Palestine rút khỏi vai trò Chủ tịch Liên đoàn Arab
Ngày 22/9, Palestine đã tuyên bố rút khỏi vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên đoàn Arab (AL) để phản đối việc hai quốc gia Arab là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại thành phố Ramallah ở Bờ Tây, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki nêu rõ: "Nhà nước Palestine từ chối lưu vào sử sách mối liên hệ giữa nhiệm kỳ chủ tịch của mình với sự thụt lùi về các giá trị và nguyên tắc đã thể hiện rõ ràng trong cuộc họp gần nhất của hội đồng các ngoại trưởng".
Quyết định trên được Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki thông báo sau khi các thành viên AL không thể nhất trí về dự thảo nghị quyết lên án các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa UAE và Bahrain với Israel. Ông nhấn mạnh với Palestine, chứng khiến các nước Arab hướng tới bình thường hóa một cách tự do với Israel trong thời gian Palestine làm chủ tịch luân phiên của Hội đồng AL không phải một điều vinh dự. Ông khẳng định: "Sự tự do bình thường hóa này là sự vi phạm trắng trợn các quyết định được đưa ra tại các hội nghị thượng đỉnh Arab liên quan Sáng kiến Hòa bình Arab".
Theo Sáng kiến Hòa bình Arab năm 2002, các quốc gia Arab chỉ có thể bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel sau khi Tel Aviv chấm dứt chiếm đóng quân sự tại các vùng lãnh thổ của Palestine và các nước Arab.
Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Palestine cũng nêu rõ: "Quyết định này không có nghĩa là chúng tôi sẽ từ bỏ vị trí của mình trong liên đoàn, vì điều đó sẽ tạo ra khoảng trống có thể nảy sinh những kịch bản khác nhau... Chúng tôi không muốn điều ấy xảy ra trong thời điểm nhạy cảm này... Nhà nước Palestine là một thành viên của AL và luôn nỗ lực nâng cao vai trò và vị thế của liên đoàn."
Palestine đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên AL hồi đầu tháng này và lẽ ra sẽ duy trì cương vị ấy cho tới tháng 3/2021.
Trước đó, trong một cuộc họp của Hội đồng AL tại Cairo (Ai Cập) với sự tham dự của các ngoại trưởng 22 thành viên, phái đoàn Palestine đã đệ trình một dự thảo nghị quyết phản đối ý định ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, Bahrain thông báo đạt được thỏa thuận tương tự với Nhà nước Do Thái.
Cả hai thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE cũng như giữa Israel và Bahrain đều được ký tại Washington (Mỹ) vào ngày 15/9. Những thỏa thuận này đã phá bỏ chính sách tồn tại suốt nhiều năm qua của AL đối với cuộc xung đột Israel - Palestine và bị người dân Palestine lên án là một "sự phản bội".