PGS.Nguyễn Việt Dũng: Không nên mua bán điện mặt trời mái nhà trong giai đoạn 5 năm tới

Theo PGS.Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc đấu nối điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện quốc gia chỉ nên tạm thời dừng ở việc bổ sung lượng điện thiếu hụt khi điện mặt trời không tự sản xuất ra điện, chứ không nên mua bán trong giai đoạn trước mắt (khoảng 5 năm), để các bên liên quan có thể có sự điều chỉnh. PGS.Nguyễn Việt Dũng đã có những phân tích cụ thể với Tạp chí Công Thương về vấn đề này.

PGS. Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật về Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/5/2024

PGS. Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật về Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/5/2024

TCCT: Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của điện mặt trời mái nhà đối với hệ thống điện?

PGS.Nguyễn Việt Dũng: Trước hết tôi xin trao đổi về một số khái niệm mà chúng ta hay nhầm lẫn.

Năng lượng là dạng vật chất không thể lưu trữ được, chỉ có nhiên liệu dạng vật chất có khả năng sinh ra năng lượng mới lưu trữ được. Ví dụ 1kg than chúng ta có thể cất giữ cả trăm năm cũng gần như rất ít hao hụt, tuy nhiên nếu đốt 1kg than thành nhiệt, thì dù có giữ lượng nhiệt này trong phòng kín có cách nhiệt tốt thế nào thì cũng chỉ trong một thời gian nhất định là lượng nhiệt này sẽ thoát ra không gian xung quanh.

Điện năng, dạng năng lượng cao cấp nhất, cũng có đặc tính chung như vậy, sản xuất ra bao nhiêu phải tiêu dùng bấy nhiêu. Trong điều kiện lý tưởng sản lượng điện trong hệ thống phải cân bằng với nhu cầu sử dụng (phụ tải điện). Trong trường hợp sản lượng điện lớn hơn phụ tải để lưu giữ điện chúng ta phải tích trữ vào những dạng nhiên liệu nhân tạo như pin, ắc quy, thủy điện tích năng…

Điện mặt trời nói chung, điện mặt trời mái nhà nói riêng có nhiều ưu điểm như nguồn năng lượng sơ cấp là bức xạ mặt trời có thể coi là gần như vô tận, chi phí lắp đặt và sản xuất điện rẻ, nguồn phát có thể ở dạng tập trung (cánh đồng điện mặt trời), hoặc phân tán (điện mặt trời mái nhà). Hơn nữa điện mặt trời mái nhà lại gần như không tốn chi phí về diện tích lắp đặt, vì tận dụng mái nhà.

Tuy nhiên điện mặt trời có 3 nhược điểm chính:

(i) Hiệu suất thấp nên để có sản lượng điện lớn cần có diện tích các tấm pin mặt trời rất lớn;

(ii) Thời điểm điện mặt trời đạt công suất phát cực đại thường vào buổi trưa và nửa đầu buổi chiều không thuộc giờ cao điểm về nhu cầu phụ tải điện, trong khi đó vào khung giờ cao điểm 17:00-20:00 (trừ chủ nhật) cần nhiều phụ tải, sản lượng điện mặt trời lại về không, do đó giữa sản lượng điện và nhu cầu phụ tải có sự lệch pha lớn;

(iii) Điện mặt trời phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, hệ thống đang phát ở tải đỉnh xấp xỉ 100% công xuất đặt, chỉ cần một đám mây mù bay ngang qua, hoặc cơn mưa bất chợt công suất phát có thể về gần “0” chỉ trong vòng vài chục phút, ngoài ra tính quy đổi về tải định mức điện mặt trời ở miền Bắc chỉ có hệ số phát khoảng 3,5h và khu vực miền Nam là 5,5h.

Biểu đồ phụ tải hệ thống điện quốc gia ngày 30/12/2020. Nguồn: EVN

Biểu đồ phụ tải hệ thống điện quốc gia ngày 30/12/2020. Nguồn: EVN

Vì những đặc điểm nêu trên, trong điều kiện công nghệ lưu trữ năng lượng còn hạn chế, giá thành cao, việc phát triển điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà luôn phải song hành với việc cơ cấu lại các nguồn điện truyền thống như Nhiệt điện (than, khí, dầu) và tăng tính đáp ứng “thông minh, mềm dẻo” của điều độ hệ thống điện để đảm bảo an toàn toàn hệ thống lưới điện.

Ở Việt Nam để ưu tiên sử dụng các nguồn điện tái tạo, các nhà máy nhiệt điện đang phải chạy ở chế độ non tải, nhưng đồng thời phải sẵn sàng lên lưới để bù tải vào giờ cao điểm khi điện mặt trời không có, dẫn tới hiệu suất thấp, giá thành sản xuất điện cao, độ bền của thiết bị giảm, gia tăng phát thải khí nhà kính cũng như các phát thải khác vào môi trường.

Vì những lý do nêu trên ở các nước điện mặt trời nói chung đều phải được phát triển một cách phù hợp trong tổng thể quy hoạch điện quốc gia.

Ví dụ, Nhật Bản là nước đi đầu trong chuyển dịch năng lượng xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả (bắt đầu từ 1973) tuy nhiên tới năm 2021 tổng công suất lắp đặt điện mặt trời gồm cả điện mặt trời mái nhà mới chiếm khoảng 20,8% tổng công suất các nguồn phát, dự kiến tới năm 2031 con số này mới tăng lên 26,1%.

Trung Quốc nước chiếm hơn 1/3 sản lượng điện mặt trời của toàn thế giới (2023), nhưng cũng chỉ đặt ra kế hoạch tăng tỉ lệ công suất đặt của điện mặt trời từ 2,3% năm 2015 lên 20% so với tổng công suất các nguồn điện vào năm 2030 để đảm bảo đáp ứng các cam kết trong Paris về biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, ở Việt Nam chỉ trong giai đoạn 2018 tới 2022 tỉ lệ tổng công suất đặt của điện mặt trời so với tất cả các nguồn khác trong hệ thống đã tăng từ dưới 1% lên 20,5%. Sự tăng trưởng nóng này đã tạo áp lực rất lớn lên toàn hệ thống điện để đảm bảo an ninh, vận hành ổn định như chúng ta đã biết.

Mặt khác, vì những lý do đã nêu ở trên, tuy điện mặt trời có giá rẻ, nhưng xét tổng thể trong toàn hệ thống điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất và vận hành toàn hệ thống, do làm giảm hiệu suất, tăng suất tiêu hao nhiên liệu, chi phí vận hành, tăng phát thải cho các nhà máy nhiệt điện vốn dùng để chạy tải nền, nay lại phải chạy lái theo điện tái tạo. Việc này cũng giống như các xe buýt vốn chỉ chạy theo tuyến nhưng chở được đồng người nay lại phải chạy đánh võng đón các khách lẻ như tắc xi, làm tiêu tốn nhiều nhiên liệu, tăng nguy cơ mất an toàn cho cả mạng lưới giao thông.

Không những thế, việc này dẫn tới Nhà nước buộc phải tăng giá điện để lấy thu bù chi, tạo gánh nặng cho người tiêu dùng. Chính vì vậy trong Quy hoạch điện VIII đã có sự điều chỉnh, tới năm 2030 chỉ bổ sung 2600 MW của điện mặt trời mái nhà.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về áp lực mà điện mặt trời tạo ra đối với việc đảm bảo an ninh, vận hành ổn định hệ thống điện

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về áp lực mà điện mặt trời tạo ra đối với việc đảm bảo an ninh, vận hành ổn định hệ thống điện

TCCT: Quan điểm của ông thế nào về việc cho phép hay không cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà?

PGS.Nguyễn Việt Dũng: Chính sách được xây dựng nhằm khuyến khích việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để giảm áp lực phải tăng nguồn phát để đảm bảo nhu cầu điện của xã hội đặc biệt trong mùa nắng nóng, cũng như huy động được các nguồn lực xã hội tham gia thị trường điện.

Tuy nhiên, việc đấu nối điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện quốc gia chỉ nên tạm thời dừng ở việc bổ sung lượng điện thiếu hụt khi điện mặt trời không tự sản xuất ra điện, chứ không nên mua bán trong giai đoạn trước mắt (khoảng 5 năm), để các bên liên quan có thể có sự điều chỉnh.

Dù vậy, phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong các khu công nghiệp rất nên được khuyến khích theo quy định cụ thể của Nhà nước. Sắp tới đây hy vọng khi Nghị định quy định cơ chế, chinh sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, cũng như Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó có quy định về thí điểm thị trường trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon từ năm 2025, vận hành chinh thức từ năm 2028, và các văn bản pháp luật liên quan, sẽ tạo cơ chế và chinh sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà đúng hướng, bình đẳng về chính sách cho các bên liên quan.

TCCT: Ông có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong vấn đề này?

PGS.Nguyễn Việt Dũng: Nhìn chung với các nước Bắc Á cũng như các nước trong khối ASEAN đều có chung xu hướng, khuyến khích hỗ trợ điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà, tuy nhiên tuân thủ theo quy hoạch điện tránh phát triển nóng.

Bên cạnh đó cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng dần điều chỉnh theo hướng giảm dần sự trợ giá khi mua lại điện mặt trời mái nhà dư thừa (Australia), chuyển sang theo điều tiết của thị trường, hỗ trợ thông qua vay ưu đãi, giảm thuế thu nhập để phát triển dự án điện mặt trời mái nhà (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc).

Trong đó cơ chế hỗ trợ gián tiếp thông qua thị trường trao đổi tín chỉ các-bon, chứng chỉ năng lượng tái tạo cũng là công cụ đáng chú ý.

Tuy nhiên việc thúc đẩy điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam rất nên theo tình hình thực tế, tránh lặp lại việc đầu cơ trục lợi chính sách dẫn tới tăng trưởng nóng, làm mất cân đối nguồn điện, tạo áp lực tăng giá điện.

TCCT: Đối với Dự thảo Nghị định mà Bộ Công Thương đang xây dựng, ông đánh giá thế nào về nội dung Dự thảo? Theo ông cần chú ý đến những vấn đề gì để Nghị định “bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu khuyến khích một cách thực chất, khả thi trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; đảm bảo việc đề xuất chính sách không được sơ hở dẫn đến việc lợi dụng chính sách” như Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo?

PGS.Nguyễn Việt Dũng: Trong cuộc họp tham vấn chính sách 4/5/2024 do Bộ Công Thương tổ chức đã có rất nhiều ý kiến đồng góp rất hay của các chuyên gia, tôi xin phép nêu bổ sung vài ý sau:

- Nên bổ sung trong nội dung về sử dụng trao đổi điện mặt trời mái nhà không đấu nối vào lưới tại các khu công nghiệp và các cụm dịch vụ thương mại (nạp xe điện) trong Nghị định;

- Nên có khuyến khích ở vùng sâu vùng xa và vùng cần phát triển điện tái tạo để bù nhu cầu khi lưới điện Quốc gia chưa tới hoặc khó đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải;

- Có cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà đi kèm theo hệ thống tích trữ năng lượng để tối đa giảm sự phụ thuộc điện lưới;

- Cần có quy hoạch về điện mặt trời mái nhà. Khuyến khích không giới hạn điện mặt trời mái nhà có thiết bị lưu trữ không bán điện dư lên lưới. EVN nên đưa ra khung phát triển điện mặt trời mái nhà theo từng khu vực;

- Nên có yêu cầu cụ thể đảm bảo an toàn, môi trường của điện mặt trời mái nhà.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Thy Thảo (thực hiện)

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/pgs-nguyen-viet-dung--khong-nen-mua-ban-dien-mat-troi-mai-nha-trong-giai-doan-5-nam-toi-121018.htm