NUÔI DƯỠNG PHONG TRÀO VĂN NGHỆ QUẦN CHÚNG

Con người nói chung đều thích ca hát, nhảy múa. Qua những hoạt động văn nghệ, từng cá nhân tạo ra được mối liên hệ hòa đồng, gắn bó với cộng đồng.

Trong quân đội, hoạt động sáng tác và biểu diễn của quần chúng không phải mang tính “bề nổi” như ai đó quan niệm, mà thực chất đây là hoạt động nhằm xây dựng văn hóa và con người, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội và nhân dân, góp phần trực tiếp vào việc nuôi dưỡng, hình thành, phát triển nhân cách cán bộ, chiến sĩ theo chuẩn mực con người Việt Nam XHCN.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng LLVT và thanh niên, sinh viên năm 2019 đã đi gần hết chặng đường trên 3 miền Bắc, Trung, Nam của cả nước. Trong những liên hoan khu vực diễn ra trước đó, ban tổ chức đã tìm được nhiều chương trình hay, tiết mục đặc sắc, hạt nhân văn nghệ nổi bật. Những phần thưởng dành cho các tập thể, cá nhân có tiết mục xuất sắc không chỉ là sự ghi nhận của ban tổ chức mà còn là động lực để phong trào văn hóa văn nghệ ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân tiếp tục phát triển.

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Khi phong trào văn hóa văn nghệ tại đơn vị có động lực, điều dễ nhận thấy là mỗi thành viên của đội văn nghệ và mỗi cán bộ, chiến sĩ hòa đồng hơn, cởi mở hơn, tình yêu mến trân trọng đơn vị được nâng cao hơn. Những bài ca truyền thống, những câu chuyện lịch sử được nâng tầm nghệ thuật qua hình thức “sân khấu hóa” đưa lên sàn diễn chính là những bài học giáo dục về chân-thiện-mỹ cho bộ đội. Xem và cảm nhận những tiết mục của đơn vị mình, do chính đồng chí, đồng đội biểu diễn, bộ đội dễ cảm nhận được nội dung, lại thêm động lực “màu cờ sắc áo” tạo nên niềm hứng khởi cho mỗi người. Tựu trung lại, hoạt động văn hóa văn nghệ tại đơn vị cơ sở đã đem lại nhiều lợi ích về văn hóa tinh thần.

Vấn đề là làm sao để duy trì được “lửa” nhiệt tình của phong trào. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp từ hai phía. Đối với người chỉ huy đơn vị phải nắm bắt được thế mạnh trong phong trào văn hóa văn nghệ, cụ thể hơn là nắm bắt được thế mạnh của từng cá nhân trong đơn vị để đưa ra những chỉ đạo phù hợp, đúng, trúng, dễ cho cấp dưới thực hiện. Trước đây, từng có những chỉ huy đơn vị không nắm bắt được điểm này nên đòi hỏi cấp dưới phải thực hiện những tiết mục chưa phù hợp dẫn đến đơn vị phải phụ thuộc vào địa phương kết nghĩa. Thậm chí còn xảy ra tình trạng thuê diễn viên, ca sĩ để lấy thành tích trong liên hoan, hội diễn. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít đơn vị phát huy được thế mạnh sở trường của mình, ví như đơn vị nhiều nam ít nữ thường có thế mạnh về đồng ca, kịch ngắn, tấu nói, ngâm thơ…

Đối với mỗi quân nhân, trước hết phải thấy được trách nhiệm của mình đối với phong trào chung của đơn vị. Đã đành khí chất của từng người khác nhau, năng khiếu, khả năng cũng khác nhau nhưng cũng rất cần sự ủng hộ của mọi người để góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ thêm mạnh. Văn nghệ đối với cá nhân không chỉ dừng lại ở việc tìm niềm vui, xả stress sau giờ huấn luyện, rèn luyện vất vả, mà thực tế còn góp phần nhân lên nhiều năng lực tích cực cho mỗi người. Khi cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác dân vận, nếu biết đàn, hát, hòa vào nhịp sống của người dân địa phương thì tình quân dân càng thêm gần gũi, gắn bó.

Việc duy trì, thúc đẩy phong trào văn nghệ ở đơn vị cơ sở còn góp phần tạo ra môi trường văn hóa, đời sống tinh thần lành mạnh, qua đó thực hiện mục tiêu xây dựng mỗi đơn vị là một điểm sáng văn hóa trên địa bàn đóng quân.

ĐÔNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/nuoi-duong-phong-trao-van-nghe-quan-chung-602513