Phát huy dân chủ xuất phát từ ý thức tôn trọng Nhân dân

Năm 2019 là năm toàn Đảng và Nhân dân ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019); 70 năm Bác viết tác phẩm Dân vận (1949 - 2019); 50 năm tác phẩm 'Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân' (1969 - 2019).

Thực hiện có hiệu quả chủ đề xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân trong năm 2019 và các năm tiếp theo là thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra suất ăn giữa ca của công nhân Nhà máy Cao su, xà phòng và thuốc lá Hà Nội, năm 1961. Ảnh tư liệu

Đầu tiên, đó là tư tưởng của Bác về phát huy dân chủ. Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ. Nó biểu hiện được ý thức tôn trọng Nhân dân. Nước dân chủ, chế độ dân chủ thì bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, công việc đổi mới là trách nhiệm của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Bởi vì, “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Cho nên phải phát huy tài dân nghĩa là phát huy dân chủ. Muốn vậy thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân.

Thứ hai, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ. Người nhiều lần chỉ rõ “làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của Nhân dân. Mấy chữ a,b,c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”. Nhưng làm đày tớ cho Nhân dân mà như làm “quan” cách mạnh, rồi hạch sách, ra lệnh cho Nhân dân thì không được, phải đề cao ý thức tôn trọng Nhân dân như thế mới tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh. Cán bộ chỉ có ngồi ghế, chỉ tay thì làm sao hiểu được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; khinh Nhân dân, “cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi” thì có phải khoảng cách giữa dân với mình ngày càng xa hay không? Rồi khi mắc sai lầm, khuyết điểm thì sợ Nhân dân phê bình mình, lại bắt đầu tiếp cận Nhân dân, không được thì dọa nạt dân, lừa phỉnh dân,... Họ quên mất rằng không có lực lượng Nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong, có lực lượng Nhân dân thì việc to mấy, khó mấy làm cũng được, Nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực, không thể lý luận suông, chính trị suông. Bởi vậy phải thật gần với dân tạo điều kiện cho dân phát huy về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe...; phải quan tâm phát triển năng lực, tiềm năng của mọi người dân; phải hành động thì mới gặt hiệu quả.

Những điều trên thể hiện qua lối sống của Người - phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy dân chủ xuất phát từ chỗ tôn trọng Nhân dân, đề cao vai trò, vị trí của Nhân dân. Hẳn ai cũng nhận thấy rằng, dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn ra thao trường cùng bộ đội, “chống gậy lên non xem trận địa”, đến nhà máy, công trường, hầm mỏ, nông trường, hợp tác xã, trường học, bệnh viện. Người đến nhà giữ trẻ, lớp mẫu giáo, ra đồng ruộng, thăm nhà ở công nhân, cán bộ bình thường v.v.. Bởi vì, Người đến với quần chúng là để lắng nghe và thấu hiểu, đồng cảm với cuộc sống của mọi tầng lớp Nhân dân miền ngược, miền xuôi, nông thôn, thành thị. Người muốn nghe được tiếng dân, đi vào lòng Nhân dân, hiểu được nhịp đập của cuộc sống xung quanh. Phong cách ấy làm cho lãnh tụ và quần chúng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc nhất. Từ đó, mọi người có thể nói hết những suy nghĩ trăn trở của mình, còn Người có cơ sở để giải quyết nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của Nhân dân . Cần phải hiểu “nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”. Một trong những kinh nghiệm quý trong thực hiện phong cách phát huy dân chủ là “cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh “thì thầm thì thào” cũng hết”. Người chỉ rõ: “để phát huy ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”.

Có thể nói cuộc đời và tấm gương đạo đức của Bác đã đi vào lịch sử và đời sống tâm hồn dân tộc Việt Nam. Đó chính là chất người cộng sản tỏa ánh hào quang soi đường chỉ lối cho mọi thế hệ người Việt, cho bạn, cho tôi và cho tất cả chúng ta.

Nguyễn Thị Thùy Dương

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/chinh-tri/phat-huy-dan-chu-xuat-phat-tu-y-thuc-ton-trong-nhan-dan-75383.html