Phản biện quảng cáo sức khỏe: Làm sao để biết sản phẩm có thực sự hiệu quả?

Có một khái niệm mà chúng ta cần biết trong thời bùng nổ quảng cáo sản phẩm liên quan đến sức khỏe: Y học dựa trên bằng chứng. Ngoài việc hiểu mức độ bằng chứng, bạn còn có thể áp dụng một số cách để phản biện trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Một trong những câu nói tôi thường sử dụng khi điều trị tâm lý cho trẻ vị thành niên là: “Bác sĩ A. thường khám từ thiện, vì vậy ông rất giỏi”. Tôi hay nói như vậy không phải để khẳng định điều đó là đúng, mà để giúp trẻ học cách phản biện. Câu nói này thường khiến các em bối rối một chút, rồi từ đó nhận ra: việc làm từ thiện là điều tốt, nhưng không đồng nghĩa với việc người đó giỏi chuyên môn.

Đây là cách giúp trẻ phân biệt giữa hành động tốt và năng lực thật sự - một kỹ năng quan trọng trong xã hội hiện nay, khi mà giá trị con người dễ bị đánh đồng với hình ảnh truyền thông.

Gần đây, câu chuyện về Quang Linh - một nhân vật nổi tiếng vì hoạt động thiện nguyện ở châu Phi - quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ Kera cũng mang lại cho chúng ta một bài học tương tự. Nhiều người tin tưởng và mua sản phẩm chỉ vì tin vào sự tử tế và chân thành của Quang Linh. Tuy nhiên, sự tử tế không thể thay thế cho bằng chứng khoa học, nhất là khi sản phẩm liên quan đến sức khỏe.

Hình ảnh Quang Linh - một nhân vật nổi tiếng vì hoạt động thiện nguyện ở châu Phi - quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ Kera trên mạng xã hội.

Hình ảnh Quang Linh - một nhân vật nổi tiếng vì hoạt động thiện nguyện ở châu Phi - quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ Kera trên mạng xã hội.

Trên thực tế, rất nhiều mặt hàng, thuốc, thực phẩm chức năng và phương pháp điều trị đang được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội mà không rõ chất lượng thật sự.

Người bán thường mượn uy tín của người nổi tiếng hoặc dùng lời lẽ tạo cảm giác gần gũi, nhân văn để thuyết phục. Một số khác gắn mác “đông y gia truyền”, “được bác sĩ khuyên dùng”, hoặc “đã giúp hàng ngàn người khỏi bệnh”. Nhưng đằng sau những lời lẽ đó, liệu có bất kỳ bằng chứng khoa học nào không?

Đó là lúc chúng ta cần hiểu về một khái niệm rất quan trọng trong y học hiện đại: y học dựa trên bằng chứng. Đây là cách tiếp cận điều trị bệnh dựa trên sự kết hợp giữa ba yếu tố: (i) bằng chứng tốt nhất từ các nghiên cứu khoa học, (ii) kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ, và (iii) hoàn cảnh - giá trị của người bệnh. Trong ba yếu tố đó, bằng chứng khoa học giữ vai trò then chốt khi cần đánh giá một loại thuốc, phương pháp điều trị hay sản phẩm sức khỏe nào đó có thực sự hiệu quả hay không.

Tuy nhiên, không phải bằng chứng nào cũng mạnh như nhau. Giống như một cái tháp, bằng chứng yếu thì đứng không vững, còn bằng chứng mạnh thì mới giúp chúng ta đưa ra quyết định chắc chắn. Hãy cùng đi từ ví dụ đơn giản đến phức tạp để hiểu rõ các mức độ của bằng chứng.

Một người sản xuất ra thuốc A và tự quảng cáo là thuốc có hiệu quả điều trị tiểu đường - đây chỉ là lời người bán nói, hoàn toàn không có giá trị khoa học. Nếu người đó là bác sĩ, hay là người nổi tiếng thì cũng không làm lời nói trở nên đúng hơn. Một trường hợp khác, thuốc B được quảng cáo bởi một người khác, ví dụ như người bệnh từng dùng và thấy khỏe hơn. Mặc dù nghe thuyết phục hơn, nhưng đây vẫn là bằng chứng rất yếu vì chỉ dựa vào trải nghiệm cá nhân, không có kiểm soát, không thể loại trừ yếu tố ngẫu nhiên.

Bằng chứng ở mức cao hơn nữa là các báo cáo trường hợp (case reports) hoặc nghiên cứu quan sát - ví dụ như ghi nhận rằng người uống trà gừng thường ít bị cảm cúm. Mối liên quan này có thể đúng, nhưng chưa thể khẳng định nguyên nhân. Có thể những người uống trà gừng đồng thời cũng ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên - các yếu tố này không được kiểm soát sẽ gây nhiễu và làm kết luận sai lệch.

Tiếp theo là những nghiên cứu can thiệp nhưng không có nhóm đối chứng. Ví dụ, một công ty cho 100 người bị cao huyết áp dùng viên uống thảo dược và báo cáo rằng 60 người có cải thiện. Nhưng nếu không có nhóm nào dùng giả dược để so sánh, ta không biết sự cải thiện đó có thật sự nhờ viên uống hay chỉ là do hiệu ứng giả dược, hoặc do bệnh tự giảm.

HiPPiS Việt Nam (hippis.vn) cũng cho công bố danh sách các điểm bán sữa của họ trên trang web công ty như một cách thông tin và phòng tránh nạn sữa bị làm giả.

HiPPiS Việt Nam (hippis.vn) cũng cho công bố danh sách các điểm bán sữa của họ trên trang web công ty như một cách thông tin và phòng tránh nạn sữa bị làm giả.

Bằng chứng mạnh hơn nữa là từ các nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên (Randomized Controlled Trial - RCT), nơi người tham gia được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: một nhóm dùng thuốc thật, nhóm kia dùng giả dược, và cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều không biết ai dùng gì (gọi là mù đôi). Nhờ vậy, RCT có thể giúp xác định thuốc có hiệu quả thực sự hay không, với mức tin cậy cao. Ví dụ, một RCT chất lượng cho thấy thuốc A giúp cải thiện rõ rệt mức đường huyết của bệnh nhân tiểu đường sau 12 tuần.

Cao nhất trong tháp bằng chứng là tổng hợp có hệ thống (systematic review) hoặc phân tích gộp (meta-analysis) từ nhiều nghiên cứu RCT chất lượng cao. Những tổng hợp này loại bỏ các nghiên cứu kém chất lượng, phân tích kỹ lưỡng số liệu để đưa ra kết luận chính xác nhất có thể. Ví dụ, một meta-analysis phân tích dữ liệu từ 20 nghiên cứu về vaccine cúm cho thấy hiệu quả phòng bệnh trung bình là 60% trong mùa dịch - đây là mức bằng chứng rất mạnh để các tổ chức y tế ra khuyến cáo tiêm phòng.

Tuy nhiên, bằng chứng khoa học vẫn có thể bị bóp méo nếu người đứng sau nghiên cứu có xung đột lợi ích.

Hãy cùng xét một ví dụ: một công ty dược phẩm sản xuất ra thuốc giảm cân Z, sau đó tài trợ cho một nhóm nhà nghiên cứu tiến hành nghiên cứu đánh giá hiệu quả thuốc. Kết quả cho thấy thuốc Z giúp giảm trung bình 3 ki lô gam sau một tháng. Nhưng khi giới chuyên môn kiểm tra kỹ lại, họ phát hiện toàn bộ nhóm nghiên cứu đều có mối quan hệ tài chính với công ty - người thì làm tư vấn, người giữ cổ phần. Nghiên cứu không có nhóm đối chứng, không công bố dữ liệu thô, và không theo dõi tác dụng phụ lâu dài. Đây là một ví dụ điển hình về nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi xung đột lợi ích, làm giảm đáng kể độ tin cậy, dù bề ngoài vẫn mang “danh nghĩa khoa học”.

Bằng chứng khoa học giữ vai trò then chốt khi cần đánh giá một loại thuốc, phương pháp điều trị hay sản phẩm sức khỏe nào đó có thực sự hiệu quả hay không.

Vì vậy, một nghiên cứu tốt không chỉ cần thiết kế hợp lý, mà còn cần độc lập, minh bạch và được đánh giá ngang hàng bởi giới khoa học (peer review). Khi bạn nghe ai đó nói “đã có nghiên cứu”, hãy tự hỏi: nghiên cứu đó là loại nào? Có nhóm đối chứng không? Có đăng ở tạp chí uy tín không? Ai tài trợ? Kết luận có bị phóng đại hay cắt xén không?

Ngoài việc hiểu mức độ bằng chứng, bạn cũng có thể áp dụng một số cách để phản biện khi gặp quảng cáo sản phẩm liên quan đến sức khỏe:

Thứ nhất, kiểm tra xem có nghiên cứu nào thật sự được công bố không. Tên sản phẩm + từ khóa như “nghiên cứu”, “clinical trial” hoặc “study” có thể giúp bạn tìm được thông tin trên Google Scholar hay PubMed. Nếu không có gì rõ ràng, nhiều khả năng sản phẩm chưa được kiểm chứng.

Thứ hai, xem ai xác nhận sản phẩm đó. Có được Bộ Y tế cho phép lưu hành? Có được bệnh viện lớn hay tổ chức uy tín khuyên dùng không? Nếu chỉ là người nổi tiếng hoặc “bác sĩ tự xưng” nói thì vẫn chưa đủ.

Thứ ba, cảnh giác với những lời quảng cáo nghe quá tuyệt vời như “hết bệnh 100%”, “không cần kiêng khem”, “hiệu quả chỉ sau ba ngày”… Những lời lẽ này đánh vào cảm xúc và hy vọng, nhưng lại thường che giấu sự thật phức tạp của điều trị y khoa.

Cuối cùng, hãy luôn đặt câu hỏi về động cơ của người giới thiệu sản phẩm. Nếu họ vừa giới thiệu vừa bán hàng, hay có quyền lợi tài chính nào đó, bạn nên cân nhắc thêm một lần nữa trước khi tin tưởng.

Y học dựa trên bằng chứng không phải là lý thuyết khô khan. Đó là công cụ thiết yếu giúp bạn ra quyết định sáng suốt trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Trong thời đại mà thông tin tràn lan và niềm tin dễ bị lợi dụng, hiểu được mức độ của bằng chứng khoa học chính là một hình thức tự vệ thông minh và nhân văn nhất.

TS.BS. Phạm Minh Triết

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phan-bien-quang-cao-suc-khoe-lam-sao-de-biet-san-pham-co-thuc-su-hieu-qua/