Nông thôn mới là chương trình của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khẳng định xây dựng nông thôn mới đã thực sự là chương trình của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Xây dựng nông thôn mới phải đặt con người làm trung tâm

Chiều 22/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; các phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới""Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021 - 2025.

Hội nghị diễn ra tại điểm cầu chính Trụ sở Chính phủ, kết nối đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nông thôn là di sản. Từ di sản, truyền thống được bảo tồn, nuôi dưỡng trong lời kể, trong tư liệu lịch sử, đến di sản giàu sức sống của cư dân nông thôn, đang được phát huy, lan tỏa giá trị mỗi ngày.

Ông dẫn ví dụ từ những sáng tạo của giới trẻ như bài hát "Bắc Bling" hay "Hạt gạo", những sản phẩm âm nhạc đậm chất dân gian được tái hiện trong hình thức hiện đại như một minh chứng cho sức sống của bản sắc quê hương với những câu hát cảm xúc như: "Tình quê son sắc keo sơn, hương đồng gió nội cây rơm đợi chờ" hay "Gạo là tên của tôi, mời anh chị ngồi chơi cùng nghe rock về hạt gạo".

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan: Xây dựng nông thôn mới không còn là chương trình của nhà nước mà đã thực sự là chương trình của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều thành quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, câu hỏi cần đặt ra là làm thế nào để người dân trở thành chủ thể thực sự của sự thay đổi.

"Làm sao để nông thôn mới không chỉ gắn bó với người làng hôm nay mà còn là miền quê đáng sống, luôn muốn tìm về với những người trẻ lớn lên, học tập, làm việc giữa thành thị mai sau", ông nói.

Trong bối cảnh cải cách tổ chức hành chính, tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là cơ hội để cấp cơ sở phát huy tính chủ động, năng lực sáng tạo. Ông nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong việc đưa tiến bộ về tận thôn, xóm, bản làng.

Không gian phát triển cấp xã không chỉ là không gian sản xuất mà phải tích hợp văn hóa, xã hội, cộng đồng. Trong đó, năng lực và tri thức của cư dân là yếu tố quyết định.

Quan trọng nhất là niềm tin, là sự chủ động, sự sẵn lòng thích ứng với sự thay đổi của người dân đã trở thành nguồn lực mạnh mẽ nhất. "Xây dựng nông thôn mới không còn là chương trình của Nhà nước mà đã thực sự là chương trình của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quan trọng nhất là niềm tin, là sự chủ động, sẵn lòng thích ứng với thay đổi của người dân", Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khẳng định.

6 hướng tiếp cận mới trong giai đoạn mới

Nhấn mạnh giai đoạn mới đòi hỏi tư duy mới, cách tiếp cận mới để xây dựng nông thôn không chỉ giàu có mà còn hạnh phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan gợi mở 6 hướng tiếp cận.

Thứ nhất, chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững có nhiều điểm tương đồng, cần được tích hợp để giảm phân mảnh, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, hướng tới mục tiêu chung là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. "Giảm nghèo bền vững không chỉ là trao cần câu thay vì con cá mà còn là hướng dẫn cách câu, khơi gợi tinh thần tự lực, không bỏ cuộc", ông nói.

Thứ hai, đề xuất chuyển từ tiêu chí cứng sang năng lực mềm, tức đầu tư cho "hạ tầng con người". Người dân nông thôn cần được trang bị tri thức quản trị, truyền thông, thương mại hóa sản phẩm, tham gia các lớp học số. Mỗi mô hình làng nghề, tổ hợp tác, hội quán nông dân là một hạt giống đổi mới.

Thứ ba, về kinh tế nông thôn, không thể chỉ dựa vào nông nghiệp. Trong bối cảnh rủi ro ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, dịch bệnh và biến động giá cả, cần đa dạng hóa sinh kế, phát triển dịch vụ, du lịch cộng đồng, sản phẩm OCOP, logistics. Gia đình nông dân cần trở thành nhà sản xuất, nhà kinh doanh và nhà quảng bá sản phẩm. Đồng thời, các tổ chức kinh tế cộng đồng như hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ tại địa phương cần được hỗ trợ trở thành điểm tựa chia sẻ rủi ro và nâng cao giá trị.

Thứ tư, kết nối thị trường, đưa khoa học công nghệ, tri thức về làng. Lợi thế nông nghiệp của đất nước khó có thể được phát huy hết nếu không thể kết nối trí tuệ của các nhà khoa học từ các viện, trường đến ruộng đồng. Cần có một hệ thống khuyến nông cộng đồng, nơi người dân nông thôn không chỉ học kỹ thuật mà được trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học, chuyên gia, sinh viên tình nguyện.

Mỗi làng quê đều có thể trở thành một phòng thí nghiệm sống động để thử nghiệm những giải pháp nông nghiệp tuần hoàn, phục hồi môi trường, tạo thêm nhiều sinh cảnh dọc theo những con sông, con đường, khu trung tâm. Mỗi hộ gia đình biết tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng tái tạo, đổi mới giống cây, giống con, phát huy giá trị thực vật bản địa, kết hợp với những nghề mới như trồng dược liệu, cây gia vị,…

Thứ năm, thay đổi tư duy lập quy hoạch nông thôn. Sau khi hợp nhất không gian hành chính cấp xã, chắc chắn phải điều chỉnh lập quy hoạch mới. Quy hoạch xã không chỉ là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, trồng cây gì hay nuôi con gì, là quy hoạch kết cấu hạ tầng. Quy hoạch xã quan trọng hơn là định hình khu vực kinh tế nông thôn. Trong không gian đó, làng nghề truyền thống được phục hồi, tạo ra các ngành nghề mới cho nông thôn, khu vực chế biến nông sản, phát triển du lịch cộng đồng.

Quy hoạch nông thôn cần được xem là bản marketing để giới thiệu, thu hút đầu tư bên ngoài, khuyến khích người ở làng tham gia phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác xã, xúc tiến đầu tư, khởi nghiệp nông nghiệp với các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số.

"Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh, sự kiên trì đồng hành từ mỗi chúng ta, sự thấu hiểu từng hoàn cảnh khó khăn để chọn lọc, hỗ trợ sinh kế phù hợp, khuyến khích tinh thần vượt khó, vươn lên, sẽ góp phần giúp chất lượng sống của những người có điều kiện khó khăn ngày càng được cải thiện", Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khẳng định.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cơ bản là đạt và vượt các mục tiêu được giao đến hết năm 2025.Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 79,3%/chỉ tiêu 80%, tăng 10,6% so cuối năm 2021; tỷ lệ xã đạt nông thôn mới nâng cao là 42,4%/chỉ tiêu 40%, tăng hơn 5 lần so cuối năm 2021; tỷ lệ xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu là 12,3%/chỉ tiêu 10%, tăng hơn 17 lần so với cuối năm 2021; tỷ lệ đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới là 51%/chỉ tiêu 50% (tăng 53% so cuối năm 2021); tỷ lệ huyện nông thôn mới nâng cao là 20%/chỉ tiêu 20% (tại thời điểm cuối năm 2021 chưa có huyện nông thôn mới nâng cao).Đến nay, đã có 12 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới/chỉ tiêu 15 tỉnh, tăng 8 tỉnh so cuối năm 2021.

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-thon-moi-la-chuong-trinh-cua-nhan-dan-do-nhan-dan-vi-nhan-dan-405482.html