NSƯT Hoàng Thanh: Chuyện chưa kể về giọng ngâm thơ đi cùng năm tháng
Với các khán giả yêu dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam đều còn nhớ giọng ca của NSƯT Hoàng Thanh, một giọng ca ngọt ngào, sâu lắng với nhiều bài dân ca Bình Trị Thiên đi vào lòng người. Hơn thế, với giọng ca mang âm sắc miền Trung đặc trưng, NSƯT Hoàng Thanh còn chắp cánh cho các vần thơ bay cao, đồng hành cùng cảm xúc và tâm trạng của nhà thơ…
Nghỉ hưu đã hơn 10 năm nay, NSƯT Hoàng Thanh vẫn bận rộn với công việc dạy học và biểu diễn. Một tuần 3 buổi, bà tiếp tục công việc truyền dạy âm nhạc cổ truyền dân tộc cho các em học sinh, tại Học viện Âm nhạc Việt Nam và trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Số thời gian còn lại, thỉnh thoảng bà vẫn đến với những người yêu thơ và yêu dân ca. Gặp được bà không khó nhưng để cuộc nói chuyện thật thoải mái, không vướng việc nọ, việc kia thì phải chờ bà tra lại lịch, xem có bận dạy học hay trùng lịch diễn.
Hẹn gặp nghệ sĩ Hoàng Thanh tại nhà riêng vào một ngày hè mà cái nóng hầm hập dội từ trên trời xuống và hắt từ mặt đường lên. Sau một hồi cô cháu tìm nhau mướt mải do lạc đường trong con ngõ quanh co, nhỏ bé của Hà Nội, cuối cùng, tôi cũng gặp được bà. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên của tôi về NSƯT Hoàng Thanh là gương mặt quen thuộc trên truyền hình với mái tóc xoăn trẻ trung và đặc biệt là đôi mắt tinh anh.
Bà bảo, “cô già rồi, viết bài làm chi, nói chuyện vui thôi”. Tôi gật gù tán đồng nhưng vẫn năn nỉ, “nói chuyện vui nhưng hay thì viết cô nhé!”. Rồi cả hai cô cháu cùng cười. Sau cuộc nói chuyện kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, tôi nghĩ, mình không thể không viết về bà với nhiều câu chuyện hay có thể kể ra với bạn đọc.
Nổi tiếng ở lĩnh vực dân ca, NSƯT Hoàng Thanh ở cái tuổi 65 vẫngiữ được giọng nói rất riêng của miền Trung, cho dù bà đã sống ở Hà Nội suốt quãng thời gian vừa qua. Bà bảo, đó là do nghề nghiệp nên bà không được phép đánh mất âm sắc, ngữ điệu của miền cát trắng gió Lào. Theo lời mẹ kể, bà được sinh ra ở Nghệ An nhưng sau đó theo mẹ ra Hà Nội và gắn bó cho tới ngày nay. Mẹ của NSƯT Hoàng Thanh là người rất nghiêm khắc. Người mẹ ấy mong muốn, con gái đi đâu, làm gì thì vẫn luôn giữ được giọng nói đặc trưng của quê hương và nguồn cội gia đình. Và có lẽ sâu xa hơn, mẹ của NSƯT Hoàng Thanh còn muốn con gái sẽ nối nghiệp mẹ.
Có mẹ là nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật Bình Trị Thiên. Ngay từ nhỏ, NSƯT Hoàng Thanh đã theo chân mẹ trong nhiều lần biểu diễn và thuộc lòng các bài dân ca khu 4. Với nền tảng vững chãi về dân ca, năm 14 tuổi, bà được tuyển vào Đài Phát thanh Giải phóng và sau đó trở thành ca sĩ của Đội ca Huế với nhiệm vụ ngâm thơ, hát dân ca miền Trung. Để nâng cao trình độ, bà theo học các nghệ sĩ đi trước để trau dồi trình độ. Trong quá trình công tác, bà đã giành được nhiều giải thưởng trong các kỳ hội diễn như HCB cuộc thi ca múa nhạc dân tộc toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng, Giọng hát miền Trung hay nhất tại cuộc thi ca múa nhạc dân tộc toàn quốc tổ chức tại Hà Nội….
Năm 1997, bà vinh dự được phong tặng danh hiệu NSƯT. Vào những năm 80,90, khi phong trào yêu thơ và bình thơ được đặc biệt yêu chuộng, NSƯT Hoàng Thanh đã có mặt ở nhiều sân thơ, giúp cho những vần thơ đến với khán giả một cách lay động và trực tiếp. Với người làm nghệ thuật, đó là niềm hạnh phúc khi được đứng dưới ánh đèn sân khấu và được tán dương sau mỗi lần biểu diễn.
Với kinh nghiệm và kỹ năng xử lý, Hoàng Thanh đã thể hiện nhiều bài thơ rất thành công. Và thậm chí nhờ những lần biểu diễn như thế, bà đã giúp ích cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Chuyện là, một lần tới với các mỏ than ở Quảng Ninh biểu diễn, bà đã giúp cho 1 đôi vợ chồng sắp tan vỡ được hàn gắn.
Khi Hoàng Thanh ngâm bài thơ “Hai chị em” của nhà thơ Vương Trọng với những câu thơ xé lòng như: “Nín đi em bố mẹ bận ra tòa/Chị lên 7 dỗ em 3 tuổi/ Thằng bé khóc bụng chưa quen chịu đói hai bàn tay xe áo chị đòi cơm/ Bố mẹ đi sáng sớm khác mọi hôm/ Không nấu nướng cũng không hề trò chuyện/Hai cái bóng ở hai đầu ngõ hẻm cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau”. Giọng ngâm của bà đã luyến láy, nhấn nhá vào nỗi đau của 2 đứa trẻ sau khi bố mẹ chia tay khiến ai cũng xót xa. Không ngờ, buổi ngâm thơ hôm ấy có 1 anh chồng đang có ý định bỏ vợ cũng góp mặt và đã nghĩ lại vì thương con.
Sau buổi ngâm thơ hôm ấy, anh đã về hàn gắn với vợ và may thay, một gia đình đã không tan vỡ. NSƯT Hoàng Thanh và các đồng nghiệp sau đó đã có thêm các buổi biển diễn tiếp theo tại các mỏ than và không hề biết hiệu quả của đêm thơ đặc biệt ấy. Chỉ đến khi chị vợ tìm đến tận nơi, cảm ơn NSƯT Hoàng Thanh, bà mới biết được câu chuyện cảm động mà thơ ca và nghệ thuật đã mang lại cho con người.
Là người làm đẹp cho đời, rất nhanh sau đó, bà lại cuốn vào các chương trình biểu diễn khác và cho tới nay, Hoàng Thanh không thể biết được, nghệ thuật đã có tác dụng hàn gắn và xoa dịu nỗi đau cho bao người. Chỉ biết rằng, tình cảm của khán giả dành cho một nghệ sĩ dân ca và ngâm thơ như bà là rất rõ ràng. Món quà chỉ là cái kẹo, bông hoa nho nhỏ nhưng có tác dụng động viên rất lớn đối với người nghệ sĩ. Những lần sang Thái Lan biểu diễn cho kiều bào ta, ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương” vừa dứt lại được khán giả yêu cầu hát lại. Chất giọng đậm đà xứ Nghệ đã làm nên một ca khúc sâu lắng lòng người. Ca khúc được hát đi hát lại đến vài lượt mà khán giả dường như vẫn chưa muốn dừng lại.
NSƯT Hoàng Thanh chia sẻ, buổi tối hôm đó, bà tưởng như sẽ không có điểm kết thúc với bài hát ấy. Khán giả hâm mộ và yêu tiếng hát của mình quá chừng, cứ muốn nghe mãi không thôi. Còn nghệ sĩ biểu diễn cũng muốn sống mãi trong giây phút đẹp đẽ ấy nên đã không ngại “tua băng”. Nói rồi, bà cười đầy hạnh phúc.
Rồi những lần ra Trường Sa biểu diễn vào những năm 90, bà không bao giờ có thể quên về những người lính biển nhớ quê, nhớ gia đình. Họ ra Trường Sa mà trong ba lô mang theo là nắm đất quê hương. Biết có đoàn biểu diễn của Đài Tiếng nói Việt Nam ra thăm đảo, các anh lính mang nắm đất quê hương, đặt thành từng mô nhỏ trong lán của các chiến sĩ và mong muốn được nghe các nghệ sĩ hát về vùng đất quê mình.
Ngày ấy, đi ra Trường Sa còn nhiều gian lao, trải qua chặng đường dập dềnh sóng biển, say lả người đi nhưng đặt chân tới đảo, NSƯT Hoàng Thanh như được tiếp thêm sức mạnh, tỉnh táo lạ thường. Với người nghệ sĩ, được hát cho các chiến sĩ hải đảo xa xôi, được tiếp thêm nghị lực để các chiến sĩ vượt qua khó khăn luôn là trách nhiệm và vinh dự. Tiếng hát của bà đã làm ấm lòng những người lính, đặc biệt là những người lính đến từ mảnh đất miền Trung.
Làm nghề đã mấy chục năm, điều bà trăn trở là làm sao truyền đến các em tình yêu với văn hóa dân tộc, với những làn điệu dân ca mượt mà. Chính vì thế, hiện nay, bà vẫn đang tâm huyết với công việc dạy học. Và phương pháp dạy học của bà là vừa học vừa chơi, để các em trẻ từ từ ngấm cái hay, cái đẹp của những làn điệu ru con ngọt lịm mà thấm đẫm tâm hồn xứ sở. Bà mong muốn, sau này, các em có trở thành nghệ sĩ opera nổi tiếng, một ca sĩ của dòng nhạc thị trường hay một nghệ sĩ chơi đàn thì luôn lấy âm nhạc cổ truyền làm nền tảng để từ đó phát triển, phá cách và tạo ra các sản phẩm âm nhạc mang bản sắc văn hóa dân tộc.