Nữ sinh khiếm thị Trường Đại học Sư phạm Hà Nội truyền cảm hứng bằng niềm đam mê với tiếng Anh

Vũ Ngọc Thành (24 tuổi) là một sinh viên khiếm thị đang theo học ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sinh ra với bao thiệt thòi và trở ngại trong cuộc sống, nhưng Thành chưa từng có ý định đầu hàng trước số phận. Vượt qua bóng tối, Thành trở thành nguồn truyền cảm hứng cho rất nhiều người.

Thành là chị cả trong một gia đình 5 người gồm: bố, mẹ, Thành và hai em gái. Bố Thành làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh, mẹ Thành làm công nhân lao công với mức lương thấp. Từ khi chào đời, số phận đã không mỉm cười với Thành và em gái sinh đôi khi mắt của cả hai đều gặp vấn đề khuyết tật thị giác. Trong khi người em gái sinh đôi may mắn còn sót lại thị lực một bên thì đôi mắt Thành vĩnh viễn không nhìn thấy được ánh sáng.

Vũ Ngọc Thành (24 tuổi) là một sinh viên khiếm thị đang theo học ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Vũ Ngọc Thành (24 tuổi) là một sinh viên khiếm thị đang theo học ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Từ năm 2 tuổi rưỡi cho đến lúc lên 9 tuổi, khi bố mẹ phải đi xuất khẩu lao động ở xa, Thành được ông bà nuôi dưỡng. Dù bị khiếm thị bẩm sinh nhưng nhờ tình yêu và sự chăm sóc của ông bà, Thành đã sớm có cơ hội được tiếp xúc với môi trường giáo dục đầy đủ. "Đặc biệt, ông nội đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và đưa mình đến với Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Khi mình còn là một đứa trẻ ham chơi, chính ông đã kiên nhẫn đến lớp cùng mình, học chữ nổi để về dạy thêm cho mình. Trải qua những năm tháng tiếp theo, ông vẫn luôn là người đồng hành cùng mình trên con đường học tập. Hễ có bài nào khó, mình đều hỏi ông." - Thành chia sẻ.

Trong thời gian theo học tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Thành có cơ hội được tiếp xúc với nhiều tình nguyện viên nước ngoài đến giảng dạy tiếng Anh ở đây. Từ đó, Thành bắt đầu nhận ra sự thú vị của ngôn ngữ này và quyết định theo đuổi nó khi bước lên Đại học.

Thành cho biết: "Khi đưa ra lựa chọn này, mình đã có chút vốn tiếng Anh. Thêm nữa, ngành học này sẽ đem đến nhiều cơ hội việc làm cho mình hơn ở tương lai, đặc biệt là trong những môi trường cần sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện trao đổi".

 Thành vẫn đang phát triển thêm các kĩ năng chuyên môn cũng như khám phá các kĩ năng mới để có thể tìm kiếm thêm cơ hội cho bản thân.

Thành vẫn đang phát triển thêm các kĩ năng chuyên môn cũng như khám phá các kĩ năng mới để có thể tìm kiếm thêm cơ hội cho bản thân.

Tuy nhiên, quá trình học tập của những người khiếm thị thường gặp nhiều thử thách hơn so với người bình thường, do họ cần dành thêm thời gian để rèn luyện và tiếp thu kiến thức mới. Vì vậy, khi lên Đại học, Thành cũng gặp một số trở ngại nhất định như: không nhìn thấy được hình ảnh, slide trình chiếu trên lớp học; khả năng đi lại bị hạn chế trong một môi trường rộng lớn, lạ lẫm. Thêm vào đó, Thành cũng cho biết: "Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh sẽ phải học những ký hiệu liên quan đến phát âm. Nhưng phần mềm của người khiếm thị lại không tiếp cận được với các dạng ký hiệu này".

Nhưng trong mọi khó khăn, Thành luôn tìm kiếm được giải pháp thay thế. Xuyên suốt thời gian học tập trên giảng đường, Thành luôn có một người bạn thân đồng hành cùng mình. Khi Thành gặp khó khăn trong việc tiếp cận hình ảnh hoặc chữ viết trên bảng, người bạn này luôn sẵn sàng hỗ trợ Thành.

Bên cạnh việc học tập tại trường, Thành còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhằm rèn luyện và phát triển bản thân. Thành là thành viên của nhiều câu lạc bộ dành cho người khiếm thị, hội khuyết tật và hiện đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật phường Vĩnh Phúc. Cùng với nhóm bạn, Thành cũng tổ chức thành công một số dự án, sự kiện hỗ trợ người khiếm thị.

Trong thời gian theo học tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Thành có cơ hội được tiếp xúc với nhiều tình nguyện viên nước ngoài đến giảng dạy tiếng Anh ở đây.

Trong thời gian theo học tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Thành có cơ hội được tiếp xúc với nhiều tình nguyện viên nước ngoài đến giảng dạy tiếng Anh ở đây.

Ngoài ra, Thành còn tham gia hoạt động tình nguyện và làm thêm các công việc liên quan đến chuyên ngành của mình để trau dồi kỹ năng chuyên môn. Ví dụ như tham gia gỡ băng tiếng Việt cho Dự án Scrivi cùng những bạn trẻ khiếm thị khác hay biên dịch tài liệu cho Clever Hand Library - Thư viện sách xúc giác cho trẻ khiếm thị đầu tiên tại Việt Nam,... Thành cũng có kinh nghiệm thực tập và tình nguyện dạy học tiếng Anh cho các bạn nhỏ khiếm thị tại Tổ chức Vietnam And Friends (VAF).

"Thông qua những trải nghiệm hoạt động xã hội và công việc chuyên môn, mình đã học hỏi được rất nhiều điều từ các anh chị và các bạn đồng nghiệp. Đặc biệt, khi được giảng dạy cho những bạn khiếm thị nhỏ tuổi, mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi chính một người khiếm thị như mình cũng có thể đem kiến thức bản thân trao dồi được truyền đạt cho các bạn nhỏ, để rồi chính các bạn sẽ là những người thắp lên ngọn lửa cho thế hệ mai sau" - Thành tâm sự.

Đối với mục tiêu và dự định tương lai, mục tiêu của Thành là được làm việc trong môi trường nước ngoài. Tuy nhiên, Thành cũng nhận thấy nhiều nhà tuyển dụng vẫn còn e ngại và chưa hình dung rõ ràng được về khả năng làm việc và hòa nhập của người khiếm thị trong môi trường làm việc chung. Do đó, Thành vẫn đang phát triển thêm các kĩ năng chuyên môn cũng như khám phá các kĩ năng mới để có thể tìm kiếm thêm cơ hội cho bản thân. Đồng thời, Thành cũng chia sẻ: "Tương lai của chúng ta không chỉ tồn tại thành công mà còn ẩn chứa cả những thử thách. Mình hi vọng rằng tất cả chúng ta hãy cố gắng vượt qua khó khăn và luôn giữ vững đam mê, ước mơ trong mình. Đừng bỏ cuộc, thành công luôn luôn đi kèm với sự vất vả, hy sinh. Những sự hy sinh đấy sẽ giúp chúng ta trở nên là một phiên bản tốt hơn trong tương lai".

(Ảnh: NVCC)

Dương Phạm

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nu-sinh-khiem-thi-truong-dai-hoc-su-pham-ha-noi-truyen-cam-hung-bang-niem-dam-me-voi-tieng-anh-post1652212.tpo