Nobel văn chương thiên tài trẻ tuổi nhất
Cho đến nay, trong lịch sử Nobel văn chương, ngôi vị người trẻ tuổi nhất đoạt chiếc vương miện danh giá nhất hành tinh này chưa ai vượt qua được thi sĩ Rudyard Kipling (1865-1936) người Anh. Ông được vinh danh Nobel văn học năm 1907, ở tuổi 41.
Thiên tài toàn diện và vĩ đại
Năm 1907, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao giải Nobel Văn học cho thi sĩ kiêm tiểu thuyết gia Joseph Rudyard Kipling 41 tuổi, cùng lời nhận xét: "Khả năng quan sát với trí tưởng tượng độc đáo, chính là những điểm đặc trưng cho những sáng tạo của tác giả nổi tiếng này". 41 tuổi, khi nhận giải Nobel, ông đã có trong tay 20 tập sách, trong đó 4 tiểu thuyết, hàng trăm bài thơ, nhiều tập ký, bài báo.
Không chỉ là nhà thơ, R.Kipling còn được biết đến là một nhà báo, nhà văn, kiêm tiểu thuyết gia xuất sắc. Sinh ra trong một gia đình cả bố mẹ cùng hoạt động nghệ thuật ở Ấn Độ, R.Kipling được xem là con nhà nòi khi cha là một chuyên gia Anh về lịch sử nghệ thuật Ấn Độ, Giám đốc Trường Nghệ thuật Mumbai, mẹ là con một gia đình danh giá ở London.
Nổi tiếng từ năm 17 tuổi, R.Kipling sớm bộc lộ tư chất thiên tài khi sáng tác trên nhiều lĩnh vực thơ, văn, kịch, báo viết. Đặc biệt ông sáng tác nhiều truyện ngắn, truyện du kí, và thơ về đề tài thiếu nhi. Các sáng tác của ông có chủ đề đa dạng, từ tình yêu quê hương, đất nước, yêu nhân loại, ca ngợi vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên và các sáng tác khoa học viễn tưởng hấp dẫn độc giả khắp thế giới. Những tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông đều là những tác phẩm kinh điển, và các nhà phê bình đã gọi ông là "Người có biệt tài kể chuyện uyên bác và xuất sắc".
Những tác phẩm viễn tưởng của ông bao gồm bộ đôi "Chuyện rừng xanh", "Kim" , "Chuyện là như thế" và rất nhiều truyện ngắn, bao gồm "Người đàn ông sẽ trở thành vua". Các tác phẩm thơ kinh điển của ông "Mandalay", "Gunga Din", "Những vị thần của tiêu đề bản sao sách" "Gánh nặng người da trắng", và " Nếu" - bài thơ được bình chọn hay nhất trong lịch sử thi ca nước Anh. Henry James, tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học Mỹ đã từng nói rằng "Kipling là một thiên tài toàn diện nhất, với trí tuệ khác xa với loại trí tuệ mà tôi từng biết".
Ở vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, R.Kipling được xem là một trong những nhà văn Anh Quốc nổi tiếng nhất. Ngoài giải Nobel, Kipling được nhận bằng danh dự và phần thưởng của nhiều trường đại học danh tiếng như Đại học Oxford, Cambridge, Edinburgh, Đại học Paris, Athens, Toronto… và giải Huy chương Vàng Văn học Hoàng gia Anh. Ông cũng từng được bầu là thi sĩ Hoàng gia và một vài lần là Tước hiệp sĩ. Nhưng với cá tính và cuộc đời nhiều uẩn khúc, ông đã đến Stockholm nhận giải nhưng không đọc diễn văn và cả mấy lần ông đều từ chối thi sĩ Hoàng Gia và Tước hiệp sĩ.
Trên đỉnh cao vinh quang và tiền bạc, Rudyard Kipling chọn cuộc sống lặng lẽ, tránh công chúng, bỏ qua những phê bình thù nghịch, từ chối nhiều danh hiệu. Năm 1901 ông xuất bản tiểu thuyết "Kim" như một lời chào giã từ gửi đến đất nước Ấn Độ. Năm 1902 ông lui về sống tại một làng quê hẻo lánh ở Sussex nước Anh cho đến cuối đời.
Bài thơ vĩ đại
Bài thơ "Nếu" là một thi phẩm nổi tiếng nhất của ông. Bài thơ này được tác giả sáng tác vào năm 1895 và in lần đầu vào tháng 10/1910, trên Tạp chí The American Magazine.
Xin được chia sẻ thêm về đời riêng của Kipling. Có lẽ bi kịch lớn nhất của đời ông chính là mất đi 2 người con một trai một gái mà ông rất đỗi yêu thương và tự hào. Kipling có hai người con. Bất hạnh thay, trong hành trình cả gia đình ông di cư đến Mỹ, cả nhà đã bị bệnh viêm phổi. Trận viêm phổi nặng nề đó đã cướp đi cô con gái yêu mới lên 6 tuổi của ông, và để lại trong đời sống gia đình ông những di chứng nặng nề về nỗi đau, sự mất mát.
Nhưng chưa hết những bất hạnh, số phận đã một lần nữa đã chơi khăm Kipling, đánh ông gục ngã khi người con trai của Kipling là Jack Kipling, đã chết năm 1915 trong một cuộc tử chiến trên đất Pháp thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đây là một nỗi đau đeo đẳng suốt đời của Kipling bởi trước đó, con trai ông từng bị từ chối không cho nhập ngũ vì cận thị, song ông đã dùng ảnh hưởng của mình để đưa bằng được cậu con vào quân đội, lại ở đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu. Ông dạy con trai luôn phải sống xứng đáng là người con ưu tú, dũng cảm, yêu đất nước, sống có lí tưởng, sẵn sàng cống hiến cho tổ quốc. Việc này đã gây mâu thuẫn nặng nề giữa ông và vợ, nhất là khi Jack biệt vô âm tín trong một trận chiến (sau được coi như đã chết). Năm 2007, một bộ phim dựa trên câu chuyện có thực này với nhân vật trung tâm là người con trai của Kipling đã được sản xuất và trình chiếu phục vụ công chúng Anh quốc. Nỗi đau mất hai người con đã dày vò ông suốt cả cuộc đời.
Bài thơ "Nếu" lan tỏa và chấn động cả nước Anh bởi những thông điệp mà Kipling gửi gắm. Trong tiểu thuyết "Cái chết của một anh hùng", nhà văn Anh Richard Aldington đã trích dẫn một số câu trong bài thơ để ca ngợi tinh thần bất khuất của người lính ngoài mặt trận trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất. Đạo diễn người Anh Lindsay Anderson cũng đã mượn tên bài thơ để đặt tên cho một bộ phim của mình sản xuất năm 1968 từng được giải thưởng Cành Cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes… Kipling từng cho biết, bài thơ đã được nhiều nơi in ra như những bức tranh để treo trong phòng làm việc, trong phòng ngủ hoặc những nơi trang trọng. Nhiều người coi đây như những lời nhắc nhở, như một quan niệm sống.
Hiện nay, bài thơ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Và thường là do những dịch giả có tên tuổi thực hiện. Như ở Myanma, nơi có thành phố Mandalay được nhắc tới trong bài thơ, bài thơ đã được thực hiện bởi Aung San Suu Kyi, người từng được trao giải Nobel về hòa bình năm 1991. Ở Nam Tư, bản dịch cũng đã được thực hiện bởi nhà văn Ivo Andric, người được giải Nobel văn học năm 1961.
Tại Việt Nam, bài thơ tuyệt tác của Kipling từng được giới thiệu với bạn đọc qua bản dịch Pháp văn của dịch giả Nguyễn Hiến Lê từ cách đây mấy chục năm. Sau này đã có thêm nhiều bản dịch khác sát nghĩa hơn.
Thơ văn của Kipling phản ánh cuộc sống người lính và nghĩa vụ của họ đối với Đế quốc Anh. Điều này đã khiến sinh thời, bên cạnh sự hoan nghênh của độc giả Anh quốc, Kipling cũng bị các đồng nghiệp và bạn đọc ở nhiều quốc gia lên án là kẻ cổ xúy tư tưởng đế quốc, ủng hộ phát xít. Tuy nhiên, nói như Paustovsky thì "ảnh hưởng của Kipling đối với nền văn học thế giới là rất to lớn". Còn theo nhận định của tiểu thuyết gia Neil Gaiman thì Kipling thực sự là một nhà văn vĩ đại, là người hoàn toàn "xứng đáng với giải thưởng Nobel".
Văn nghệ Công an xin giới thiệu bài thơ “Nếu” qua bản dịch của Nguyễn Hoàng Ái.
NẾU
Nếu con có thể bình tâm khi mà tất cả
Hết thảy kinh hoàng và đổ lỗi cho con
Nếu con vẫn vững tin khi mọi người nghi kỵ
Mặc ai đó không tin nhưng con vẫn vững lòng
Nếu con biết đợi chờ và kiên nhẫn chờ trông
Không lấy điều dối gian đáp lại điều gian dối
Hoặc bị căm ghét mà không căm ghét lại
Không nói những lời khôn, không ra vẻ thánh thần.
Nếu con mơ ước mà không để ước mơ làm chủ đời con
Nếu con có thể suy tư mà không lấy nó làm mục đích
Nếu cả Thành công, Thất bại trên đường đời con gặp
Mà vẫn như nhau - đối xử một tấm lòng
Nếu con biết nghe sự thật những lời của con
Bị kẻ bất lương làm bẫy lừa kẻ dại
Hoặc nhìn đời con đổ vỡ, đành làm lại
Và con cúi xuống dựng nên với công cụ đã mòn.
Nếu con dám đem những đồng vốn của mình
Đổ hết vào một trận ăn thua úp ngửa
Đành làm lại từ đầu vì đã mất tất cả
Mất mát của mình không một chút thở than
Nếu con ép được con tim, thớ thịt đường gân
Phục vụ cho mình để giành mục đích
Và cố níu giữ, dù chẳng còn sức lực
Nhưng ý chí vẫn đòi: "Hãy giữ vững lòng tin!".
Nếu con giữ tư cách khi nói chuyện với mọi người
Hay khi ngồi với Vua - thường dân không gián đoạn
Nếu không để thiệt cho mình - dù với thù hay bạn
Không còn để ai nợ nần hay còn nợ gì ai
Nếu mỗi phút giây con có được trong đời
Không để phí hoài mà luôn luôn đặt trên đường chạy
Thì thế giới này sẽ là của con, cùng tất cả những gì trong đấy
Và - quan trọng hơn - con trai, con là một Con người!