Phân loại và biến rác thành tài nguyên

Những tưởng sẽ 'chết yểu' như cách đây mười mấy năm, nhưng hoạt động 'phân loại rác tại nguồn' đang được nhân rộng và dần triển khai đại trà trên toàn tỉnh. Phân loại rác tại nhà, tại nguồn còn được ứng dụng 'công nghệ số' để tăng tính tiện ích và hiệu quả, góp phần cùng phong trào 'Ngày Chủ nhật xanh' đi vào khuôn khổ, thường xuyên.

Phân loại rác tại nguồn đang được người dân hưởng ứng tích cực bằng nhiều cách làm thiết thực

Phân loại rác tại nguồn đang được người dân hưởng ứng tích cực bằng nhiều cách làm thiết thực

Từ điểm đến diện

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng lên đã làm ảnh hưởng, gây quá tải cho môi trường. Để biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường và giảm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, những năm qua, nhiều địa phương đã triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn. Các tổ chức hội, đoàn thể đã có nhiều hoạt động thúc đẩy chương trình phân loại rác tại nguồn. Một số địa phương đã thành lập tổ hợp tác ve chai, tổ tuyên truyền giám sát, lắp đặt các camera giám sát về vệ sinh môi trường, "Ngôi nhà xanh" tạo quỹ nhân ái... để thúc đẩy hoạt động phân loại rác lan tỏa trong dân.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường An Đông, TP. Huế cho biết, từ 3 năm nay, việc phân loại rác tại nguồn đã trở thành hoạt động thường xuyên, được lồng ghép thực hiện cùng phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" và đã có nhiều mô hình hay ở các tổ, chi hội... Nhờ đẩy mạnh thực hiện phân loại rác, nhiều điểm đen ô nhiễm đã được xóa bỏ. Nhiều sản phẩm mới cũng đã ra đời từ việc tái chế, tái sử dụng như làm phân hữu cơ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giấy gói quà, túi xách... đem lại giá trị về kinh tế và môi trường.

Đánh giá về lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh khẳng định, phân loại tại nguồn cho rác thải một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích; rác nhựa, rác kim loại, giấy loại được tái chế tái sử dụng. Nhất là đã giúp cho địa phương giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.

Để phân loại rác đi vào thực chất, được duy trì bền vững, thời gian qua, trên địa bàn TP. Huế đã ứng dụng công nghệ trong phân loại rác tại nguồn và thu gom rác tái chế thông qua ứng dụng mGreen trên điện thoại di động. Đây là một sáng kiến đạt giải thưởng tại Cuộc thi sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa Huế 2023 do Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" tổ chức. App mGreen là ứng dụng kết nối giữa người phân loại rác và người thu gom rác tái chế. Người dân sau khi phân loại rác tái chế có thể lựa chọn đặt lịch thu gom tại nhà hoặc mang đến các điểm đổi rác lấy quà trên điện thoại, hoặc mang tới các thùng phân loại rác thông minh của TP. Huế.

Hình ảnh các điểm thùng phân loại rác tại TP. Huế đã không còn xa lạ với người dân. Điều đặc biệt hơn là mỗi khi đến phân loại, bỏ rác đúng tại một trong 156 điểm thùng phân loại rác và sử dụng tính năng "Quét mã thùng rác" trên app mGreen, scan QR code gắn trên 156 điểm thùng rác tại TP. Huế, người phân loại rác sẽ được tích điểm vào thẻ mGreen để thanh toán, đổi quà, mua hàng với giá ưu đãi lên đến 80%. Đến nay, mGreen đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng cư dân TP. Huế, giúp số lượt đặt lịch thu gom rác tại nhà của các tổ hợp tác ve chai tăng lên và lượng rác được phân loại, được tái chế và tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người dân.

Đón đầu thực thi pháp luật

Việc phân loại rác tại nguồn đem lại rất nhiều lợi ích, giúp giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường, bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình và cộng đồng xã hội, thúc đẩy nền kinh tế phát triển tuần hoàn, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần bảo vệ môi trường của bản thân, gia đình và cộng đồng. Trước đây, các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, mới chỉ mang tính phong trào, chưa đủ mạnh để duy trì lâu dài. Trước yêu cầu bức thiết bảo vệ môi trường thông qua phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định bắt buộc phân loại rác tại nguồn với các nội dung, lộ trình cụ thể.

Cũng tại Nghị định 45 ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa rác theo quy định sẽ bị phạt tiền. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất là ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Vì thế, chiếu theo Luật, sau ngày 31/12/2024, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác theo quy định và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt đúng theo quy định thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Để xây dựng thói quen văn minh và đón đầu thực thi quy định của pháp luật, các địa phương đã ban hành kế hoạch cũng như lộ trình thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Riêng TP. Huế, đến nay, qua 2 giai đoạn triển khai đã "phủ sóng" chương trình phân loại rác tại 36 phường, xã. Mạnh nhất và đem lại hiệu ứng tích cực nhất đó là mô hình "Ngôi nhà xanh" - thu gom rác thải nhựa giúp phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang được các cấp hội phụ nữ trên toàn tỉnh thực hiện, nhân rộng, góp phần nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc phân loại rác.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/phan-loai-va-bien-rac-thanh-tai-nguyen-141057.html