Nữ cán bộ Công đoàn năng động, hết lòng chăm lo lao động nữ
Ở Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội) ai cũng biết đến chị Ngô Thị Thúy Hà - Giám đốc Ban Pháp chế - Đánh giá, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Nữ công Công đoàn Công ty. Ấn tượng của mọi người về chị Hà là một nữ cán bộ Công đoàn năng động, sáng tạo, luôn hết mình với các hoạt động công đoàn nói chung, hoạt động Nữ công nói riêng, qua đó vừa chăm lo, bảo vệ vừa nâng bước cho lao động nữ.
Bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống
Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2004, chị Ngô Thị Thúy Hà được tuyển dụng vào Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam với vị trí trợ lý Trưởng phòng Quản lý chất lượng và phiên dịch tiếng Nhật. Với sự năng động, sáng tạo, luôn nỗ lực vươn lên được rèn luyện từ khi còn là sinh viên, chị Ngô Thị Thúy Hà luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ giao và được lãnh đạo Công ty tín nhiệm bổ nhiệm nhiều chức vụ: Phó phòng Quản lý chất lượng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Trưởng phòng Quản lý hệ thống chất lượng kiêm Ttrưởng phòng Pháp chế, Giám đốc Ban Pháp chế - Đánh giá. Năm 2007 chị Hà được tín nhiệm được bầu vào Ban Chấp hành Công đoàn Công ty và được phân công là Trưởng ban Nữ công.
"Với tỉ lệ lao động nữ là 1.300 người/tổng số 2.400 cán bộ, công nhân viên, người lao động (chiếm tỷ lệ trên 54%), tôi nhận thấy vai trò của Ban Nữ Công Công ty là vô cùng quan trọng. Vì thế, tôi tâm niệm, phải triển khai thực hiện tốt nhất các mặt hoạt động của công tác Nữ công, trong đó quan trọng nhất là chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ"- chị Ngô Thị Thúy Hà bộc bạch.
Thông qua các kênh liên lạc là các tổ trưởng Công đoàn, Ban Nữ công đã kịp thời nắm bắt các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nữ đoàn viên, từ đó tổng hợp, đánh giá và tham mưu tới Ban chấp hành Công đoàn cũng như Ban lãnh đạo Công ty những giải pháp, chính sách chăm lo cho họ. Theo đó, trong 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, 100% nữ đoàn viên, người lao động vẫn được đảm bảo việc làm, tiền lương thưởng và hưởng đầy đủ phúc lợi xã hội.
Ban Nữ công cũng tham mưu và tham gia cùng với Ban Chấp hành đàm phán, thương lượng đưa vào Thỏa ước lao động tập thể những quy định có lợi hơn cho lao động nữ như: Lao động nữ mang thai trên 27 tuần được nghỉ thêm 1 tiếng/ngày, nữ đoàn viên mang thai được bố trí công việc nhẹ nhàng hơn (chuyển từ vị trí đang phải đứng làm sang vị trí được ngồi làm, vị trí làm đang phải di chuyển được chuyển sang vị trí làm ít phải di chuyển hơn…); xây dựng phòng vắt sữa, bố trí máy vắt sữa và tủ trữ đông bảo quản sữa cho các chị em nuôi con nhỏ; có chế độ khám sức khỏe định kỳ 1 năm/lần bao gồm khám tầm soát ung thư, khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ ; hỗ trợ kinh phí gửi trẻ cho các nữ đoàn viên có con dưới 3 tuổi với kinh phí 300.000đ/tháng…
Chia sẻ về những việc làm tâm đắc nhất cho lao động nữ, chị Ngô Thị Thúy Hà cho biết, qua nắm bắt nhu cầu của nhiều chị em và cũng xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân là một người mẹ từng nuôi con nhỏ, chị thấy rất cần có phòng vắt sữa trong doanh nghiệp để những chị em nuôi con nhỏ có thể vắt, trữ sữa trong thời gian đi làm.
Vì thế, chị đã trao đổi với phòng Y tế rà soát số lượng và nhu cầu của lao động nữ trong doanh nghiệp, thống nhất trong Ban Nữ công và đề xuất nội dung này với Ban chấp hành Công đoàn. Ban Chấp hành Công đoàn để xuất tới Ban lãnh đạo doanh nghiệp và được Ban lãnh đạo doanh nghiệp hết sức ủng hộ. Theo đó, phòng vắt trữ sữa được xây dựng với diện tích 48m2, có đủ các thiết bị phục vụ cho việc vắt trữ sữa, tổng chi phí xây dựng là 600 triệu đồng. Hàng năm có từ 15 - 20 nữ công nhân lao động sử dụng phòng vắt trữ sữa để lưu trữ sữa cho con.
Nâng bước lao động nữ
Cũng xuất phát từ việc nắm bắt tâm lý, nhu cầu của lao động nữ, nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho các chị em giảm thời gian đi chợ sau giờ làm, Ban Nữ công cũng tham mưu Công đoàn xây dựng Siêu thị Công đoàn với các mặt hàng thiết yếu có giá bán rẻ hơn từ 20-30% so với bên ngoài.
Không chỉ chăm lo đời sống vật chất cho lao động nữ, Ban Nữ công cùng với Công đoàn Công ty cũng chú trọng chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần cho chị em thông qua việc tổ chức các Câu lạc bộ sức khỏe dành cho chị em như Yoga, Zumba, Aerobic… Các Câu lạc bộ duy trì tập luyện 2 buổi/tuần/bộ môn, sau giờ hành chính đã giúp chị em có cơ hội rèn luyện sức khỏe đồng thời tăng cường giao lưu, học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết, nâng cao đời sống tinh thần để có thê động lực hăng say hơn trong công việc.
Ngoài ra, Ban Nữ công luôn đa dạng hóa hình thức tổ chức các hoạt động nhân các ngày kỷ niệm về giới 8/3 và 20/10 nhằm tạo hứng khởi cho đoàn viên; quan tâm công tác gia đình; chăm lo cho con công nhân viên, người lao động và không quên duy trì, đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… tạo những màu sắc sống động và sức cuốn hút cho các hoạt động Nữ công.
Hoạt động của Ban Nữ công đã giúp cho nữ cán bộ, công nhân viên, người lao động thêm tự tin, phấn khởi luôn nỗ lực vươn lên, gặt hái nhiều thành công trong công việc và cuộc sống. Điều này thể hiện ở việc, nhiều đoàn viên nữ trong Công ty đã được đề bạt vào những chức vụ quan trọng, được kết nạp Đảng, được khen thưởng các cấp.
Với những việc làm hiệu quả dành cho lao động nữ và những đóng góp cho hoạt động Nữ công nói riêng, hoạt động Công đoàn nói chung, chị Ngô Thị Thúy Hà đã được đón nhận nhiều khen thưởng của các cấp: Bằng khen của LĐLĐ thành phố Hà Nội khen thưởng Cán bộ Nữ công Thủ đô tiêu biểu; Bằng khen của LĐLĐ Thành phố khen thưởng có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và hoạt động Công đoàn. Mới đây nhất, trong năm 2024, chị Ngô Thị Thúy Hà đã vinh dự được Tổng LĐLĐ Việt Nam vinh danh Cán bộ Nữ công Công đoàn cơ sở tiêu biểu xuất sắc.