Ôn tập cho học sinh khi thực hiện Thông tư số 29
Tận dụng tối đa thời gian dạy học chính khóa để truyền thụ kiến thức cho học sinh; tăng cường hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu tài liệu; giao bài tập về nhà; phối hợp với phụ huynh học sinh trong kiểm tra, giám sát việc học của học sinh tại nhà... là những giải pháp linh hoạt đang được nhiều trường học tại tỉnh triển khai thực hiện để việc dạy học, ôn thi cho học sinh khối lớp 9 và lớp 12 đạt hiệu quả khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo quy định về dạy thêm, học thêm (viết tắt là Thông tư số 29) có hiệu lực.

Tiết học của học sinh khối lớp 12 Trường THPT Khoái Châu (Khoái Châu)
Năm học 2024 - 2025, Trường THCS Thủ Sỹ (Tiên Lữ) có 153 học sinh khối lớp 9. Thầy giáo Ðoàn Mạnh Kiên, Hiệu trưởng Trường THCS Thủ Sỹ cho biết: Ðây là khóa học sinh đầu tiên thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có nhiều thay đổi trong nội dung, hình thức ra đề thi nên sẽ rất khó cho học sinh nếu không được ôn tập kỹ lưỡng. Thông tư số 29 có quy định nhà trường được tổ chức dạy thêm cho học sinh ôn thi cuối cấp với thời lượng không quá 2 tiết/môn/tuần, nếu để ôn tập cho học sinh như vậy là quá ít. Vì thế, Ban Giám hiệu trường yêu cầu các tổ bộ môn điều chỉnh kế hoạch ôn thi cho học sinh cuối cấp cụ thể, chi tiết, bám sát nội dung trọng tâm, xây dựng ngân hàng đề thi là các bài tập theo chủ điểm, chủ đề để phù hợp với thời lượng ôn thi theo quy định mới (2 tiết/tuần/môn).
Khi Thông tư số 29 có hiệu lực, để việc ôn thi cho học sinh khối 12 đạt hiệu quả cao nhất, Trường THPT Phạm Ngũ Lão (Ân Thi) đã điều chỉnh kế hoạch dạy học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên nâng cao tinh thần tự nguyện giúp đỡ học sinh trong công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Ðồng thời, yêu cầu các tổ bộ môn điều chỉnh kế hoạch ôn thi tốt nghiệp cụ thể, chi tiết, bám sát nội dung trọng tâm, xây dựng ngân hàng các bài tập theo chủ điểm, chủ đề và theo đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, phù hợp với thời lượng ôn thi theo quy định mới (2 tiết/tuần/môn).
Ðã có hơn 20 năm đứng trên bục giảng và nhiều năm kinh nghiệm dạy ôn thi tốt nghiệp cho học sinh khối lớp 12, cô giáo Nguyễn Quốc Vương, Trường THPT Phạm Ngũ Lão cho biết: Thông tư số 29 với nhiều đổi mới tích cực khuyến khích tinh thần tự học của học sinh, rèn luyện cho các em cách tự học, tự lập kế hoạch cá nhân để đạt mục tiêu đề ra. Ðể đồng hành cùng học sinh cuối cấp trong thời điểm hiện tại, ngoài việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy, tôi thường xuyên hướng dẫn học trò cách ôn tập hiệu quả và cung cấp tài liệu ôn tập chất lượng, phù hợp với xu hướng thi cử nhằm giúp học sinh đạt kết quả cao. Chúng tôi trên tinh thần là hỗ trợ học sinh mọi lúc, mọi nơi, khi nào các em cần thì có thể kết nối qua zalo để trao đổi bài học kịp thời.
Thời điểm hiện tại, song song với việc tăng cường ôn luyện, giúp học sinh bù đắp những lỗ hổng kiến thức thì việc hỗ trợ giúp các em giảm tâm lý lo âu, căng thẳng trước kỳ thi cũng là việc được các thầy, cô giáo đặc biệt lưu ý. Em Vũ Hoàng Quỳnh Như, học sinh lớp 9B, Trường THCS Phùng Hưng (Khoái Châu) tâm sự: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay có nhiều điểm mới, trong đó môn Ngữ văn không có ngữ liệu trong sách giáo khoa, khiến em lo lắng. Thời gian qua, với sự đồng hành, tâm huyết của các thầy, cô giáo đã giúp em nhanh chóng lấy lại tinh thần và vững tin bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT.
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có gần 14.300 học sinh khối lớp 9 và hơn 20.000 học sinh khối lớp 12. Ðồng chí Phan Xuân Quyết, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo cho biết: Ðây là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT được tổ chức theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ðể bảo đảm chất lượng của các kỳ thi khi Thông tư số 29 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, Sở Giáo dục và Ðào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với quy định mới tại Thông tư số 29, trong đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, coi đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng giảng dạy; thực hiện linh hoạt giải pháp nâng cao chất lượng giờ dạy chính khóa; phân hóa đối tượng học sinh, từ đó ưu tiên bố trí giáo viên hướng dẫn, giúp đỡ học sinh tự học tập và ôn luyện theo cá nhân hoặc nhóm học tập. Ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt dạy ôn thi cuối cấp cho học sinh. Các trường phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc quản lý học sinh, đặc biệt là quản lý giám sát học sinh tự học, tự nghiên cứu trong thời gian không học ở trường. Nhiều trường trên địa bàn tỉnh khẳng định sẽ tiếp tục duy trì hoạt động ôn tập cho học sinh cuối cấp theo những cách thức phù hợp với quy định và điều kiện thực tế nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất. Trước kỳ thi cuối cấp sắp tới, mỗi học sinh cần thường xuyên trao đổi với giáo viên, bạn bè để giải đáp những thắc mắc về kỳ thi sắp tới; xây dựng cho bản thân kế hoạch ôn tập phù hợp và tuân thủ theo đúng kế hoạch. Các bậc phụ huynh học sinh cần đồng hành, hỗ trợ con em mình trong quá trình ôn tập. Các trường học có kế hoạch cụ thể đảm bảo chất lượng ôn tập cho học sinh, kể cả việc dạy học miễn phí và tạo môi trường học tập thân thiện giúp học sinh giải tỏa căng thẳng, áp lực, vững tâm lý bước vào kỳ thi sắp tới.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/on-tap-cho-hoc-sinh-khi-thuc-hien-thong-tu-so-29-3179908.html