượng của Quân đội Pakistan đã cứu được một cháu bé 14 tuổi dưới đống đổ nát tại một tòa nhà ở Adiyaman - Thổ Nhĩ Kỳ.
Đó là thông tin đầu tiên rất đáng mừng kể từ ngày 9/2 là ngày mà đoàn gồm 21 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an cùng 3 nhân viên y tế giàu kinh nghiệm xuất quân đi hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân và cung cấp hỗ trợ nhân đạo, giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả sau thảm họa động đất 7,8 độ richter xảy ra tại quốc gia này và Syria, vào rạng sáng ngày 6/2.
Thảm họa kinh hoàng này đã gây thiệt hại nặng nề cho 2 quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tính đến ngày 14/2, số người thiệt mạng được xác định ít nhất 31.643 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và gần 5.000 người ở Syria; số người bị thương ở riêng Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 80.000 người (theo Bộ trưởng Y tế nước này).
Trong bối cảnh đó, việc khẩn trương có mặt của lực lượng hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an và Quân đội Nhân dân Việt Nam đã làm nên một hình ảnh đẹp về tình đồng loại, thể hiện chính sách đối ngoại ưu việt và trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình chính là truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam và là cốt lõi về văn hóa của con người Việt Nam được hun đúc, bồi đắp qua nhiều thế hệ.
Lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn ra quân lần này được Bộ Công an thành lập khẩn trương bao gồm những cán bộ chiến sĩ tiêu biểu của ngành, vừa giỏi nghiệp vụ, giàu kinh nghiệm, vừa có đủ bản lĩnh để đương đầu với những khó khăn của hiện trường tại nước bạn. Họ chính là những tấm gương trong vô vàn tấm gương sáng của lực lượng CAND.
Hình ảnh của những cán bộ chiến sĩ Công an quên mình giúp dân trong bão lũ, hỏa hoạn, thảm họa… vốn đã quen thuộc với nhân dân cả nước, tô đậm thêm lý tưởng “Vì nhân dân mà phục vụ”, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”.
Còn nhớ, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tổ chức vào sáng 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định vai trò to lớn của văn hóa. Mượn lời tiền nhân: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Tổng Bí thư nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên nếu mất văn hóa là mất dân tộc. Theo đó, văn hóa rất gần gũi với đời sống, khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng… ấy chính là văn hóa. Ngược lại, những xấu xa, bỉ ổi chính là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa.
Tổng Bí thư lược lại lịch sử để cho thấy quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ ngày đầu thành lập tới nay chính là văn hóa phải được đặt ngang hàng chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Không chỉ quan tâm phát triển văn hóa, Đảng ta đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa quần chúng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tổng Bí thư khẳng định đây chính là điểm ưu việt của Đảng ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Phải khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Cùng với đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...
Cán bộ, chiến sĩ CAND không chỉ “đứng mũi chịu sào” trong mặt trận phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, mà còn luôn tiên phong trong việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc.