Phá vỡ rào cản vốn khu vực tư nhân: cú hích mới từ Nghị quyết 68

Với kỳ vọng 'cởi trói' cho khu vực kinh tế tư nhân, Nghị quyết 68 được đánh giá sẽ là động lực thúc đẩy cải cách mạnh mẽ thị trường vốn, mở ra hướng đi mới nhằm tháo gỡ nút thắt tài chính cho doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE hồi đầu năm 2025. Nâng cấp thị trường vốn là giải pháp cung ứng vốn dài hạn cho khu vực kinh tế tư nhân với nhiều loại hình sản phẩm khác nhau. Ảnh: D.N

Một doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE hồi đầu năm 2025. Nâng cấp thị trường vốn là giải pháp cung ứng vốn dài hạn cho khu vực kinh tế tư nhân với nhiều loại hình sản phẩm khác nhau. Ảnh: D.N

Mở khóa nguồn lực vốn

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và (Nghị quyết 66) và Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) của Bộ chính trị mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại một trong những điểm doanh nghiệp gặp khó về nguồn lực là tài chính và tín dụng. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước nhưng lại tiếp cận chưa đến 20% tổng dư nợ tín dụng. Khối doanh nghiệp tư nhân chiếm chưa đến 10% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán.

Giải pháp về vốn cũng là một điểm mới trong nghị quyết này, trong đó nhắc đến nhiều hơn và cụ thể hơn những vấn đề đang vướng mắc, nhằm đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân.

Theo bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối Khách hàng tổ chức, Công ty chứng khoán VNDirect, những hỗ trợ cụ thể được Chính phủ nhắc đến các biện pháp hỗ trợ là mở rộng quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lên ít nhất 50.000 tỉ đồng, triển khai hạn mức tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, cung cấp ưu đãi thuế 200% cho hoạt động Nghiên cứu Phát triển (R&D) và đào tạo lao động đồng thời phát triển vốn mạo hiểm trong nước thông qua mô hình Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư.

Chính phủ cũng sẽ khởi động chương trình “Vietnam Global Champions” để hỗ trợ 50 doanh nghiệp tiềm năng trong hoạt động tư vấn mua bán sáp nhập (M&A), bảo hiểm rủi ro chính trị và ưu tiên tiếp cận đàm phán thương mại; nâng tỷ lệ nội địa hóa ít nhất 60% đối với ngành điện tử, ô tô, dệt may thông qua các gói ưu đãi thuế linh kiện. Các hỗ trợ bổ sung khác bao gồm cắt giảm thuế, phí, tiền thuê đất và mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân.

Tăng cường cung ứng vốn xã hội cũng là một mục tiêu quan trọng. Theo báo cáo của Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, Nghị quyết 68 đưa ra một chương trình chính sách toàn diện, các cam kết là “yếu tố then chốt nhằm củng cố niềm tin doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư”.

Bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cho biết hiện tập đoàn đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp tiềm năng để đầu tư. Vì vậy, việc khơi thông nguồn vốn từ các quỹ đầu tư sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo và bán dẫn trong thập kỷ tới, góp phần định vị Việt Nam là trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực.

Thách thức biến “điểm nghẽn” thành “bệ phóng”

Hầu hết giới phân tích cũng như doanh nghiệp đánh giá, Nghị quyết 68 là dấu mốc quan trọng để thị trường thay đổi cả về lượng và chất. Trong khi đó, vấn đề vốn được nhắc đến nhiều trong hàng thập kỷ qua, chủ yếu nói đến khả năng tiếp cận của doanh nghiệp còn yếu và chi phí vốn còn ở mức cao. Giải bài toán vốn cho doanh nghiệp chính là giải quyết hai điểm này.

Một trong những điểm nhận thấy trong nghị quyết lần này là mong muốn đa dạng hóa nguồn vốn cấp cho nền kinh tế, mở rộng thêm nhiều chương trình mới với kỳ vọng cao, chú ý vào những phân khúc cụ thể cho đến những lĩnh vực được khuyến khích liên quan đến phát triển bền vững.

Nghị quyết cũng nhắc đến mục tiêu phát triển thị trường vốn dài hạn, bao gồm cả chứng khoán, bảo hiểm, các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho đến huy động nguồn lực xã hội với nhiều loại hình quỹ đầu tư còn thiếu vắng như quỹ hưu trí. Một khi mở rộng được các kênh huy động vốn dài hạn, chi phí vốn cho khu vực tư nhân sẽ thấp hơn.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn ngắn hạn ngân hàng tài trợ cho đầu tư, để lại khoảng trống đáng kể cho thị trường vốn dài hạn.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn ngắn hạn ngân hàng tài trợ cho đầu tư, để lại khoảng trống đáng kể cho thị trường vốn dài hạn.

Hiện nay, thách thức của thị trường vốn nói chung vẫn là việc thiếu vắng sản phẩm cũng như các quy định pháp lý liên quan đến dòng vốn được các quỹ đầu tư. Cùng với đó, một vấn đề cần giải quyết ngay là định nghĩa về dòng vốn dài hạn cho doanh nghiệp.

Bà Phương của VinaCapital cho rằng, Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, hiện dòng vốn cho doanh nghiệp tư nhân chủ yếu đến từ ngân hàng trong khi xu hướng tại các quốc gia phát triển, vốn cổ phần đóng vai trò chính, vốn ngân hàng chỉ là nguồn bổ trợ.

Bên cạnh cơ hội, Nghị quyết 68 cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các quỹ đầu tư. Trước tiên, việc chuyển hóa nghị quyết thành các văn bản pháp luật rõ ràng, khả thi và được thực thi nhanh chóng vẫn là bài toán lớn. Thực tế cho thấy, dù Trung ương và Chính phủ đã có chủ trương tháo gỡ khó khăn nhưng nhiều dự án vẫn bị đình trệ ở cấp kỹ thuật tại các bộ, ngành và địa phương. "Đây là mối lo lớn nhất của các quỹ đầu tư”, bà Phương chia sẻ.

Bà Quỳnh của VNDirect cho rằng, Nghị quyết 68 sẽ “mở đường” và khơi thông nguồn lực nếu được triển khai hiệu quả. Nghị quyết có thể giúp xây dựng một hệ sinh thái khu vực tư nhân ba tầng, gồm các tập đoàn lớn dẫn dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ vệ tinh cùng các startup đổi mới sáng tạo, định vị khu vực này trở thành trụ cột trung tâm của nền kinh tế Việt Nam đến năm 2045.

Nhóm phân tích của Dragon Capital bình luận: “Hiệu quả của Nghị quyết sẽ phụ thuộc vào quá trình tổ chức thực thi của bộ máy hành chính và mức độ hấp thụ chính sách từ khu vực tư nhân”.

Trong khi khu vực quản lý còn nhiều thách thức cụ thể hóa Nghị quyết 68, để những chính sách tích cực đi vào thị trường, giới doanh nghiệp cũng cần phải nắm bắt cơ hội thay đổi lần này.

Theo bà Phương của VinaCapital, Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc “hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, xây dựng hệ thống tài chính minh bạch, chuẩn hóa chế độ kế toán, kiểm toán và tăng cường uy tín để tiếp cận các nguồn lực tài chính”. Đây là lợi thế lớn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân thu hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư như VinaCapital.

"Để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp cần thể hiện sự sẵn sàng hợp tác lâu dài, khả năng thích ứng với các thay đổi về công nghệ và phương thức quản trị hiện đại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến nghị doanh nghiệp”, bà nói nói.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/pha-vo-rao-can-von-khu-vuc-tu-nhan-cu-hich-moi-tu-nghi-quyet-68/