Nửa năm BIDV lãi hơn 15.500 tỷ đồng

BIDV là ngân hàng quốc doanh đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm với khoản lợi nhuận trước thuế bán niên hơn 15.500 tỷ đồng.

 BIDV đang là ngân hàng có lãi bán niên cao thứ 2 hệ thống, sau Techcombank. Ảnh: Quỳnh Trang.

BIDV đang là ngân hàng có lãi bán niên cao thứ 2 hệ thống, sau Techcombank. Ảnh: Quỳnh Trang.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (HoSE: BID) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II với khoản thu nhập lãi thuần đạt 14.838 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước.

Các khoản thu ngoài lãi của ngân hàng như hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư đều ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số trong quý vừa qua.

Trong khi đó, các khoản thu nhập từ hoạt động khác cũng giúp BIDV thu về 2.046 tỷ đồng (+45%); lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối mang về 1.726 tỷ đồng (+120%). Thậm chí, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng đã tăng gần 17 lần, mang về 513 tỷ đồng.

Ngược lại, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh sụt giảm, cùng chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhẹ.

Kết quả, trong 3 tháng gần nhất, ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội này đã thu về 8.159 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp của ngân hàng là 6.534 tỷ đồng, tăng tương ứng 18%.

Đáng chú ý, đây là mức lợi nhuận quý kỷ lục từ trước đến nay của BIDV và cao nhất trong các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II đến nay.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV lãi trước thuế 15.549 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi sau thuế của ngân hàng đạt 12.450 tỷ đồng.

Với khoản lợi nhuận bán niên kể trên, BIDV hiện xếp thứ 2 trong danh sách các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng (sau Techcombank với khoản lãi 15.628 tỷ đồng).

So với đầu năm, tổng tài sản của ngân hàng quốc doanh này đã tăng gần 10% lên mức 2,52 triệu tỷ đồng. Cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng cùng tăng gần 6%, lần lượt đạt mức 1,84 triệu tỷ và 1,8 triệu tỷ đồng.

Đi cùng đà tăng của dư nợ cho vay, số dư nợ xấu tại ngân hàng này cũng tăng 28% so với cuối năm trước, hiện ở mức gần 18.700 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ theo đó tăng từ 1,26% lên 1,52%.

Tại thời điểm cuối quý II, BIDV còn ghi nhận khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tăng đột biến từ gần 35.900 tỷ đồng đầu năm lên trên 131.100 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 4 lần chủ yếu do tăng khoản nợ từ tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/nua-nam-bidv-lai-hon-15500-ty-dong-post1489161.html