Nước ngầm chảy đi đâu?

Ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), từ năm 2019 đến 2022 thường xảy ra sụt lún, nứt nẻ nhà cửa, giếng cạn nước, đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Tại đây, Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang được phép khai thác quặng thiếc, có tiến hành bơm hút nước ngầm dưới lòng đất. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã đến hiện trường kiểm tra, UBND huyện Quỳ Hợp phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đã nhiều lần cử đoàn công tác điều tra, nắm tình hình, rồi bỏ ra 1 tỷ đồng thuê Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ khảo sát, xác định nguyên nhân gây sụt lún, nhưng chỉ đưa ra nhận định chung chung là do cạn kiệt nguồn nước ngầm, còn do đâu nguồn nước ngầm cạn kiệt thì chưa biết.

Hố tử thần xuất hiện ở xã Châu Hồng là do tụt mạch nước ngầm. Ảnh minh họa: vov.vn

Nước ngầm chảy đi đâu, khi mà đến giữa năm 2022, do sụt lún nhiều quá, người dân hoang mang lo sợ, UBND huyện kiên quyết yêu cầu Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang tạm dừng hoạt động khai thác thì hiện tượng sụt lún đất chấm dứt và các giếng nhà dân dần có nước trở lại? Mới đây, dù vẫn chưa biết nước ngầm chảy đi đâu nhưng Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang đã bỏ ra hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ 447 hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại do sụt lún đất.

Vẫn biết việc đưa ra nhận định, kết luận về một hiện tượng biến đổi tự nhiên là rất khó khăn trong điều kiện trình độ khoa học, kỹ thuật nước ta còn nhiều hạn chế. Nhưng rõ ràng dưới lòng đất xã Châu Hồng là hệ thống hang caster và suối ngầm chứa đầy nước chảy trong lòng đất kéo dài khoảng 25km.

Hàng triệu năm qua, mặt đất Châu Hồng bình lặng và trên đó, cư dân hàng ngàn đời sinh sống, gieo trồng yên ổn, vậy nhưng khi có doanh nghiệp bơm hút nước ngầm để khai thác khoáng sản thì dẫn đến sụt lún đất; ngừng bơm hút thì ngừng sụt lún. Logic vấn đề rõ ràng như thế, phải chăng là quá khó hiểu đối với các cấp, các ngành quản lý và chuyên gia địa chất học?

Nguồn nước ngầm cạn kiệt và sụt lún, nứt nẻ đất trên diện rộng bất thường được lãnh đạo huyện Quỳ Hợp xác định là “vấn đề khó khăn, phức tạp” và công việc xử lý nó là “nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nhằm bảo đảm ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội”.

Trước nhu cầu khách quan của nền kinh tế, chúng ta đành phải chấp nhận một phần sự tác động, ảnh hưởng tiêu cực của ngành khai thác khoáng sản đối với môi trường sinh thái. Tuy nhiên, một yêu cầu cao nhất và đặc biệt quan trọng là phải kiểm soát được những ảnh hưởng, tác động đó để chủ động có phương án ứng phó, xử trí sự cố môi trường một cách bài bản, khoa học và vững chắc.

Với trường hợp ở xã Châu Hồng, giờ đây, do chưa xác định được nguyên nhân, chưa biết nguồn nước ngầm cạn kiệt vì đâu nên đành xác định phương châm “hư hỏng, sụt lún ở đâu thì sửa chữa, khắc phục ở đó”. Sụt ở đâu thì dân ở đó chắc chắn phải dời đi, tài sản của dân, của Nhà nước bị thiệt hại và rồi có chắc sẽ không xảy ra thiệt hại về người?

TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nuoc-ngam-chay-di-dau-722022