Nữ cán bộ đam mê số hóa lĩnh vực Tư pháp
Không chỉ hoàn thành tốt trọng trách quản lý nhà nước về công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước, bà Đặng Thị Hà (SN 1979, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp – Sở Tư pháp TP Hải Phòng) còn là một trong những trụ cột chính trong việc tham mưu triển khai thực hiện Đề án Số hóa sổ hộ tịch lịch sử, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số ngành Tư pháp TP Cảng.
Một phương pháp, nhiều mục đích hiệu quả
Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, bà Đặng Thị Hà công tác tại Sở Tư pháp TP Hải Phòng với vị trí chuyên viên phòng Hộ tịch – quốc tịch (nay là Phòng Hành chính tư pháp). Sau 18 năm gắn bó với ngành, trải qua nhiều cương vị, nhiệm vụ khác nhau, năm 2022, bà Hà được bổ nhiệm là Trưởng phòng Hành chính tư pháp– Sở Tư pháp TP Hải Phòng.
Lĩnh vực bà Hà phụ trách trực tiếp liên quan đến những thủ tục hành chính (TTHC) thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của nhân dân như hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, do đó, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này mang tính quyết định cho công cuộc chuyển đổi số ngành Tư pháp. Ngay từ ban đầu, bà Hà xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, đó là những “viên gạch” nền móng của chuyển đổi số - một khái niệm không còn mới mẻ trong thời đại 4.0 hiện nay.
Hải Phòng may mắn là 01 trong 04 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được Bộ Tư pháp lựa chọn thí điểm thực hiện Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử. Qua hơn 01 năm triển khai thí điểm, nhận thức được những tiện ích và giá trị Phần mềm mang lại trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch của ngành tư pháp nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung, bà Hà đã đề xuất với các cấp lãnh đạo cho phép triển khai thực hiện phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung cho các việc hộ tịch từ năm 2017.
Như vậy, Hải Phòng là 1 trong 09 tỉnh, TP đầu tiên trên toàn quốc triển khai thực hiện Phần mềm này. Hiện tại, Phần mềm hộ tịch đã được các cơ quan đăng ký hộ tịch của TP sử dụng và khai thác rất hiệu quả trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân. Hiện, Phần mềm đã kết nối chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Hệ thống một cửa điện tử/dịch vụ công trực tuyến của TP để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em và thực hiện các TTHC, TTHC liên thông và đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Xác định được mục tiêu để chuyển đổi số trong ngành tư pháp là phải hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử - cơ sở dữ liệu gốc quản lý thông tin hộ tịch của cá nhân một cách có hệ thống, thống nhất - cung cấp dữ liệu đầu vào chính xác cho các Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, bà Hà cùng tập thể phòng Hành chính tư pháp nỗ lực xây dựng Đề án số hóa Sổ hộ tịch lịch sử của TP Hải Phòng.
Và ngày 18/11/2021, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 3336/QĐ-UBND phê duyệt Thuyết minh và dự toán hoạt động ứng dụng CNTT:Đề án số hóa sổ hộ tịch lịch sử của TP Hải Phòng (sau đây gọi là Đề án) với tổng mức đầu tư làm tròn là 43 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021-2023, giao Sở Tư pháp là chủ đầu tư. Hiện, Đề án đang hoàn thiện thủ tục đấu thầu và bước vào giai đoạn tăng tốc để đảm bảo đúng tiến độ thi công số hóa dự kiến từ tháng 5/2022. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, Hải Phòng là đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện Phần mềm hộ tịch và số hóa sổ hộ tịch lịch sử bài bản nhất cả nước.
Bà Hà chia sẻ: Hải Phòng có khoảng hơn 3 triệu dữ liệu hộ tịch lịch sử đang được lưu trữ trên Sổ hộ tịch giấy. Với 3 triệu dữ liệu hộ tịch lịch sử được thực hiện số hóa và phê duyệt trong 02 năm đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ tư pháp cơ sở. Trước đây, mỗi cán bộ tư pháp cấp xã, phường phải giải quyết từ 400 đến 1000 dữ liệu hộ tịch mới phát sinh/1 năm. Nay, mỗi công chức phải kiểm tra và phê duyệt thêm 5000 dữ liệu hộ tịch lịch sử/năm trong khi vẫn phải đảm bảo công tác đăng ký hộ tịch thường xuyên tại đơn vị nên phần công việc này đa phần phải thực hiện ngoài giờ hành chính. Khối lượng công việc tăng nhưng lượng biên chế không có cơ hội bổ sung thêm cũng là khó khăn phát sinh trước mắt đối với ngành Tư pháp.
“Niềm vui là được phục vụ nhân dân”
Trước khi bắt tay triển khai chuyển đổi số, bà Hà cũng hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách quản lý nhà nước về công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước. Tâm huyết với nghề, bà Hà cùng các đồng nghiệp đã đưa công tác hộ tịch của Hải Phòng đi vào hoạt động ổn định, nền nếp, nâng dần tỷ lệ đăng ký hộ tịch đảm bảo mục tiêu Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch. Trong năm 2021, toàn TP Hải Phòng đã đăng ký 44.737 trường hợp khai sinh, 8.743 trường hợp kết hôn, 10.691 trường hợp khai tử; phối hợp cấp số định danh cho 25.205 cho trẻ (đạt 100%).
Bà Hà cùng các cộng sự cũng đảm bảo tiến độ xác minh quốc tịch, nhân thân nhân sự tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; xác minh thông tin quốc tịch cho hơn 100 trường hợp theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị có liên quan; giải quyết các trường hợp xác nhận có quốc tịch Việt Nam, xác nhận là người gốc Việt Nam và xin trở lại quốc tịch VN… Trong năm 2021, Hải Phòng không phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước.
Trong năm 2021, bà Hà đã tham mưu Lãnh đạo Sở Tư pháp hướng dẫn UBND quận, huyện, xã phường thị trấn triển khai thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, làm thay đổi căn bản việc thực hiện TTHC lĩnh vực chứng thực bản sao từ bản chính trên môi trường giấy truyền thống sang môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết việc chứng thực bản sao từ bản chính cho người dân đặc biệt là chứng thực bản sao giấy khám sức khỏe phục vụ việc cấp đổi Giấy phép lái xe trực tuyến cấp độ 4 tại TP Hải Phòng.
Chia sẻ bí quyết nhanh chóng giải quyết các vụ việc phức tạp của công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, bà Hà tâm sự: “Pháp luật mang tính nguyên tắc, đời sống xã hội lại liên tục thay đổi. Với những vấn đề liên quan đến lợi ích “sát sườn” của người dân như trên, trước hết người cán bộ phải biết áp dụng các quy định pháp luật một cách linh hoạt, tìm cách tháo gỡ cho nhân dân. Trên thực tế, bà Hà cùng các đồng nghiệp đã trao đổi, xin ý kiến Bộ Tư pháp về nhiều vụ việc vướng mắc để vừa đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật vừa đảm bảo quyền, lợi ích người dân”.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong công tác hành chính tư pháp, bà Hà cùng đồng nghiệp đã biên soạn, phát hành nhiều tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu; biên soạn 80.000 tờ gấp tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, nuôi con nuôi trong nước và chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Với vai trò “thủ lĩnh”, bà Hà cũng trực tiếp làm báo cáo viên tập huấn nghiệp vụ, tham gia Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác giải quyết TTHC tại các quận, huyện, xã, phường, thị trấn để đảm bảo việc thực hiện TTHC lĩnh vực tư pháp tại cấp cơ sở được giải quyết đúng quy định, đảm bảo đúng thành phần, đơn giản hóa hồ sơ theo quy định. Nhờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Trưởng phòng Hành chính tư pháp Đặng Thị Hà đã được UBND TP Hải Phòng khen thưởng vì có thành tích trong việc thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.
18 năm qua, hàng ngày, công việc của bà Hà đều gắn với văn bản, giấy tờ khá khô cứng. “Chỉ có đam mê và quan niệm được phục vụ nhân dân là niềm vui mới là chất “kết dính” chắc chắn nhất khiến tôi ngày càng say nghề hơn”, bà Hà chia sẻ.
Với những nỗ lực, cống hiến trong công việc, liên tiếp trong 2 năm 2019, 2020, Phòng Hành chính Tư pháp đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, nhận Bằng khen của UBND TP Hải Phòng với danh hiệu đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua. Đối với Trưởng phòng Hành chính tư pháp Đặng Thị Hà, nhiều năm liền, bà đều là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được UBND TP tặng Bằng khen…
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nu-can-bo-dam-me-so-hoa-linh-vuc-tu-phap-post442594.html