Phẩm chất người lính tỏa sáng giữa đời thường

Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, chúng tôi có dịp gặp, trò chuyện với một số cựu chiến binh tại các huyện ngoại thành Hà Nội, đó là những con người bình dị; dẫu mỗi người một hoàn cảnh, nhưng với phẩm chất 'bộ đội Cụ Hồ' họ đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình, góp phần đưa Thủ đô phát triển ngày càng giàu đẹp.

Khát vọng làm giàu quê hương

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông Lê Văn Huệ (sinh năm 1962, thương binh 4/4, trú tại thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) là hình ảnh của người nông dân hiền lành, chất phác. Ông Huệ được xem là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào cựu chiến binh vượt khó sản xuất giỏi, phát triển kinh tế vững mạnh làm giàu quê hương.

Ông Lê Văn Huệ là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào cựu chiến binh vượt khó sản xuất giỏi, phát triển kinh tế vững mạnh làm giàu quê hương.

Ông Lê Văn Huệ là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào cựu chiến binh vượt khó sản xuất giỏi, phát triển kinh tế vững mạnh làm giàu quê hương.

Giữa ngày hè tháng 7, ông Huệ kể lại cho chúng tôi về những ngày năm 1979, khi tham gia quân ngũ, làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Đến năm 1982, ông Huệ bị thương với 3 vết thương thực thể. Hiện, ông Huệ vẫn còn mảnh kim loại trong người, những lúc trái gió trở trời, vết thương do chiến tranh lại đau khiến ông khó ngủ.

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông làm công nhân cơ khí tại Công ty Sông Đà một thời gian. Đến năm 1989, ông Huệ nghỉ việc và cùng vợ nhận đất, nhận rừng, lên Hòa Thạch để phát triển kinh tế. Trong suốt 30 năm xây dựng kinh tế, ông Huệ không ngừng duy trì, phát huy truyền thống “bộ đội Cụ Hồ” không quản ngại khó khăn, sẵn sàng xông pha nơi gian khó. Thành quả là mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi gà đẻ, gà thịt đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá.

Có giai đoạn, gia đình ông Huệ nuôi tới 6.500 gà đẻ trứng và trồng nhiều loại cây ăn quả, tạo việc làm cho nhiều lao động. Thậm chí, có thời điểm nuôi trồng hiệu quả, thu nhập gia đình ông lên tới 600 triệu đồng/năm. Bên cạnh các hoạt động đẩy mạnh phát triển kinh tế, ông Huệ cũng tham gia công tác ở thôn với vị trí Trưởng ban kiểm soát Hợp tác xã thôn Long Phú. Ông Huệ thường xuyên cùng cán bộ thôn đi học tập các mô hình kinh tế mới, cách nuôi trồng hiệu quả để truyền đạt lại cho bà con nông dân, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống…

Tại miền quê Chương Mỹ, cựu chiến binh Trần Đắc Vân (xã Ngọc Hòa) cũng là điển hình vươn lên chiến thắng hoàn cảnh bệnh tật để làm giàu chính đáng cho gia đình và quê hương. Tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, Campuchia, trong quá trình làm nhiệm vụ, ông Vân bị thương ở chân và ở đầu, dẫn đến suy giảm khả năng lao động 81%. Ngày trở về quê hương với sự nhạy bén, ông Vân đã mạnh dạn lựa chọn mô hình sản xuất chăn nuôi thủy sản để vực kinh tế gia đình đi lên.

Ông Vân chia sẻ: “Ngày đó, những dịp đi thăm bạn bè, tôi thấy họ có nhiều mô hình nuôi cá hay quá nên cảm thấy thích thú và tìm hiểu. Điều quan trọng, với việc làm kinh tế theo hướng chăn nuôi thủy sản sẽ phù hợp với điều kiện sức khỏe của tôi. Vậy nên, tôi quyết liều một phen”.

Năm 2001, ông Vân được UBND xã Ngọc Hòa tạo điều kiện, giao thầu đầm cá tại khu vực đầm Cầu. Ông Vân đã cùng với gia đình bắt tay xây dựng mô hình chăn nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia cầm với diện tích gần 5ha. Hiện tại khu đầm của gia đình ông đang nuôi thả nhiều loại cá như: Trắm, chép, trôi, rô phi, cá chim... Kết hợp với đó là 2 khu chăn nuôi vịt và ngan mỗi lứa với gần 5.000 con. Mỗi năm, cùng với nguồn thu từ vịt và ngan đã mang lại cho gia đình doanh thu gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên và khoảng 10 lao động thời vụ.

Không ngại khó, quyết làm vì dân

Đến với xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất), bà con trong thôn giới thiệu cho chúng tôi cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hoa (sinh năm 1957) là một điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay phát triển kinh tế, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Trò chuyện với ông Hoa mới thấy được hết tâm huyết ông dành cho mảnh đất quê hương mình. Năm 1977, khi vừa tròn tuổi 20, ông đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường cầm súng, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, ông được bà con nhân dân, cấp ủy Đảng, chi bộ tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, Phó Bí thư chi bộ thôn Minh Nghĩa (nay là thôn 6, xã Đại Đồng).

Ông Hoa chia sẻ: “Công việc của trưởng thôn khi ấy khá vất vả, phụ cấp đãi ngộ còn hạn hẹp. Nhưng với trách nhiệm người đảng viên, cần tiếp tục đem công sức, trí tuệ của mình góp phần cùng bà con chung tay xây dựng cuộc sống mới, nông thôn mới”.

Từ một người lính trong quân đội chỉ quen sống và làm việc theo mệnh lệnh, kỷ luật nhà binh. Kể từ đó, ông đã được bồi đắp thêm những tư duy mới, sáng tạo thiết thực, hiệu quả nhằm thực hiện các nhiệm vụ xây dựng kinh tế, văn hóa nông thôn. Ông đã động viên nhóm các hộ gia đình, thuận lợi mặt nào thì phát huy sản xuất, kinh doanh lĩnh vực đó như: Mở xưởng đồ gỗ, đồ sắt, may mặc gia công, làm chè lam, chè kho, làm dịch vụ, nhóm hộ trồng, làm trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả... Còn lại tập trung chăm sóc ruộng đồng không để hoang hóa. Khi các hộ cần vốn, ông Hoa giới thiệu để họ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách - xã hội. Nhờ vậy, thôn Minh Nghĩa lúc ấy có hơn 60 hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với mô hình trang trại, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng hoa ly cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm...

Đến nay, khi có điều kiện đi qua thôn 6, không khó để thấy các nhà xưởng vang lên tiếng máy cưa, máy bào, sản xuất đồ mộc, đồ sắt… hòa cùng tiếng nói, cười của các chị làm máy may, làm chè lam... góp phần tạo khí thế mới trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Theo đó, thôn 6 là thôn được đảng ủy, UBND xã tín nhiệm giao làm điểm chương trình xây dựng nông thôn mới.

Với vai trò trưởng thôn, Phó bí thư chi bộ, ông Hoa đã đề xuất với cấp ủy, chi bộ cần lấy phương châm: Động viên thuyết phục, vận động là chính, kết hợp với giải thích có lý, có tình, tạo niềm tin trong nhân dân. Do vậy, chỉ trong thời gian ngắn, 19/19 tiêu chí của xã đã được hoàn thành đúng kế hoạch, trong đó có một số nội dung nhiệm vụ hoàn thành vượt mức trước thời hạn. Sau khi về đích sớm nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong niềm vui và kỳ vọng của người dân. Thôn lại tiếp tục được Đảng ủy, UBND xã tín nhiệm giao làm điểm về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Chính nhờ sự gương mẫu, tận tụy, miệng nói tay làm của ông Hoa, người dân trong thôn 6 luôn tin tưởng, tích cực lao động, sản xuất, cùng nhau đoàn kết xây dựng khu dân cư. Với riêng ông Hoa, trong hơn 12 năm làm trưởng thôn, tuy gian khó nhưng cũng đạt được nhiều thành quả; tập thể thôn 6 và cá nhân ông Hoa có 11 năm liên tục được Đảng bộ, UBND xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất tặng giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngoài những cựu chiến binh kể trên, thành phố Hà Nội còn rất nhiều tấm gương sáng vượt lên hoàn cảnh, tiếp tục làm giàu, đẹp cho quê hương, đất nước. Trong chiến tranh, họ là những người xông pha nơi chiến trường, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhiều người bị thương, trở thành thương, bệnh binh…Thế nhưng, thương tật do chiến tranh để lại vẫn không làm giảm ý chí phấn đấu vươn lên và khát vọng cống hiến cho quê hương của những người lính khi xưa. Họ xứng đáng là điển hình tiêu biểu của ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng trong đời thường...

Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/pham-chat-nguoi-linh-toa-sang-giua-doi-thuong-158720.html