Phát hiện loài rắn lạ có màu sắc óng ánh ở Việt Nam
Theo một bài báo vừa công bố trên tạp chí Copeia, vào năm 2019, khi đang nghiên cứu về đa dạng sinh học trong rừng và núi ở Việt Nam, các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam tình cờ bắt gặp một con rắn lạ.
Theo một bài báo vừa công bố trên tạp chí Copeia, vào năm 2019, khi đang nghiên cứu về đa dạng sinh học trong rừng và núi ở Việt Nam, các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam tình cờ bắt gặp một con rắn lạ.
Con rắn màu sắc óng ánh, vảy của nó chuyển thành màu xanh lam và xanh lục dưới ánh sáng. Nó có vảy nhỏ, có vân và hoa văn kỳ lạ. Các nhà khoa học không biết nó thuộc loài nào và nhanh chóng nhận ra rằng họ đang nhìn thấy một loài chưa từng được khám phá.
Nghiên cứu sinh Aryeh Miller, Viện Smithsonian, thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ cho biết: "Đó là một khoảnh khắc thực sự thú vị. Con rắn trông rất lạ, đến mức chúng tôi không biết ngay đó là loài gì".
Các nhà nghiên cứu từ Viện Smithsonian và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu của họ trên tạp chí Copeia hôm 7-12.
Con rắn lạ được các nhà khoa học phát hiện ở tỉnh Hà Giang, giáp Trung Quốc. Đáng chú ý là nó không có cơ quan thụ cảm ánh sáng trong mắt, chuyên đào hang dưới đất hoặc bên dưới lá cây. Những loại rắn này đặc biệt khó tìm do chúng sống dưới mặt đất.
Họ cũng sớm nhận ra đó là một loài thuộc giống Achalinus quý hiếm, còn được gọi là "rắn vảy kỳ lạ" vì vảy của chúng trải rộng ra thay vì chồng lên nhau như hầu hết các loài rắn. Cho đến nay, chỉ có 13 loài được biết đến trong chi này, sáu trong số đó là từ Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Quảng Trường, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: “Trong 22 năm khảo sát các loài bò sát ở Việt Nam, tôi mới chỉ thu thập được sáu con rắn vảy lạ. Đây là một trong những nhóm bò sát ít được nghiên cứu nhất".
Các nhà nghiên cứu đặt tên cho loài rắn mới là Achalinus zugorum để vinh danh người quản lý bò sát và lưỡng cư đã nghỉ hưu của Viện Smithsonian.
Sau khi khảo sát ban đầu, các nhà nghiên cứu đã mang con rắn về Viện Smithsonian để giải trình tự DNA. Con rắn sẽ sớm được đưa về Việt Nam.
Trong bài báo, nhóm nghiên cứu cũng nêu rõ những nguy cơ đe dọa đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái của Việt Nam như khai thác đá, phá rừng và khai thác quá mức các loài.
Anh Miller, nhà nghiên cứu của Viện Smithsonian cho biết: “Quá trình này diễn ra quá nhanh khiến chúng tôi không thể theo kịp. Một số loài duy nhất của khu vực này đã biến mất trước khi chúng được mô tả".
Nghiên cứu cho biết thêm, những khám phá như vậy có thể cung cấp thông tin tốt cho cơ quan quản lý để có các chính sách bảo tồn và chiến lược quản lý. Đây vốn là cách duy nhất để "bảo đảm sự tồn tại lâu dài của những loài bí ẩn như loài rắn này khi đối mặt với các mối đe dọa hiện hữu".