Nông dân là trung tâm của đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ

Với sự đổi mới sáng tạo, nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ đã và đang hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản hiệu quả, phát triển nền nông nghiệp theo hướng xanh.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh nghiên cứu các sản phẩm phát triển trong sản xuất nông nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh nghiên cứu các sản phẩm phát triển trong sản xuất nông nghiệp.

Với sự đổi mới sáng tạo, nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ vượt trội của Học viên Nông nghiệp Việt Nam đã và đang hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản hiệu quả, góp phần khôi phục và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng xanh, sinh thái. Chia sẻ về những định hướng cũng như sản phẩm nghiên cứu, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Minh, Chủ nhiệm Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản”, cũng là nhà sáng lập Spin-off thí điểm lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp, môi trường JAMITECH-VNUA về các sản phẩm khoa học, sáng tạo của Bộ môn vi sinh vật, khoa Tài nguyên Môi trường - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Phóng viên: Học viện Nông nghiệp Việt Nam là cái nôi nghiên cứu ra các sản phẩm khoa học công nghệ, ứng dụng sâu rộng trong phát triển nông nghiệp Việt Nam. Thời gian vừa qua, các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng vượt trội nào đã giúp nông dân sản xuất hiệu quả?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh:

Có thể kể đến điển hình bộ sản phẩm ứng dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã được công nhận và thử nghiệm cho hiệu quả vượt trội là chế phẩm Vnua-Mios V đã được Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành hay chế phẩm Vnua-Aqua đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.

Các chế phẩm này đều là chế phẩm vi sinh đa chức năng, có tác dụng tổng hợp thể hiện tính vượt trội bởi chứa các loại vi sinh vật hữu ích có hoạt tính probiotic làm tăng hệ số tiêu hóa và tăng cường miễn dịch cho vật nuôi. Nhờ đó giảm được lượng thức ăn đầu vào và giảm phát thải.

Chế phẩm có khả năng lên men và đồng hóa chất hữu cơ gây thối nên có tác dụng khử nhanh mùi hôi từ chất thải, làm sạch môi trường chăn nuôi. Hoạt tính enzyme phân giải và chuyển hóa mạnh các chất hữu cơ có trong chất thải thành dinh dưỡng dễ tiêu nên tận dụng hiệu quả chất thải làm nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Bên cạnh đó, các chế phẩm có khả năng đối kháng với các vi sinh vật thường gây bệnh cho vật nuôi nên hạn chế được dịch bệnh.

Những sản phẩm ứng dụng công nghệ vượt trội, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Ảnh: Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nhờ các tác dụng hiệp đồng tổng hợp này mà các chế phẩm sinh học của chúng tôi đã ứng dụng được trong cả quy trình chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản khép kín giúp vật nuôi khỏe mạnh, hạn chế được dịch bệnh, giảm phát thải và ô nhiễm môi trường. Đồng thời, việc tận dụng được chất thải một cách hiệu quả đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, không phải sử dụng hóa chất và kháng sinh.

Nhờ đó, vật nuôi tăng năng suất và chất lượng nông sản như thịt, trứng, sữa... đạt tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng như cầu sử dụng nông sản sạch của người tiêu dùng.

Như vậy, việc sử dụng chế phẩm sinh học sẽ làm gia tăng chuỗi giá trị cho nghề chăn nuôi, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn theo đúng định hướng của Chính phủ, ngành nông nghiệp và hội nhập quốc tế hiện nay.

Phóng viên: Với những sản phẩm ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản được nghiên cứu, bà có thể chỉ rõ hơn hiệu quả kinh tế mà người nông dân hưởng lợi là gì?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh: Khi sử dụng các chế phẩm vi sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam theo cả chu trình chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản sẽ giúp nâng cao hệ số tiêu hóa và tăng cường miễn dịch cho vật nuôi nên giảm được lượng thức ăn tiêu thụ mà vật nuôi vẫn khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh, đồng thời giảm được phát thải. Khi sử dụng các chế phẩm không chỉ giảm được khoảng 20% lượng thức ăn sử dụng mà còn thay thế được hoàn toàn cho hóa chất và chất kháng sinh thường dùng.

Tính trung bình chi phí đầu vào sẽ giảm được 200-300 nghìn/đầu lợn, 20 nghìn/con gà. Mặt khác, còn giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người chăn nuôi, nên dễ có sự đồng thuận của người dân quanh khu vực chăn nuôi.

Không những thế, chất lượng thịt, trứng, sữa cũng tăng lên, đạt tiêu chuẩn an toàn và xuất khẩu do không còn tồn dư kháng sinh phòng bệnh, đồng thời chất thải chăn nuôi được tận dụng để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng. Vì thế làm gia tăng chuỗi giá trị cho người chăn nuôi mà vẫn bảo vệ được môi trường.

Những ứng dụng công nghệ này nếu được thực hiện đúng theo chu trình chăn nuôi -nuôi trồng thủy sản khép kín sẽ là sự hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại các địa phương, giúp phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh một cách đồng bộ.

Phóng viên: Với sản phẩm nghiên cứu có giá trị vượt trội, thời gian tới Học viện Nông nghiệp Việt Nam có kế hoạch phát triển như thế nào trên cả nước?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh:

Chúng tôi đã thiết lập Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi -nuôi trồng thủy sản” giai đoạn 2022-2025 và sẽ liên kết với các địa phương,lần lượt thực hiện tại các tỉnh/thành phố trên cả nước. Chúng tôi hỗ trợ tư vấn xây dựng chu trình chăn nuôi-nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn sinh học và hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cho bà con, giúp họ thực hiện các mô hình thí điểm chăn nuôi -nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ, từ đó nhân rộng, lan tỏa tại từng địa phương. Việc nhân rộng chu trình sản xuất như thế này sẽ từng bước nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, để người tiêu dùng được sử dụng các nông sản an toàn có chất lượng cao và đảm bảo sức khỏe.

Trước mắt chương trình đã và đang thực hiện tại tỉnh Hòa Bình và Bến Tre. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022, chúng tôi sẽ triển khai tiếp các tỉnh, như: Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình. Như vậy, người nông dân sẽ trực tiếp được các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và hưởng lợi, yên tâm sản xuất.

Phóng viên: Học viện Nông nghiệp Việt Nam có chủ trương xây dựng các mô hình khởi nghiệp khoa học công nghệ, đặc biệt là thành lập thí điểm các Doanh nghiệp khởi nguồn khoa học công nghệ Spin-off. Bà đánh giá thế nào về chủ trương này?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh: Cá nhân tôi thấy đây là một chủ trương tiên phong rất hay vì mô hình đã phá tảng băng rào cản giữa nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp, giúp hiện thực hóa các nghiên cứu của các nhà khoa học, mở đường cho những nghiên cứu khoa học thành công từ phòng thí nghiệm được ứng dụng vào thực tế sản xuất.

Sắp tới combo sản phẩm từ phòng thí nghiệm như: Ja-MiosV; Ja-Biotic; Ja-Aqua sẽ được chúng tôi đưa ra thị trường qua Doanh nghiệp khởi nguồn khoa học công nghệ Spin-off; công nghệ sinh học nông nghiệp môi trường JAMITECH-VNUA. Các sản phẩm khoa học vượt trội này sẽ thúc đẩy các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo để nghiên cứu các công nghệ mới, ngày càng hoàn thiện và có tính ưu việt. Đồng thời cũng giúp nông dân vượt khó, làm giàu và xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sinh thái.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Bích Hồng (Thực hiện)/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nong-dan-la-trung-tam-cua-doi-moi-sang-tao-khoa-hoc-cong-nghe/255026.html