Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục kỳ vọng lớn vào EVFTA
Sau hơn 2 tháng thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), những lợi ích thu được ban đầu đối với ngành nông nghiệp Việt Nam là rất khả quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông thủy sản đang tiếp tục kỳ vọng lớn vào việc khai thác cơ hội từ EVFTA để phát triển.
Chia sẻ tại Lễ ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - châu Âu (EVBC), diễn ra ở Hà Nội mới đây, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 đã tăng 6% và tháng 9 đã tăng 20% so với tháng 7/2020. Qua khảo sát, các doanh nghiệp (DN) đã phản hồi ý kiến rất lạc quan về triển vọng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU trong những tháng còn lại của năm 2020 và tiếp theo. Sau hơn 2 tháng EVFTA có hiệu lực, các DN từ EU cũng đã đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, trong đó DN của Hà Lan và Đan Mạch đã mở các dự án chăn nuôi lợn hiện đại và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ở vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn nhu cầu Việt Nam đang rất cần đầu tư ở vùng này.
Đối với nông nghiệp Việt Nam, những nghiên cứu đánh giá đã cho thấy, EVFTA tạo ra cơ hội rất lớn để thúc đẩy phát triển, vì EU là một thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 2 thế giới, có thu nhập bình quân đầu người cao (trung bình 35.000 USD/người/năm), đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam và EU không cạnh tranh lẫn nhau mà có tính bổ sung cho nhau.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ: Ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ kỳ vọng vào EVFTA về góc độ gia tăng thương mại (xuất khẩu), mà còn kỳ vọng sẽ “trưởng thành” hơn khi đáp ứng các tiêu chuẩn cao và mới của EU về vấn đề môi trường, lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển bền vững… Chẳng hạn, đối với lĩnh vực trồng trọt, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khi vào EU bắt buộc sẽ phải áp dụng mã số vùng trồng, tuân thủ yêu cầu truy xuất nguồn gốc…, điều này sẽ thúc đẩy tăng cường áp dụng các qui trình sản xuất an toàn, bền vững từ đồng ruộng đến bàn ăn. Hay trong lĩnh vực thủy sản, hàng hóa Việt Nam vào EU bắt buộc phải đáp ứng qui định của EU về đánh bắt khai thác hợp pháp (IU)… Những điều kiện này tuy là áp lực, song nó lại là động lực để ngành nông nghiệp Việt Nam vươn lên đạt những dấu mốc thành tựu cao hơn. Khi đáp ứng tốt các tiêu chuẩn cao của thị trường EU, đồng nghĩa với việc hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam cũng sẽ dễ dàng, thuận lợi trong việc tiếp cận, chiếm lĩnh thị phần tại các thị trường khác trên thế giới.
Mặc dù các DN EU đã bắt đầu gia tăng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để khai thác EVFTA, song đầu của EU vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam còn rất nhỏ bé, mới chỉ có 44 dự án, với tổng số vốn đầu tư 208 triệu USD.
"Bộ Nông nghiệp Việt Nam kêu gọi các EU quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn vào ngành nông nghiệp Việt Nam còn có nhiều lợi thế, không chỉ sản xuất trên đồng ruộng, mà còn giúp Việt Nam đáp ứng các nhu cầu lớn về công nghệ cao, thiết bị máy móc hiện đại, vận tải, logistics… mà EU có thế mạnh. Đồng thời, sẵn sàng phối hợp với các tổ chức, đơn vị có liên quan để hỗ trợ DN EU đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, kể cả việc đề xuất các cơ chế, chính sách thích hợp" - ông Đỗ Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), thông tin: 20 năm trước (năm 2000), Việt Nam chỉ có 19 DN đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu thủy sản vào EU, kim ngạch mới chỉ đạt 100 triệu USD. Đến nay, với nhiều nỗ lực trong sản xuất bền vững, đáp ứng yêu cầu của EU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU đã đạt hơn 1 tỷ USD, tăng gấp 10 lần.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1.000 DN hoạt động xuất khẩu thủy sản, trong đó 600 nhà máy đáp ứng đủ yêu cầu về IU có thể xuất khẩu vào EU. Các DN thành viên VASEP đang rất kỳ vọng vào cơ hội từ EVFTA, mong muốn Chính phủ hai bên và các cơ quan chức năng liên quan có các cơ chế thúc đẩy và hỗ trợ các DN thủy sản có thêm những năng lực mới, chuẩn mực mới… đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào EU với giá trị tăng gấp đôi so với hiện nay trong một tương lai gần.