Phân loại và dán nhãn cảnh báo về mức độ đối với các chương trình truyền hình giải trí, thể thao nguy hiểm

Theo thông tin Trung tâm thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 15/8, những chương trình truyền hình giải trí, thể thao có tính nguy hiểm, bạo lực thì sẽ được phân loại và dán nhãn cảnh báo theo mức độ, góp phần tạo ra các chương trình phù hợp với từng lứa tuổi.

Bộ TT&TT vừa có hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh truyền hình (PTTH) hướng dẫn bổ sung các quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP.

Theo đó, về nguyên tắc biên tập, có các nguyên tắc biên tập chung để các đơn vị lưu ý thực hiện trong quá trình biên tập như: Bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ trẻ em và đối tượng dễ bị tổn thương khác; những loại nội dung, tình huống, phải loại bỏ trong chương trình.

Đồng thời, cũng hướng dẫn nguyên tắc biên tập đối với từng loại chương trình, gồm: Chương trình ghi âm, ghi hình để phát sau và chương trình trực tiếp theo thời điểm diễn ra sự kiện; các chương trình thể thao và giải trí có nội dung liên quan đến y tế, giáo dục và trò chơi điện tử trực tuyến.

 Những chương trình truyền hình giải trí, thể thao có tính nguy hiểm, bạo lực thì sẽ được phân loại và dán nhãn cảnh báo theo mức độ. (Ảnh: Reuters)

Những chương trình truyền hình giải trí, thể thao có tính nguy hiểm, bạo lực thì sẽ được phân loại và dán nhãn cảnh báo theo mức độ. (Ảnh: Reuters)

Có 7 tiêu chí phân loại gồm chủ đề, nội dung; bạo lực; khỏa thân, tình dục; ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; kinh dị; hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục; hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Đồng thời, có 6 mức phân loại chương trình như sau:

Loại P, chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem ở mọi độ tuổi.

Loại K, chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ, người giám hộ.

Loại T13, chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 13 tuổi trở lên.

Loại T16, chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 16 tuổi trở lên.

Loại T18, chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 18 tuổi trở lên.

Loại C, chương trình không được phép phổ biến.

Về nguyên tắc cảnh báo, đơn vị chức năng cần tiến hành phân loại mức độ cảnh báo đối với các chương trình có mức phân loại từ loại K đến loại T18; các chương trình giải trí là các chương trình truyền hình thực tế, biểu diễn nghệ thuật, các chương trình truyền hình có nội dung thi tài, biểu diễn về những hành động mạo hiểm, nguy hiểm, có nguy cơ gây thương tích; các chương trình truyền hình giả tưởng, dàn dựng lại từ vụ việc có thật thực tế; các chương trình thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, thể thao đối kháng, võ thuật, các chương trình thể thao có tính bạo lực, nguy hiểm.

Như vậy, các quy định này tạo điều kiện pháp lý cho các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình; kiểm soát được nội dung nhưng không làm ảnh hưởng đến giáo dục, thị hiếu, thẩm mỹ của khán, thính giả và phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi; hạn chế được những tác động tiêu cực mà nội dung chương trình có thể gây ra cho xã hội và người nghe, người xem.

P.V

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phan-loai-va-dan-nhan-canh-bao-ve-muc-do-doi-voi-cac-chuong-trinh-truyen-hinh-giai-tri-the-thao-nguy-hiem-post255761.html