Công thức quy đổi điểm xét tuyển đại học của các trường ra sao?

Bộ GD&ĐT yêu cầu quy tắc quy đổi điểm tương đương phải đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho việc áp dụng. Hiện, một số trường đã có công thức quy đổi dự kiến.

 Thí sinh trong kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hust.

Thí sinh trong kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hust.

Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh bằng ba phương thức, gồm xét tuyển tài năng, xét điểm thi đánh giá tư duy (TSA) và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm nay, các trường phải quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển về thang chung.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết điểm xét theo phương thức xét tuyển tài năng và điểm thi TSA dự kiến được quy đổi tương đương với điểm của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, theo công thức: y = ax + b.

Ví dụ, y là điểm quy đổi tương đương từ điểm xét của kết quả thi TSA (thang 100); x là điểm xét theo điểm thi THPT (thang 30); a, b là các hệ số quy đổi.

Lưu ý, các hệ số a, b có giá trị hằng số trong một khoảng điểm xét do các trường quy định (nếu các trường áp dụng cách này).

Thí sinh có điểm xét nằm trong khoảng nào thì sẽ tra cứu được hệ số a, b cụ thể để tính quy đổi. Giá trị hệ số a, b và số khoảng điểm trong một dải điểm được các trường tính toán và công bố (dạng bảng số) và thường dao động từ 3-4 khoảng nếu căn cứ theo phổ điểm thi các năm trước.

Theo ông Điền, việc xác định giá trị các hệ số quy đổi và chia khoảng phải căn cứ vào một số yếu tố như: Phổ điểm kết quả thi của thí sinh, phương thức ưu tiên của trường, chất lượng tuyển của phương thức áp dụng.

"Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ chia thành 4 khoảng điểm. Hệ số a, b sẽ được xác định khi chính thức có phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025", ông Điền cho biết.

Tuy nhiên, ông cho rằng các trường cần xác định các hệ số quy đổi theo hướng công bằng nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT có thể giảm cơ hội trúng tuyển khi trường quá ưu tiên hệ số quy đổi cao cho các phương thức khác như thi đánh giá năng lực, tư duy, chứng chỉ quốc tế...

Trước đó, tại đề án tuyển sinh 2025, một số trường cũng đã có phương thức quy đổi dự kiến.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, ThS Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Đại học Thương mại, cho biết công thức tính điểm xét tuyển của các phương thức được tính toán kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.

Trường căn cứ điểm chuẩn của 3 năm gần nhất, so sánh với kết quả học tập của những thí sinh trúng tuyển theo các phương thức này. Đây là dữ liệu để tính toán, đưa ra công thức xét tuyển năm 2025.

Với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, điểm xét tuyển tính theo công thức sau:

Trong đó: Ka, Kb là hệ số phản ánh sự chênh lệch về độ khó của bài thi/phân hóa trình độ thí sinh.

Ông Trung cho biết sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm các kỳ thi riêng, trường sẽ công bố hệ số Ka, Kb, căn cứ trên việc phân tích số liệu, phổ điểm của các đơn vị khảo thí và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Từ đó, trường tổng hợp kết quả, so sánh, đặt hệ số này tương ứng ở các mức điểm khác nhau để đảm bảo công bằng một cách tương đối giữa các nhóm thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và nhóm thí sinh xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Theo dự thảo hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu quy tắc quy đổi tương đương phải đơn giản, bảo đảm tuyển chọn được các thí sinh đáp ứng tốt nhất yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Các trường sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT (hoặc dữ liệu kết quả học tập bậc THPT) làm gốc để xây dựng quy tắc quy đổi.

Sau đó, các trường căn cứ dữ liệu thống kê, phân tích kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển theo các tổ hợp các năm trước.

Cụ thể, thống kê số lượng thí sinh trúng tuyển theo từng phương thức xét tuyển tối thiểu 2 năm trước liền kề; kết quả học tập của từng sinh viên này tại cơ sở đào tạo.

Trên cơ sở phân tích mối tương quan giữa kết quả học tập và các phổ điểm của các phương thức xét tuyển của cùng nhóm thí sinh; từ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho tới điểm tối đa của thang điểm xét, các trường phải xác định tối thiểu 3 vùng điểm (ví dụ là xuất sắc - giỏi, khá, đạt), từ đó xây dựng tối thiểu ba hàm tương quan tuyến tính (3 hàm bậc nhất) cho các vùng điểm này.

Dựa trên phương án nêu trên, đồng thời căn cứ quy tắc chuẩn được bộ công bố sau khi có kết quả thi thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường căn cứ đặc thù của chương trình đào tạo/ngành/nhóm ngành hoàn thiện quy tắc quy đổi và công bố theo quy định.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cong-thuc-quy-doi-diem-xet-tuyen-dai-hoc-cua-cac-truong-ra-sao-post1542188.html