Phát huy các giá trị di sản của Thủ đô Hà Nội

Lịch sử Hà Nội gắn liền với những thăng trầm của dân tộc. Thủ đô nghìn năm văn hiến được ví như bảo tàng sống với hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa nổi bật mang nhiều giá trị nhân văn và ý nghĩa sâu sắc. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hiện nay đang có tác động to lớn trong việc phát huy các giá trị di sản của Thủ đô.

Hà Nội trong tôi:

Khách du lịch thích thú khi sử dụng hệ thống thuyết minh tự động Audio Guide tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Nhật Nam

Trong quá trình lịch sử phát triển lâu đời, Hà Nội sở hữu rất nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú như di tích Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu phố cổ trầm mặc, những làng nghề truyền thống cùng những cảnh quan mang giá trị riêng như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm… Nơi đây được định vị là điểm đến du lịch văn hóa, di sản với gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Để những di sản tự nhiên và văn hóa này thực sự là những trang sử sống động, gắn kết cộng đồng, giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, góp phần làm nên cốt cách, bản sắc văn hóa của người nơi đây, Hà Nội đang nỗ lực để có những phương án thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới cách thức, nội dung và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về du lịch.

Chúng ta có thể thấy các website của ngành du lịch Thủ đô đang dần được hoàn thiện, cung cấp thông tin đầy đủ hơn, cập nhật mới nhất tới du khách. Các quận, huyện trên địa bàn ngày càng chuẩn hóa các nội dung thuyết minh để triển khai audio guide (thuyết minh tự động bằng tai nghe) bằng nhiều ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn Quốc) tại các điểm tham quan.

Các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi. Các điểm tham quan có mã QR code để check thông tin y tế, thanh toán dịch vụ/quét vé (không dùng tiền mặt), cho tới tra cứu thông tin về di tích…

Hình ảnh Thủ đô được quảng bá trên các nền tảng truyền thông mới như: Facebook, Youtube, Tiktok, cũng như các nền tảng 3D, trực tuyến… Tại các điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội như Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long thời gian qua đã tổ chức các triển lãm, trưng bày trực tuyến để thu hút khách; Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thì ra mắt kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify; Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Hoàng Thành Thăng Long hiện nay đã áp dụng hệ thống phần mềm QR code, cửa soát vé tự động, phần mềm quản lý khách giúp nâng cao năng lực quản trị của đơn vị.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã thực hiện số hóa các tài nguyên hiện có. Việc xây dựng website, hình ảnh, âm thanh… được ghi lại dưới định dạng mp4, jpg, tham quan trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, đồ họa 3D… đã mang lại những trải nghiệm chân thật nhất cho du khách thời gian qua.

Thẻ du lịch thông minh là sản phẩm tiện lợi nằm trong hệ sinh thái du lịch thông minh tích hợp nhiều tính năng như Napas, Internet banking, thanh toán điện tử, tra cứu thông tin du lịch hay nhận ưu đãi, tích điểm khi mua sắm sẽ giúp người dân và du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin du lịch, phản ánh tới cơ quan chức năng về chất lượng dịch vụ, quản lý tour du lịch, cùng nhiều tiện ích hỗ trợ mua sắm vé máy bay, đặt phòng, thanh toán điện tử…

Hà Nội luôn được du khách trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá là một điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn. Mang trong mình bề dày truyền thống văn hóa được hội tụ hàng nghìn năm qua, Hà Nội sở hữu hệ thống di sản văn hóa đặc sắc, đa dạng. Với những thay đổi theo hướng chuyển đổi số hiện tại, Hà Nội đã, đang và sẽ phát huy được nguồn tài nguyên vô giá này để tạo dựng thương hiệu đặc trưng tương xứng với vị thế của mình.

Xuân Mai

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//phat-huy-cac-gia-tri-di-san-cua-thu-do-ha-noi-357510.html