Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế
Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.
Bất mãn với triều đình nhà hậu Lê, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra khắp nơi trong nước. Vua Lê Chiêu Thống cảm thấy quyền lực bị đe dọa nên tháng 10/1788 đã cho người sang cầu cứu nhà Thanh. Vua nhà Thanh lúc bấy giờ là Càn Long vốn đã có mưu đồ xâm lược nước ta, nay thêm lời kêu cứu của vua Lê Chiêu Thống, cảm thấy thuận tình và thuận lý nên đã mau chóng hành động, sai Tôn Sĩ Nghị mang 29 vạn quân sang đánh vào nước ta.
Ngày 25/11 năm Mậu Thân (22/12/1788), tại kinh thành Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã chọn khu vực núi Bân (tức Bân Sơn) cho xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung rồi hạ lệnh xuất quân thần tốc, tiến ra Bắc đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh. Cuộc hành quân này đánh dấu một mốc son lịch sử quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Trước đó, di tích Núi Bân này hầu như chưa ai biết tới. Cuối năm 1977, PGS.TS Đỗ Bang là người đầu tiên nghiên cứu và xác minh được di tích núi Bân thuộc xứ Cồn Mồ, xóm Hành, thôn Tứ Tây, xã Thủy An, nay là phường An Tây, TP.Huế. Xưa kia, không rõ núi tên gì. Rất có thể Nguyễn Huệ là người đã đặt tên Bân cho núi với nghĩa: trong và ngoài đều hoàn mỹ. Ngày 18/11/1988, núi Bân đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Năm 2001, tại Hội thảo khoa học Phú Xuân - Thuận Hóa thời Tây Sơn do UBND TP.Huế và Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức, đã có ý tưởng xây dựng bảo tàng, công viên văn hóa và tượng đài Quang Trung tại di tích núi Bân. Năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt dự án đầu tư Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung tại núi Bân và ngày 28/1/2008, công trình được khởi công xây dựng.
Sau hai năm xây dựng, công trình tượng đài Quang Trung ở núi Bân được hoàn thành. Tượng đài cao 12m bằng đá Thanh tạc người anh hùng trong tư thế tay trái cầm đốc kiếm, tay phải tựa vào hông đứng nhìn về hướng bắc. Tượng đặt trên phần bệ cao 9m, phía sau là bức phù điêu dài 50m diễn tả quá trình của phong trào Tây Sơn từ khi khởi phát cho đến khi hoàn thành cơ nghiệp. Bao quanh cụm công trình là sân hành lễ và quảng trường Núi Bân rộng hơn 20.000m2.
Tối 9/1/2010, UBND thành phố Huế tổ chức khánh thành tượng đài Quang Trung và lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, mở đầu cho các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế được bắt đầu bằng một hồi trống trận rền vang, biểu tượng sức mạnh và hào khí của đoàn quân Tây Sơn thuở nào, là hoạt động mở đầu của Festival Huế 2010.
Bắt đầu từ đây, hằng năm vào ngày 25/11 Âm lịch, tại khu tưởng niệm đều diễn ra lễ dâng hương kỷ niệm và lễ hộitái hiện câu chuyện lịch sử về hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và chiến công hiển hách, dũng mãnh, ý chí sắt đá của đại quân bách chiến, bách thắng của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Quang Trung hành quân thần tốc ra Bắc, đánh tan 29 vạn quân Thanh.
Nếu Đống Đa là đỉnh cao chói lọi khiến cho quân cướp nước mỗi lần nhớ lại phải kinh hồn bạt vía, thì núi Bân chính là nơi xuất phát điểm của cuộc hành binh thần tốc, viết nên trang sử hào hùng trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Tại đền thờ Quang Trung ở chân núi Liên Phong, xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa còn lưu hai câu đối trên hai trụ gạch trước cổng đền, tạm dịch: “Tiếng thét của người anh hùng vang dậy từ núi Bân xưa/ Ánh sáng của tòa miếu mạo còn tỏa chiếu nơi cửa Bạng ngày nay”.
Trong cuộc đời hiển hách của vị anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, Tây Sơn - Bình Định là cái nôi phát sinh và nuôi dưỡng phong trào nông dân yêu nước cuối thế kỷ XVIII, để rồi cuối cùng trở thành động lực quyết định của lịch sử trong sự nghiệp chiến thắng ngoại xâm, thống nhất đất nước lúc bấy giờ. Còn Huế là kinh đô 1786 - 1801, không chỉ có Bân Sơn mà ở đây còn xác định có nhiều di tích của Vương triều Tây Sơn nhưng đến nay vẫn chưa được biết đến.
Hằng năm, cứ vào mùng 5 Tết Nguyên đán, khi phố phường thủ đô, những cành đào xuân vẫn đâm lộc nở hồng, thì người Hà Nội sớm ấy, đã nô nức đổ về phía Tây Nam thành phố đến gò Đống Đa (thuộc quận Đống Đa) dự lễ hội chiến thắng, mừng công tích lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do Quang Trung - Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo.
Cũng vào đầu xuân, Bình Định có lễ hội Đống Đa - Tây Sơn - Bình Định được tổ chức tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong - Tây Sơn từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch. Đây là những lễ hội lớn của đất nước trong những ngày đầu xuân để tưởng nhớ tới người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Cùng với Hà Nội và Bình Định, Thừa Thiên Huế tự hào về lễ hội Quang Trung ở núi Bân gắn liền với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, trước khi tiến quân ra Bắc chinh phạt quân Thanh và tay sai. Lễ hội Quang Trung trong thời điểm giáp Tết góp phần tôn vinh vị thế và tầm vóc của Huế với tư cách là thành phố lễ hội của Việt Nam./.